V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Còn và Mất

- Tịnh Đức


Thời gian thắm thoát trôi qua, mới đó mà thầy Huệ Văn đã trải qua hai năm học. Chỉ còn một năm nữa là thầy sẽ tốt nghiệp mãn khóa cấp Cao Trung Phật Học. Khóa học này nhà trường quy định thời gian là ba năm. Sau đó, nếu tăng sinh nào muốn học tiếp thì phải thi vào lớp Cao Đẳng Phật Học. Chương trình của lớp Cao Đẳng Phật Học cộng chung là tám năm, học xong bốn năm đầu tăng sinh sẽ được cấp phát văn bằng cử nhân Phật Học. Và sau đó là hai năm cao học, còn lại hai năm cuối cùng, tăng sinh sẽ hoàn tất luận án tiến sĩ. Với chương trình học như thế, nên nhà sư trụ trì luôn khuyến khích thầy Huệ Văn bằng mọi giá phải cố gắng học cho xong chương trình ở cấp bậc cao đẳng, tức phải hoàn tất luận án tiến sĩ Phật Học. Nhờ có sư phụ hỗ trợ khuyến khích, nên thầy Huệ Văn cương quyết phải đeo đuổi học cho xong chương trình Cao Đẳng Phật Học.

Tết năm nào nhà trường cũng cho các tăng sinh về quê nghỉ hè ăn Tết một tháng. Nghĩa là qua rằm Tháng Giêng tăng sinh mới trở lại trường nhập học. Vì đó là dịp để cho các tăng sinh về chùa nghỉ ngơi tịnh dưỡng cho khỏe, đồng thời cũng phụ giúp công việc chùa với thầy tổ. Mặt khác là để cho tăng sinh có thời gian ôn lại những bài vở đã học, hoặc đi du ngoạn lãm cảnh ở một vài nơi thắng cảnh cho thư thả tâm hồn. Bởi những ngày miệt mài học hỏi ở nhà trường, tất nhiên đầu óc của họ rất căng thẳng và mệt mỏi.

Vị trí của ngôi chùa vì nằm trên đồi cao có nhiều cây cao tán lá xum xuê xanh mát, không gian rộng lớn, nên sáng nào mọi người cũng đều ra ngoài trời hít thở không khí tươi mát trong lành. Có những buổi chiều đẹp trời, sau giờ thọ thực, ba huynh đệ thường hay rủ nhau lên đồi để ngắm cảnh mặt trời lặn. Đó là những buổi chiều tàn êm ả, hoàng hôn lặng lẽ buông xuống bao phủ khắp cả ngọn đồi. Cảnh vật như chìm sâu lần vào trong bóng tối. Mỗi lần ngắm cảnh hoàng hôn, chiều buồn, thầy Huệ Văn không sao quên được ngày mẹ của thầy mất. Mẹ của thầy từ biệt cõi đời vĩnh viễn ra đi cũng trong một buổi chiều tàn. Khi đó, mọi cảnh vật đều lặng chìm trong màn đêm, để lại một khoảng không gian thật lạnh lùng buồn tẻ. Có một buổi chiều thầy ngồi một mình trên ngọn đồi đưa mắt nhìn về phía chân trời xa xăm, mây mờ ảm đạm, bất giác hình ảnh của mẹ thầy lại hiện về rõ nét trong tâm khảm của thầy. Một hình ảnh trước khi nhắm mắt lìa trần, mẹ thầy vẫn cố gượng gạo mở to đôi mắt trong cơn hấp hối để nhìn thầy lần cuối. Thầy đã cảm nhận được những gì mẹ thầy muốn nói qua ánh mắt trìu mến yêu thương của người mẹ hiền. Vì vậy, trong lúc ngồi buồn nhớ mẹ, thầy có cảm tác một bài thơ nói về cảnh hoàng hôn khi mặt trời đã tắt. Như bài thơ mà thầy đã đưa cho chú Huệ Minh trong những ngày đầu khi chú Huệ Minh đến chùa tu học. Vì cùng cảnh ngộ nên hai người dễ thông cảm và chia sẻ nhau hơn.

Hôm nay, tuy thời gian cách xa, nhưng để tưởng nhớ lại một buổi hoàng hôn nào đó mà chính thầy Huệ Văn đã viết lên những vần thơ bằng những giọt lệ thương tâm khóc thầm trong tủi hận. Bài thơ này, chú Huệ Minh đã đọc nhiều lần nên thuộc lòng như cháo.

Hoàng hôn buông xuống đất trời
Phủ che vạn vật khắp nơi một màu
Vầng hồng le lói đồi cao
Nắng vàng yếu ớt một màu thê lương
Ngàn cây thảm cỏ bên đường
Đứng buồn ủ rũ hứng sương bạc đầu
Chiều buồn ảm đạm cỏ sầu
Mây hồng ráng đỏ vồng cầu tóc tang
Giật mình trong cảnh bàng hoàng
Đất trời đã vẽ ngàn trang lụy buồn
Nặng lòng nước mắt trào tuôn
Mẹ đi biền biệt in tuồng mây bay
Ngẩn người chết lặng chiều nay
Lòng buồn nhớ mẹ ai hay hôn hoàng

Chú Huệ Minh đọc bài thơ mà lòng của chú chứa chan đầy nỗi đau thương buồn tủi trong lòng. Bởi chú cũng mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ. Chú đã mất đi tình yêu thương nồng ấm của cha mẹ. Trong khi đó, chú Huệ Tân cũng tủi lòng rơi lệ. Vì chú cũng đã mất mẹ. Bầu trời hôm nay tuy còn đó nhưng nắng vàng đã tắt hẳn rồi. Vầng thái dương không còn soi sáng nữa. Cả ba người như cùng một tâm trạng đau thương, cứ lặng lẽ lủi thủi đi từng bước nặng trĩu lên dốc, xuống dốc, đến bờ suối đá quen thuộc khi nào không hay. Đây là một cái suối nước trong, ngày đêm nước chảy róc rách quanh năm.

Nhớ lại, có hôm ba huynh đệ đi dọc theo con suối nằm uốn khúc quanh co sâu vào trong rừng rậm thật là thú vị. Nhất là những buổi trưa hè nóng bức mà ở ngoài rừng cây, nghe tiếng gió thổi vi vu rì rào thật mát mẻ và thích thú. Bởi vừa ngắm cảnh thiên nhiên lại vừa hóng mát nghe nhạc thiên nhiên thì còn gì thơ mộng bằng. Có lần, ba huynh đệ trong lúc đi dạo quanh đồi, thầy Huệ Văn bảo chú Huệ Minh và Huệ Tân đến bên cạnh cây thông to ngồi hóng mát nghỉ chân. Mỗi người tìm cho mình một chỗ ngồi thích hợp. Thầy Huệ Văn ngước mắt nhìn lên ngọn thông cao và rồi nhìn chung quanh toàn cảnh trí tươi đẹp của ngọn đồi. Nơi đâu cũng toàn là cây lá hoa rừng. Bỗng có một vài con chim chích chòe từ đâu bay đến đậu trên cành cây kêu vang ríu rít. Nghe tiếng chim kêu, chú Huệ Minh đưa mắt nhìn lên thấy chúng đang chuyền nhảy tung tăng ca hót líu lo, chú liền nói:

- Mấy con chim này sướng thiệt, chúng được tự do bay nhảy muốn bay hay đậu đâu tùy ý thích, không có gì ràng buộc chúng nó cả. Ngẫm lại, người ta đâu có được tự do như mấy con chim này phải không sư huynh ?

Nghe Huệ Minh hỏi, thầy Huệ Văn liền nói:

- Này đệ ! Nhìn thấy chúng bay nhảy thì có tự do sướng thiệt đó, nhưng đệ đừng quên rằng, đằng sau chúng còn có nhiều người săn bắn rình rập để sát hại chúng nó. Cho nên, đừng thấy chúng bay nhảy như vậy mà chúng ta cho rằng chúng thực sự là có tự do hạnh phúc. Nếu thực sự tự do, thì chúng đâu có phập phồng lo âu sợ hãi người ta theo đuổi rình rập để giết chúng. Thấy bên ngoài thì dường như chúng nó có tự do hạnh phúc lắm, nhưng kỳ thật bên trong thì chúng cũng vẫn nơm nớp lo sợ hãi hùng. Như vậy, thì chúng làm gì mà có được tự do hạnh phúc thực sự chớ ?

Thầy Huệ Văn vừa nói đến đây thì chú Huệ Tân liền hỏi:

- Thưa sư huynh ! Trên đời này chỉ có ông Phật mới thực sự là có tự do giải thoát hoàn toàn, còn lại không có ai được như vậy hết phải không sư huynh ?

- Đúng vậy. Chỉ có Đức Phật mới là người có tự do giải thoát hoàn toàn thôi.

Chú Huệ Minh liền hỏi:

- Tại sao Ngài được như vậy ?

- Vì Đức Phật đã dứt sạch hết vô minh phiền não.

Chú Huệ Tân hỏi:

- Còn các vị Bồ Tát thì sao ?

- Các vị Bồ Tát cũng được tự do, tự tại giải thoát, nhưng các Ngài chưa được hoàn toàn như Phật.

- Tại sao ?

- Vì các Ngài chưa dứt hết vô minh phiền não tức là các Ngài vẫn còn chút ít vi tế vô minh. Sự đoạn hoặc chứng chơn của các Ngài, còn tùy theo trình độ tu chứng sâu cạn mà có những đẳng cấp khác nhau, bởi Bồ Tát có nhiều hạng bậc không đồng, vấn đề này không thể nói một giây lát mà các em có thể hiểu hết được. Huynh nghĩ, sau này khi các em có dịp vào học đường thì chừng đó các em học sẽ hiểu nhiều hơn.

Ba huynh đệ luận bàn đối đáp đến đây, nhìn lên cây không còn thấy bóng dáng của các con chim khi nãy. Thấy vậy, thầy Huệ Văn mới nói:

- Đó, các em có thấy không, sự còn mất ở đời nó giống như những con chim này. Mới thấy đó rồi lại bay mất. Tuy nhiên, nó chỉ không còn ở đây chớ không phải là nó mất hẳn luôn. Có thể là nó sẽ đậu chuyền nhảy ở một nơi khác.

Chú Huệ Minh nói:

- Tuần trước đệ có nghe sư phụ giảng về việc “Còn”“Mất” ở đời, nhưng lúc đó đệ hơi buồn ngủ nên đệ không hiểu rõ hết những gì mà sư phụ đã giảng. Đó là lỗi của đệ. Vậy bây giờ, sư huynh có thể nói rõ hơn về vấn đề này cho hai em nghe có được không ?

- Được. Sư huynh sẵn sàng nói cho hai em nghe. Tuy nhiên, huynh không thể nào giảng rõ kỹ càng như sư phụ được.

Thầy Huệ Văn nói tiếp:

- Lần sau, nếu hai em có nghe sư phụ giảng dạy, thì phải cố lắng lòng chú tâm theo dõi để nghe. Tuyệt đối, hai em không được ngủ gục hay tỏ vẻ chểnh mảng thờ ơ lơ là, đó là lỗi nặng lắm hai em có biết không ? Nếu vậy, thì uổng công sư phụ giảng dạy và hai em cũng không thu thập được gì. Cho nên, nếu lần sau tái phạm như thế, thì sư phụ sẽ phạt hai em quỳ hương đó nghe chưa.

- Dạ, nghe !

Chú Huệ Minh nói:

- Em chỉ lỡ một lần thôi, từ nay về sau em không bao giờ dám tái phạm lỗi lầm như thế nữa đâu. Sư huynh yên tâm. Bây giờ sư huynh nói cho hai em nghe đi.

Thầy Huệ Văn đưa mắt nhìn cảnh vật chung quanh và rồi nhìn vào đôi mắt trong sáng chứa đựng sự hồn nhiên ngây thơ trong trắng và không kém thông minh của hai em mình, rồi thầy từ từ chậm rãi nói:

- Phật dạy, trên đời này không có gì tồn tại lâu dài. Tất cả đều chịu chung một định luật vô thường chi phối. Nhưng ở đời, người ta chỉ thích muốn cái còn, cái có, cái tốt, cái đẹp ... chớ đâu có ai muốn cái mất, cái xấu, cái hư bao giờ. Tuy nhiên, người ta quên rằng, cái có cái còn chỉ là những thứ giả trá tạm bợ không thật. Nó chỉ tồn tại trong một thời gian nào đó thôi. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có bài thơ “Nguyện cầu” cũng nói về ý nghĩa còn và mất này.

Ta còn để lại gì không ?
Kìa non đá lở, này sông cát bồi
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước, xa xôi dặm về
Trông ra bến hoặc bờ mê
Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương
Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ dù sạch, đừng vương gót này
Ðể ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời
Nói chi thua được với đời
Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu
Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng dặc, ta cầu đó thôi
Ðêm nào ta trở về ngôi
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian
Một phen đã nín cung đàn
Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh âm

Để sư huynh kể cho hai em nghe một vài mẩu chuyện ngắn về cái còn và cái mất.


Trong một ngôi chùa nọ, có một vị sư trụ trì trọng tuổi. Trong chùa ngoài vị sư trụ trì ra, còn có một chú tiểu thị giả để vị sư sai làm những công việc lặt vặt. Hai thầy trò đang sống trong cảnh êm đềm dưới mái chùa đầy ấm cúng. Bỗng một hôm, có một chú thanh niên trang tuổi như Huệ Minh, đến xin xuất gia với vị sư già. Chú kể lể hoàn cảnh mồ côi không cha, không mẹ, không người thân thích, mất hết chỗ tựa nương, năn nỉ than khóc ỉ ôi, chú cầu xin vị sư cho chú được thế phát xuất gia. Động lòng từ bi trắc ẩn của kẻ tu hành, vị sư không thể từ chối nên cho chú ta xuất gia. Lúc đầu, chú tỏ ra rất ngoan ngoãn, chăm chỉ tu hành, làm việc theo những gì thầy dạy bảo. Trải qua thời gian tuy không lâu nhưng vị sư thấy người học trò của mình đáng tin cậy. Từ đó, vị sư giao chìa khóa chùa và thậm chí còn đưa chìa khóa thùng phước sương cho chú cất giữ. Thế là, chú đã đạt được điều mong muốn của chú rồi.

Một hôm, có một vị thí chủ đến thỉnh vị sư trụ trì tới tư gia cúng thất cho người mẹ mới mất, sư trụ trì đi cùng với chú tiểu, để chú thanh niên này ở lại giữ chùa. Đây là một cơ hội ngàn vàng đối với chú. Thế là, chú gom hết những đồ đạc quý giá, kể cả tiền bạc trong thùng phước sương chú đều vét sạch sành sanh không còn gì hết. Lấy xong, chú cao bay xa chạy, bặt tăm bặt tích. Khi vị sư trụ trì trở về, thì ôi thôi, nhìn lại đồ đạc không có cánh mà bay không còn thứ gì cả. Nhưng đối với người tu hành, thì sự mất mát đó cũng không đến đỗi thương tiếc bi lụy như người đời. Tuy cũng có một chút thoáng buồn, nhưng sau đó nhớ lời Phật dạy về lý vô thường huyễn mộng thì không có gì phải luyến tiếc. Tuy nhiên, vị sư chỉ buồn cho mình là thiếu sáng suốt vì quá tin tưởng một người mà mình chưa biết rõ lai lịch gốc gác. Đó là có từ bi nhưng thiếu trí tuệ. Những Phật tử hay tin đó liền đến chùa thăm hỏi, vị sư chỉ mỉm cười và chỉ biết dùng lời phân trần khuyên giải họ. Sư nói:

- Ở đời này không có ai muốn mình mất đi bất cứ thứ gì, dù đó là một vật rất nhỏ, khi người ta đã yêu thích rồi không ai lại muốn mất. Người ta muốn cái gì của mình tạo ra là phải bền bỉ còn hoài. Khi mất đi một món đồ quý giá thì người ta mất ăn, mất ngủ, thật là đau khổ biết ngần nào ! Nhưng người ta quên rằng, trên đời này không có vật gì tồn tại ở trong tay mình hoài. Bản thân mình còn không giữ được, thì thử hỏi những vật ngoài mình làm sao giữ được ? Ấy thế mà, không ai muốn mình chết và cũng không ai muốn người thân của mình phải ra đi. Được thì vui, mất thì buồn. Sum họp thì vui, chia ly thì buồn. Bởi con người vốn dĩ đã quá ích kỷ, cái gì cũng muốn gom thâu về mình. Nghĩa là không muốn mất mát bất cứ thứ gì. Mãi sống trong sự còn, mất, thắng, bại, hơn, thua, mà người ta luôn nơm nớp lo sợ. Từ lo sợ rồi sanh ra ưu phiền, từ ưu phiền sanh ra bệnh hoạn. Cứ mãi sống trong vòng lẩn quẩn như thế, mà người ta quên đi bản thân mình. Người ta không ngờ rằng, do mất đồ mà nhà sư đã thuyết giảng một bài pháp vô thường có không thật là hữu ích. Nhờ đó mà mọi người đến nghe cũng thức tỉnh phần nào.

Chú Huệ Minh định hỏi một câu về sự còn và mất ở sự tu hành, nhưng thầy Huệ Văn lại kể tiếp một câu chuyện nữa cũng nói lên sự mất còn. Chuyện kể rằng:

Có một ngôi chùa làng, trong chùa có vài vị tăng đang tu học. Bên cạnh chùa có một miếng đất khá lớn, khoảng độ một mẫu. Chư tăng trong chùa nhờ miếng đất này mà trồng trọt nhiều thứ hoa màu thực phẩm để chi dụng, nhất là khoai mì. Một hôm, ngoài trời tối đen như mực, khoảng giữa đêm trời lại đổ cơn mưa to. Lúc đó trong chùa mọi người đều đang an giấc. Đâu có ai ngờ rằng, trong đêm hôm mưa to gió lớn mà lại có kẻ đi ăn trộm khoai mì. Sáng ra, một vị sư trẻ ra vườn liền phát hiện đêm hôm có kẻ trộm khoai. Vị sư liền chạy vào chùa báo cho nhà sư trụ trì biết. Thế là cả chùa đều chạy ra xem, coi khoai bị mất nhiều ít. Thấy thế, mọi người đều ồn lên thậm chí có người còn nặng lời quở trách. Trong khi đó nhà sư trụ trì không nói một lời nào, ngài thản nhiên âm thầm lặng lẽ trở vào trong chùa. Mọi người đều ngạc nhiên qua thái độ thản nhiên lạnh lùng của nhà sư. Tuy vậy, không ai dám nói hay than phiền điều gì cả.

Chiều lại, nhà sư họp chư tăng để nói về việc mất trộm khoai đêm hôm. Bấy giờ, nhà sư mới lên tiếng hỏi một vị tăng lớn tuổi trong số các vị tăng hiện diện. Nhà sư hỏi, theo thầy thì chúng ta nên làm gì khi đã bị mất trộm như thế ?

- Phải rình bắt cho được chúng nó và rồi đánh chúng nó một trận tơi bời, để chúng bỏ cái tật gian tham đê tiện đi ăn trộm đồ của người ta.

Nhà sư yên lặng không nói. Nhà sư quay sang hỏi một vị tăng khác:

- Theo ông, thì mình nên làm gì ?

- Mình nên rình bắt cho được chúng nó rồi giao bọn chúng cho công an xử phạt trị tội.

Nhà sư cũng lặng lẽ không nói lời nào. Nhà sư hỏi tiếp một vị tăng khác. Đây là một vị tăng trẻ tuổi nhất trong số các vị tăng.

- Theo ngươi, thì phải làm gì ? Hành động như thế nào đối với kẻ trộm ?

- Dạ thưa, mình nên tìm cách giúp đỡ cho kẻ ăn trộm.

- Tại sao ?

- Vì gia cảnh của họ nghèo đói túng thiếu nên họ mới đi ăn trộm khoai của mình. Biết đâu, họ còn có các đứa con nhỏ dại, chúng nó đang bị bệnh hoạn đau ốm chi đó, túng thế ở bước đường cùng, nên họ mới liều lĩnh hành động bất nhân thất đức như vậy. Nếu mình đánh đập hay bắt nhốt họ, thì chỉ chuốc thêm thù oán và cũng không giải quyết được gì cho họ. Chi bằng mình nên tìm cách giúp họ trong cơn túng thiếu nghèo đói, cho họ một số tiền để họ có một số vốn làm ăn, hoặc tạo cho họ có một công ăn việc làm nào đó để cho họ kiếm sống. Có vậy, thì họ mới không còn sanh tâm đi ăn trộm đào tường khoét vách của thiên hạ nữa.

Nãy giờ, nhà sư trụ trì lắng nghe sự phân giải của một vị tăng trẻ, ông thầm nghĩ cái chú này giãi bày tình lý rất rõ ràng. Tuy chú còn trẻ tuổi mà lý giải rất phân minh và có nhân từ đức hạnh của một người tu hành. Nhà sư gật đầu và khen thầm.

Bấy giờ, nhà sư hỏi những vị khác, theo ý các vị thì ý kiến của chú này có nên làm như vậy không ? Mọi người như đã hiểu ý nhà sư không ai dám chống đối cãi lại. Vì giải quyết một việc hợp tình hợp lý thì làm sao có thể chống đối được. Đó là một cách giải quyết khôn khéo và hết sức thông minh. Thầy Huệ Văn kể đến đây, thì chú Huệ Minh nói:

- Đúng là thông minh không luận tuổi tác. Mình là người xuất gia tu hành, ít ra mình cũng phải có tấm lòng rộng lượng bao dung tha thứ. Thân này còn chẳng ra gì sá chi mấy củ khoai mì.

Chú Huệ Tân nói xen vào:

- Theo sư huynh thì cho đó là một cách giải quyết hay nhất. Nhưng theo đệ nghĩ, thì làm sao mình biết được kẻ trộm mà giúp đỡ cho họ chớ.

Chú Huệ Minh nói:

- Dễ thôi, mình cứ theo dõi bọn chúng thì sẽ biết. Chuyện đó đâu có khó gì. Bởi họ thừa biết, ăn trộm của người đời thì họ còn bị đánh đập thậm chí còn bị giết chết, chớ còn ăn trộm của nhà chùa, chả lẽ mấy ông thầy tu hành đầy lòng từ bi vị tha nhân ái, mà lại đi đánh đập giết chết họ hay sao ? Đâu có ai tàn nhẫn như thế. Như vậy, thì cứ tiếp tục mà hành nghề đạo chích, cứ tiếp tục đào móc có gì phải lo sợ.

Chú Huệ Minh nói đến đây, thầy Huệ Văn tỏ ra đồng ý và khen phải. Đồng thời thầy cũng kết luận câu chuyện. Các em thấy cách xử lý của vị tăng trẻ tuổi này thật là hay.

Chú Huệ Tân liền hỏi:

- Sư huynh nói hay mà hay ở chỗ nào ?

- Hay ở chỗ là tuy nhà chùa bị mất khoai, nhưng không mất cái đạo lý tình nghĩa của một người tu hành. Xử sự giữa tình và lý rất rõ rệt. Lý là giúp cho họ có công ăn việc làm hoặc giúp cho họ có số tiền vốn làm ăn. Về tình thì họ mang ân sâu nặng với mình và họ không bao giờ biết oán trách hay hiềm thù với mình. Đó là thể hiện vừa tình người mà cũng vừa tình đạo.

Đến đây, chú Huệ Minh liền trở lại chuyện mất còn ở một khía cạnh sâu hơn, tức nói về mất còn ở nội tâm, không phải mất còn ở bên ngoài. Chú hỏi thầy Huệ Văn:

- Sư huynh có thể cho biết thêm về sự mất còn ở nội tâm như thế nào không ?

- Sự mất còn ở nội tâm thì nó sâu sắc khó hiểu hơn, bởi nó không có hình tướng như sự còn hay mất cụ thể ở bên ngoài.

- Sâu sắc như thế nào ?

- Những thứ phiền não buồn, giận, thương, ghét, lo sợ .v.v.v. trong tâm mình, mình không thấy nhưng nó vẫn có tác dụng hiện ra tướng trạng bên ngoài. Như lúc đệ giận thì không ai biết được cái giận của đệ ra sao, nhưng người ta thấy được cái mặt bậm trợn hay tay chân múa may quay cuồng hung hăng, thì người ta biết là đệ đang nổi cơn thịnh nộ nóng giận dữ dội. Nhưng cái nóng giận đó, do có duyên nên nó mới sanh khởi. Như người nào đó làm trái ý nghịch lòng đệ mà đệ không vừa ý thì liền đó đệ nổi giận ngay. Vậy thì cái giận này do duyên mà sanh khởi nên nó không có thật, khi có khi không. Khi không có thì người ta tưởng đâu là nó mất, kỳ thật thì nó chỉ ẩn tàng sâu kín trong tiềm thức chớ không có thật mất. Đơn cử một thứ phiền não, còn những thứ phiền não khác cũng thế. Đệ vận dụng công phu tu hành cho đến khi nào những thứ phiền não này không còn nữa, thì chừng đó cái tánh không giận, nói chung là tánh “KHÔNG” của vạn pháp sẽ hiện bày. Như sóng không còn thì toàn thể mặt biển yên lặng hiện ra. Thế thì, mất là mất cái giả không thật, chớ cái chơn tánh thì làm sao mất được ? Tuy nhiên, cái không mất này, vì không có hình tướng nó vượt ra ngoài đối đãi nhị nguyên, nên chúng ta không thấy được. Như đệ thấy đèn tuy có đứt bóng không cháy, nhưng điện nào có mất đi đâu. Tuy điện không mất nhưng bảo đệ chỉ ra cái tướng trạng của điện như thế nào, thì thử hỏi làm sao đệ có thể chỉ được. Tuy không chỉ ra được mà nó vẫn hiện hữu. Chính cái chỗ này mà trong kinh thường nói cái tánh vi diệu hay diệu pháp là vậy đó. Như đức Phật, Ngài đã hết vô minh phiền não nhưng cái bản tánh viên giác của Ngài đâu có mất. Nói mất hay còn là nói trong phạm vi đối đãi, còn cái thực thể vượt ngoài đối đãi thì không thể nói còn hay mất gì cả. Chính vì thế, sư huynh mới nói nó sâu sắc là vậy. Vô Minh và Phật Tánh tuy cả hai đồng thời có, nhưng Vô Minh thì vô thủy mà hữu chung, còn Phật Tánh thì vô thủy vô chung. Cái có hình tướng thì mất còn cái không hình tướng thì không bao giờ bị hoại diệt. Cho nên trong kinh Pháp Hoa gọi cái tánh thể nầy là “Như Lai Thọ Lượng” (mạng sống lâu dài vượt ngoài thời gian không sanh không diệt). Còn trong Kinh Lăng Nghiêm thì gọi là “Thường trụ Chơn Tâm”.

Chú Huệ Minh nãy giờ lắng nghe sư giải thích cặn kẽ của sư huynh Huệ Văn mà lòng cảm phục sự hiểu biết sâu sắc của sư huynh mình. Thật đáng cho mình học hỏi. Chú Huệ Tân tuy không hiểu nhiều, nhưng cũng lãnh hội được chút ít qua sự giãi bày còn mất từ cái thô bên ngoài cho đến còn mất của cái vi tế bên trong.

_________

Ba huynh đệ luận bàn đối đáp đến đây, bỗng nghe âm thanh của ba tiếng kẻng từ trong chùa vọng lại, đó là báo hiệu giờ Tịnh Độ tối sắp bắt đầu. Ba tiếng kẻng đó là do bà Bảy đánh, vì trước khi đi, thầy Huệ Văn có dặn bà Bảy tới giờ đánh kẻng dùm. Nghe tiếng kẻng báo hiệu, ba người đều lần mò theo con đường mòn quen thuộc trở vô chùa để chuẩn bị giờ Tịnh Độ tối …

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét