- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương LXX, Thích Nhất Hạnh
Uttiya hỏi Bụt:
- Sa môn Gotama, thế giới là còn mãi hay là sẽ có khi bị hoại diệt ?
Bụt mỉm cười, nói:
- Du sĩ Uttiya, tôi xin phép không trả lời câu hỏi đó.
Uttiya hỏi:
- Thế giới là có biên giới hay không có biên giới ?
- Tôi cũng không trả lời câu hỏi đó.
- Vậy thì thân thể và linh hồn là một hay là hai ?
- Câu hỏi này tôi cũng xin phép không trả lời.
- Sau khi chết, sa môn Gotama còn hay là mất ?
- Câu hỏi này tôi cũng xin phép không trả lời.
- Hay Ngài nghĩ rằng sau khi chết, Ngài vừa còn mà cũng vừa mất ?
- Du sĩ Uttiya, câu hỏi đó, tôi cũng không trả lời.
Uttiya ngạc nhiên. Ông nói:
- Câu nào tôi hỏi, sa môn Gotama cũng không trả lời. Tại sao thế ? Vậy hỏi câu nào sa môn Gotama mới chịu trả lời ?
Bụt nói:
- Tôi chỉ trả lời những câu hỏi về đạo pháp có liên hệ tới công phu tu tập nhằm gạn lọc thân tâm, vượt thắng lo âu và sầu khổ mà thôi.
- Đạo pháp của sa môn Gotama có thể cứu độ được bao nhiêu người trên thế giới ?
Bụt lặng yên không nói. Du sĩ Uttiya cũng ngồi yên lặng. Sợ vị du sĩ nghĩ lầm rằng Bụt không thèm hoặc không đủ sức trả lời những câu hỏi của ông ta, và nghĩ như thế thì tội nghiệp cho ông ta quá, đại đức Ananda lên tiếng:
- Du sĩ Uttiya, để tôi nói cho bạn nghe một ví dụ này, và bạn có thể hiểu ý của thầy tôi. Giả dụ có một ông vua kia cư trú trong một thành trì thật kiên cố, có hào sâu và hầm chông bao quanh, chỉ có một cửa ra vào mà thôi, và ở cửa ra vào ấy vua đã cử một người thật sáng suốt đứng canh gác. Người gác cửa này chỉ cho vào thành người nào mà ông ta biết và nhận mặt được, ngoài ra ông ta chặn lại tất cả mọi người lạ mặt. Ông ta cũng đã đi tuần tiễu chung quanh thành trì và biết rõ rằng không có một kẽ hở nào do đó ngoại nhân có thể đột nhập được vào thành, kể cả một cái lỗ nhỏ đủ để một con mèo con chui qua. Ông vua trấn ngự trong thành không lưu tâm tới số lượng những người được phép qua lại cổng thành. Ông vua ấy chỉ quan tâm đến việc làm thế nào cho kẻ gian không đột nhập được vào thành. Thầy tôi cũng vậy. Sa môn Gotama không quan tâm mấy tới số lượng những người theo đạo. Sa môn Gotama chỉ quan tâm tới những pháp môn có hiệu lực ngăn chặn và diệt trừ tham dục, bạo động và mê vọng để thực hiện an lạc và giải thoát mà thôi. Nếu bạn hỏi thầy tôi những câu hỏi thật sự hữu ích cho việc điều phục thân tâm và tu tập thiền quán thì thầy tôi sẽ trả lời bạn, chứ sao không ?
Du sĩ Uttiya lĩnh ý, nhưng vì ông ta quá chú trọng đến những vấn đề thuộc phạm vi lý luận siêu hình nên ông đã cáo từ Bụt và đại đức Ananda mà không cảm thấy thỏa mãn cho lắm. Sau đó mấy hôm lại có một vị du sĩ khác tên là Vacchagota tới viếng Bụt. Ông ta cũng hỏi Bụt những câu có tính cách tương tợ như những câu hỏi của du sĩ Uttiya. Ví dụ ông hỏi:
- Sa môn Gotama, xin Ngài cho biết là có ngã hay không ?
Bụt lặng thinh không đáp. Sau vài câu hỏi không được giải đáp, Vacchagota đứng dậy và bỏ đi. Sau khi Vacchagota đã đi khuất, đại đức Ananda hỏi Bụt:
- Thế Tôn, trong các buổi pháp thoại, Thế Tôn đã từng có giảng dạy về đạo lý vô ngã. Tại sao hôm nay Thế Tôn không trả lời những câu hỏi về ngã của du sĩ Vacchagota ?
Bụt nói:
- Ananda, đạo lý vô ngã mà tôi giảng dạy cho các vị khất sĩ là một pháp môn hướng dẫn thiền quán, mà không phải là một chủ thuyết. Hiểu nó như một chủ thuyết, các vị có thể bị kẹt vào nó. Tôi đã chẳng có lần bảo các thầy là giáo pháp phải được xem như chiếc bè chở ta qua sông, như ngón tay chỉ mặt trăng, và ta không nên bị kẹt vào giáo pháp hay sao ? Du sĩ Vacchagota chỉ muốn tôi đưa ra một chủ thuyết thì tôi đưa ra sao được. Tôi không muốn cho Vacchagota kẹt vào một chủ thuyết, dù là chủ thuyết hữu ngã hay là chủ thuyết vô ngã. Nếu mình nói với ông ta là có ngã, thì là mình ngược lại giáo pháp của mình. Nếu mình nói với ông ta là không có ngã, để ông ta níu vào đấy như một chủ thuyết rồi bị kẹt vào đấy thì có ích gì cho ông ta ? Vậy nên im lặng là câu trả lời hay nhất trong trường hợp này, thà rằng họ cho là mình “không biết” còn hơn là họ bị kẹt vào kiến chấp.
Một hôm đại đức Anuruddha trên đường đi khất thực bị một nhóm du sĩ chặn lại cật vấn. Họ bắt thầy phải trả lời cho được câu hỏi của họ. Họ nói trả lời được thì họ mới cho đi. Họ hỏi: - Chúng tôi nghe đồn sa môn Gotama là bậc giác ngộ vẹn toàn, và giáo pháp của người rất cao siêu mầu nhiệm. Thầy là môn đệ của sa môn Gotama, vậy xin thầy cho biết, sau khi chết sa môn Gotama có còn hiện hữu hay không ?
Rồi các vị du sĩ buộc đại đức Anuruddha chọn một trong những điều sau đây:
⒈ Sau khi chết, sa môn Gotama còn.
⒉ Sau khi chết, sa môn Gotama mất.
⒊ Sau khi chết, sa môn Gotama vừa còn vừa mất.
⒋ Sau khi chết, sa môn Gotama vừa không còn vừa không mất.
Khất sĩ Anuruddha biết rằng trong bốn câu trả lời đó không có câu trả lời nào phù hợp với giáo pháp của Bụt. Thầy im lặng, nhưng các vị du sĩ không bằng lòng sự im lặng đó. Họ buộc thầy phải nói một cái gì đó. Cuối cùng, đại đức nói:
- Này các bạn, theo tri kiến của tôi thì bốn mệnh đề đó, không mệnh đề nào diễn tả được sự thật về sa môn Gotama.
Các thầy du sĩ cười và bảo nhau:
- Xem bộ vị khất sĩ này là người mới tu cho nên ông ta mới không trả lời được câu hỏi của mình và tìm mọi cách để thoái thác. Thôi chúng ta nên để cho ông ta đi cho rồi.
Nói xong, họ bỏ đi. Sau đó mấy hôm, gặp giờ pháp thoại, đại đức Anuruddha đem việc xảy ra trình lên Bụt, rồi thầy nói:
- Thế Tôn, xin Thế Tôn soi sáng cho chúng con, để chúng con được học hỏi thêm và để cho chúng con có khả năng trả lời mỗi khi được hỏi những câu hỏi tương tợ.
Bụt hỏi Anuruddha:
- Này Anuruddha, đi tìm bắt sa môn Gotama bằng khái niệm rất khó. Sa môn Gotama ở đâu ? Anuruddha ! Có thể tìm sa môn Gotama nơi hình sắc không ?
- Bạch Thế Tôn, không.
- Có thể tìm sa môn Gotama nơi cảm giác không ?
- Bạch Thế Tôn, không.
- Có thể tìm sa môn nơi tri giác, tâm tư và nhận thức không ?
- Bạch Thế Tôn, không.
- Vậy thì Anuruddha, có thể tìm sa môn Gotama ngoài hình sắc không ?
- Bạch Thế Tôn, không.
- Có thể tìm sa môn Gotama ngoài cảm giác không ?
- Bạch Thế Tôn, không.
- Có thể tìm sa môn Gotama ngoài tri giác, tâm tư và nhận thức không ?
- Bạch Thế Tôn, không.
Bụt nhìn Anuruddha:
- Vậy thì tìm sa môn Gotama ở đâu ? Anuruddha, ngay trong giờ phút hiện tại đứng trước sa môn Gotama mà còn không nắm bắt được sa môn Gotama, huống hồ là sau khi sa môn Gotama diệt độ ! Anuruddha, tự thân của sa môn Gotama, cũng như tự thân của bất cứ một pháp nào trong vạn pháp, không thể nào nắm bắt được bằng khái niệm, bằng những phạm trù của nhận thức phân biệt. Phải thấy được các pháp trong liên hệ duyên khởi của nó. Phải thấy được sa môn Gotama nơi những pháp mà ta thường cho là không phải sa môn Gotama, như thế mới thấy được chân tướng của sa môn Gotama.
Anuruddha ! Muốn thấy được tự tánh của một đóa hoa sen, ta phải thấy được đóa sen nơi những pháp mà ta không gọi là đóa sen, như ánh sáng mặt trời, nước hồ, đám mây, bùn đất, hơi nóng … Chỉ có cái thấy đó mới đưa ta vượt thoát được cái lưới biển kế sở chấp, tức là cái lưới phân biệt khái niệm, tức là những phạm trù sinh, diệt, này, kia, có, không, dơ, sạch, thêm, bớt … Muốn thấy được sa môn Gotama cũng thế. Bốn phạm trù: có, không, vừa có vừa không, không có cũng không không, chỉ là bốn cái lưới nhện trong số bao nhiêu chiếc lưới nhện khác, không có đủ sức nắm bắt được con chim đại bàng của thực tại mầu nhiệm.
Anuruddha ! Thực tại tự thân không thể dùng khái niệm phân biệt mà nắm bắt, không thể dùng ngôn ngữ văn tự mà diễn bày. Chỉ có trí tuệ thực chứng do thiền quán đem lại mới giúp ta nhận được tự thân thực tại. Anuruddha, một người chưa bao giờ có dịp nếm hương vị của một trái xoài thì không thể nào biết được hương vị ấy dù người khác có dùng bao nhiêu ngữ ngôn, văn từ và khái niệm phân biệt để diễn tả hương vị trái xoài cho người kia nghe. Chỉ có kinh nghiệm chứng đắc trực tiếp mới đưa ta thể nhập được thực tại. Do đó tôi đã từng nhiều lần nói với các vị là đừng nên đi lạc vào thế giới của hý luận để đánh mất thời gian quý báu của sự tu tập quán chiếu.
Anuruddha ! Vạn pháp là vạn pháp trong cái tự thân như thật của nó, cho nên ta gọi tự thân của các pháp là Chân Như (tathatha). Chân Như là tự thân mầu nhiệm của vạn pháp. Đóa sen từ Chân Như mà tới, Anuruddha cũng từ Chân Như mà tới, sa môn Gotama cũng từ Chân Như mà tới. Từ Chân Như mà tới thì gọi là Như Lai (tathagatha). Từ Chân Như tới, vạn pháp đi về đâu ? Vạn pháp đi về Chân Như. Đi về Chân Như thì gọi là như khứ (tathagatha). Thật ra vạn pháp không từ đâu tới cả, cũng không đi về đâu cả, vì tự thân của vạn pháp đã là Chân Như rồi.
Anuruddha ! Nghĩa đích thực của Như Lai là không từ đâu tới mà cũng không đi về đâu cả (từng vô sở lai, diệc vô sở khứ). Anuruddha, từ hôm nay trở đi tôi sẽ tự gọi là Như Lai (tathagatha). Như Lai ưa từ này, bởi vì từ này tránh được ý niệm phân biệt có thể thấy được trong các đại danh từ tôi và ta.
Đại đức Anuruddha mỉm cười:
- Bạch Như Lai, từ nay xin Người cứ tự xưng là Như Lai đối với chúng con. Chúng con biết rằng chúng con cũng từ Chân Như tới, nhưng chúng con không tự xưng chúng con là Như Lai, chúng con chỉ để Như Lai sử dụng đại danh từ này. Thế Tôn, mỗi lần Thế Tôn tự gọi mình là Như Lai, chúng con lại có dịp được nhắc để quán chiếu và nhớ rằng chúng con cũng thuộc về cùng một bản thể chân như, bất sinh và bất diệt.
Bụt mỉm cười:
- Như Lai rất vui lòng vì đề nghị ấy của thầy Anuruddha.
Đại đức Ananda có mặt trong buổi tham vấn kỳ diệu hôm ấy. Sau khi cuộc tham vấn chấm dứt, thầy đi theo đại đức Anuruddha. Thầy đề nghị là ngày hôm sau, hai người sẽ lên trùng tuyên cho đại chúng nghe nội dung của cuộc tham vấn từ đầu tới cuối, và đại đức Anuruddha sẽ bắt đầu buổi trùng tuyên bằng cách thuật lại cuộc đối thoại giữa thầy và các du sĩ ngoại đạo trên đường phố Savatthi. Thầy Anuruddha rất hoan hỷ về đề nghị này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét