V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Ngày nào đầu tóc cũng ướt

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương LX, Thích Nhất Hạnh



Bụt từ giã vườn Ambalatthika. Người đi đến Nalanda. Sau khi thăm viếng và giáo hóa tại đây, người đi về Ampa.

Ampa là thành phố lớn nhất của xứ Anga, xứ này nằm dưới quyền bảo hộ của vua Bimbisara nước Magadha. Dân cư ở đây đông đúc, ruộng đất ở đây phì nhiêu, cây cỏ ở đây xanh tươi. Bụt cư trú trong một khu rừng mát mẻ bên bờ hồ Gaggara. Trong hồ, hoa sen nở thơm ngát.

Nghe Bụt tới, dân chúng lũ lượt đến thăm người. Có một người trai trẻ dòng Bà-la-môn giàu có tên là Sonadanda, nổi tiếng thông minh xuất chúng tại địa phương này, cũng có ý muốn đi viếng Bụt. Những người Bà-la-môn khác cố ý ngăn giữ không cho ông ta đi, bảo rằng nếu Sonadanda tới thăm sa-môn Gotama thì gây uy tín cho vị sa môn này nhiều quá. Sonadanda mỉm cười trả lời rằng Bụt là nhân vật lỗi lạc, trên đời chỉ có một, và nếu không đi thăm người thì thật là bỏ phí cơ hội ngàn năm một thuở. “Ta phải đi để học hỏi chứ. Để biết ta hơn sa-môn Gotama ở những điểm nào và sa-môn Gotama hơn ta ở những điểm nào” - vừa nói, Sonadanda vừa mỉm cười bí mật.

Nghe Sonadanda nói vậy hàng trăm người trí thức Bà-la-môn khác cũng muốn xin đi theo. Người trí thức này, theo họ nghĩ, sẽ không làm mất mặt giới Bà-la-môn trước đám quần chúng đông đảo đến viếng Bụt. Sonadanda còn chưa biết mở đầu câu chuyện ra sao cho thông minh, thì Bụt đã ân cần hỏi:

- Các vị học giả trong giới Bà-la-môn hãy cho chúng tôi biết đâu là những điều kiện cần thiết để có thể thật sự là một người Bà-la-môn chân chính. Quý vị nói đi và nếu cần thì nên viện dẫn kinh điển của quý vị.

Sonadanda rất hoan hỷ. Ông ta trả lời Bụt rằng một vị Bà-la-môn đích thực phải có đủ năm điều kiện sau đây: thứ nhất là phải có dung sắc đẹp đẽ, thứ hai là phải biết kỹ thuật xướng tụng và chú thuật, thứ ba là phải có huyết thống thuần túy trong bảy đời, thứ tư là phải có đức hạnh, thứ năm là phải có tuệ giác. Bụt hỏi:

- Trong năm điều kiện ấy, điều kiện nào là căn bản ? Còn điều nào dù là không có thì người Bà-la-môn vẫn còn có thể đích thực là một người Bà-la-môn ?

Trả lời dần theo những câu hỏi của Bụt, Sonadanda đi đến kết luận rằng hai điều kiện sau chót là hai điều kiện căn bản của một vị Bà-la-môn đích thực. Sonadanda công nhận rằng các điều kiện dung sắc, kỹ thuật xướng tụng chú thuật và huyết thống bảy đời không phải là những điều kiện căn bản. Không có ba điều kiện ấy nhưng nếu có các điều kiện đức hạnh và tuệ giác thì người ta vẫn có thể là một vị Bà-la-môn đích thực như thường.

Gần năm trăm vị Bà-la-môn có mặt đưa tay phản đối Sonadanda. Họ kết tội Sonadanda đã bị Bụt dùng lý luận đưa tới chỗ chấp nhận lập trường của Bụt và chối bỏ một điều kiện mà họ cho là căn bản là điều kiện huyết thống. Họ đã đặt hết niềm tin nơi sự thông minh và tài mẫn tuệ của Sonadanda mà họ coi như vị lãnh đạo tinh thần của họ. Nay Sonadanda công nhận lập trường của Bụt thì họ mất mặt biết bao.

Bụt can thiệp:

- Này quý vị quan khách ! Nếu quý vị có lòng tin nơi người lãnh đạo của quý vị là Sonadanda, thì quý vị im lặng đi để tôi tiếp tục đối thoại với ông ta, còn nếu quý vị không có lòng tin ở ông ta, thì quý vị xin ông ta im lặng đi để tôi nói chuyện với quý vị.

Mọi người lặng thinh. Sonadanda nói:

- Xin sa-môn Gotama yên lòng. Để tôi xin có đôi lời nói với các bạn tôi.

Rồi Sonadanda quay lại với năm trăm vị Bà-la-môn. Ông ta chỉ vào một thanh niên ngồi hàng đầu và nói:

- Các bạn có thấy cháu tôi, vị thanh niên Bà-la-môn tên là Angaka đang ngồi kia không ? Angaka là một người thanh niên tuấn tú, khôi ngô, có phong thái trang nhã và thanh cao. Đứng về phương diện dung sắc, trong chúng ta không ai so được với Angaka, trừ sa-môn Gotama ra mà thôi. Angaka lại thông hiểu ba bộ kinh Veda, thông hiểu văn phạm, ngữ pháp và kỹ thuật xướng tụng và chú thuật, điều này ai cũng biết. Angaka cũng có huyết thống thanh tịnh, cho đến bảy đời, kể cả về bên cha lẫn mẹ. Angaka có đủ ba điều kiện là dung sắc, kỹ thuật xướng tụng chú thuật và huyết thống thanh tịnh. Nhưng giả sử Angaka sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu, thì dung sắc ấy còn có giá trị gì ? Kiến thức Veda và chú thuật còn có giá trị gì ? Thưa các bạn, hai điều kiện sau mới là hai điều kiện căn bản của một người Bà-la-môn đích thực. Đó là giới hạnh và tuệ giác. Đây là sự thực chung cho tất cả chúng ta chứ không phải là sự thực riêng của sa-môn Gotama.

Sonadanda nói đến đây thì tiếng hoan hô của quần chúng nổi lên vang dậy. Đợi cho tiếng hoan hô chấm dứt, Bụt hỏi Sonadanda:

- Nhưng trong hai điều kiện căn bản kia còn lại là giới hạnh và trí tuệ, ta có thể bỏ bớt một điều để giữ lại một điều hay không ?

- Thưa sa-môn Gotama, không thể được, nhờ giới hạnh tịnh nghiêm mà tuệ giác phát triển, nhờ tuệ giác phát triển mà giới hạnh càng tịnh nghiêm. Sa-môn Gotama, cũng như lấy tay để rửa tay, lấy chân để kỳ cọ chân, hai thứ giới hạnh và tuệ giác nâng đỡ và phát triển lẫn nhau, giới hạnh làm cho tuệ giác thêm sáng và tuệ giác làm cho giới hạnh thêm thanh tịnh. Giới hạnh và tuệ giác là hai cái quý nhất trên đời.

Bụt nói:

- Hay lắm, Sonadanda ! Những điều ông nói đúng là sự thực. Giới hạnh và tuệ giác là hai cái quý nhất trên đời. Ông hãy nói thêm đi. Làm thế nào để phát triển giới hạnh và tuệ giác đến mức độ cao nhất ?

Sonadanda chắp tay xá Bụt, mỉm cười:

- Bạch sa-môn, xin Người chỉ dạy cho. Chúng con chỉ biết nguyên tắc thế thôi. Sa-môn là người có thực tập và có chứng đắc. Xin Người chỉ bày cho chúng con rõ đâu là những phương pháp có thể giúp ta phát triển giới hạnh và tuệ giác đến mức viên mãn.

Bụt bắt đầu dạy đạo giải thoát. Người nói đến nguyên tắc tam học là giới-định-tuệ. Có giới thì có định, có định thì có tuệ, có tuệ thì giới thể vững vàng. Giới thể càng vững thì định lực càng lớn, định lực càng lớn thì tuệ giác càng sâu. Người nói đến phép quán duyên sinh để phá trừ những kiến chấp về thường, về ngã, để cắt đứt những sợi dây tham ái, hờn giận, si mê, để đạt tới giải thoát và an lạc.

Sonadanda say sưa nghe Bụt nói. Khi Bụt dứt lời, Sonadanda đứng dậy chắp tay:

- Sa-môn Gotama ! Con xin cám ơn sa-môn đã mở mắt cho con hôm nay. Những lời của sa-môn nói đã có hiệu lực đưa con ra khỏi vũng lầy tăm tối. Con xin được quy y Bụt, quy y Pháp và quy y Tăng để làm một kẻ môn đệ của Người. Con xin kính thỉnh Bụt và giáo đoàn ngày mai tới nhà con thọ trai.

Cuộc đàm thoại hôm ấy giữa Bụt và giới trí thức trẻ tuổi Bà-la-môn thật là hào hứng và đã gây chấn động sâu xa trong mọi giới. Những người trẻ tuổi trong giới Bà-la-môn đi theo Bụt rất đông. Sau đó ít lâu, một người thanh niên Bà-la-môn nổi tiếng khác tên là Ambattha và thầy của anh là Pokkharasadi do một cuộc thăm viếng và đàm đạo với Bụt cũng đã phát nguyện quy y Tam Bảo. Việc này xảy ra tại một làng Bà-la-môn tên là làng Lechanankala trong vương quốc Kosala. Phong trào thanh niên Bà-la-môn theo Bụt càng ngày càng lớn. Niềm bực tức của những nhà lãnh đạo Bà-la-môn và của các giáo phái khác cũng vì vậy mà khó tiêu tan đi được.

Tại công viên Ambalatthika, đại đức Svastika đã có dịp gần gũi đại đức Moggallana để hỏi thăm về các giáo phái hiện đang thịnh hành nhất và đã được đại đức nói cho nghe một cách sơ lược về chủ trương của các giáo phái ấy.

1. Trước hết là giáo phái của đạo sĩ Purana Kassapa. Phái này chủ trương một thái độ hoài nghi về luân lý, cho rằng ý niệm về thiện và ác chỉ là nhận thức do thói quen và tập quán mà có.

2. Kế đến là giáo phái của đạo sĩ Makkhali Gosala. Giáo phái này chủ trương thuyết tất nhiên, cho rằng hành vi và vận mạng con người đều do những quy luật vận hành tự nhiên sắp đặt và con người không thể làm gì hơn được. Nếu năm trăm hoặc một ngàn kiếp sau mà con người được giải thoát thì đó cũng là do sự vận hành của tự nhiên giới, chứ không phải vì nỗ lực của con người mà có giải thoát.

3. Thứ ba là giáo phái của đạo sĩ Ajita Kesakambati, chủ trương một thuyết duy vật thuần túy, cho rằng con người là do bốn yếu tố, đất, nước, lửa và không khí tạo thành, và sau khi chết thì không còn gì nữa. Theo phái này, mục đích của đời người là hưởng lạc trong khi con người đang còn sống.

4. Giáo phái thứ tư do đạo sĩ Pakudha Kaccayana cầm đầu, chủ trương ngược lại thuyết của giáo phái của đạo sĩ Ajita. Giáo phái này chủ trương thuyết bất diệt, cho rằng tâm ta cũng như thân ta không bao giờ có thể bị hủy diệt. Theo giáo phái này, có bảy yếu tố làm nên con người, đó là đất, nước, lửa, không khí, khổ, vui, và sinh mạng. Sống và chết chỉ là hiện tượng bên ngoài do sự kết hợp hay tụ tán của bảy yếu tố ấy tạo nên, trong khi tự thân của bảy yếu tố ấy là trường cửu và bất diệt.

5. Giáo phái thứ năm do đạo sĩ Sanjaya Belatthiputta thành lập. Ngày xưa các đại đức Sariputta và Maha Moggallana đã từng theo học với đạo sĩ này. Đạo sĩ Sanjaya dạy thuyết thích ứng, cho rằng chân lý tùy thuộc vào trường hợp, vào không gian và vào thời gian. Có thể trong trường hợp này, thời gian này và địa phương này, một điều nọ có thể là chân lý, nhưng trong trường hợp khác, thời gian khác và địa phương khác thì điều đó có thể không còn là chân lý. Nhận thức con người là thước đo của muôn vật.

6. Giáo phái thứ sáu là giáo phái của đạo sĩ Nigantha Nataputta. Các đạo sĩ trong giáo phái này thực hành pháp khổ hạnh cực đoan, không mặc quần áo và giữ giới bất sát một cách tuyệt đối. Đạo sĩ Nigantha chủ trương một thứ vận mạng luận có tính cách nhị nguyên, cho mạng (jiva) và phi mạng (ajiva) là nền tảng cho vũ trụ và sự sống. Thế lực của các du sĩ lõa hình này trong xã hội khá lớn, và với đoàn khất sĩ của Bụt, các du sĩ lõa hình đã có nhiều liên lạc và tiếp xúc qua lại. Điểm tương đồng căn bản giữa giáo đoàn du sĩ và giáo đoàn khất sĩ là ý niệm tôn trọng sự sống, nhưng giữa hai giáo đoàn có nhiều điểm dị biệt. Có những vị trong giáo đoàn Nigantha đã tỏ vẻ chống đối giáo đoàn khất sĩ. Đại đức Moggallana thường không chịu đựng được thái độ quá khích của một số các vị du sĩ lõa hình, và đã không ngần ngại nói lên cảm tưởng ấy, vì thế, đại đức thường bị các vị du sĩ lõa hình chống đối kịch liệt.

Về tới Savatthi, Bụt cư trú ở tu viện Đông Viên, nơi có giảng đường Lộc Mẫu. Các giới đệ tử nghe Bụt về, đến thăm Người không ngớt. Một buổi sáng, nữ thí chủ Visakha tới tìm Bụt, đầu tóc và xiêm y ướt đẫm, Bụt hỏi:

- Visakha, bà đi đâu về mà đầu tóc và xiêm y ướt đẫm thế này ?

- Lạy đức Thế Tôn, đứa cháu nội của con mới chết. Con buồn quá đi tìm Bụt mà quên mang theo cả dù, cả nón.

- Visakha, đứa cháu nội của bà lên mấy tuổi, cháu ốm bệnh gì mà mất ?

- Bạch Thế Tôn, nó mới có ba tuổi, nó bị bệnh thương hàn.

- Tội nghiệp cháu. Này Visakha, bà có tất cả bao nhiêu con và cháu ?

- Bạch Thế Tôn, con có tới mười sáu đứa con, chín đứa đầu đã lập gia đình, và con đã có tám đứa cháu, vừa nội vừa ngoại. Bây giờ con chỉ còn có bảy đứa cháu, toàn là cháu ngoại.

- Visakha, bà muốn có nhiều cháu lắm phải không ?

- Vâng, bạch Đức Thế Tôn, con muốn có thật nhiều con và thật nhiều cháu. Nhà càng đông con cháu thì lại càng vui.

- Này Visakha, nếu con cháu bà nhiều như dân số ở thủ đô Savatthi này thì chắc là bà vui lắm.

- Vâng, thưa Đức Thế Tôn, con mà có được nhiều con nhiều cháu như dân số ở Savatthi thì còn gì bằng.

- Visakha, bà biết mỗi ngày ở thủ đô Savatthi có bao nhiêu người chết không ?

- Thưa Thế Tôn, có ngày thì mười người chết, có ngày thì chín người, tám người, bảy người hay sáu người, ít nhất là một người. Thế Tôn, ở Savatthi không có ngày nào là không có người chết.

- Này Visakha, nếu con cháu bà đông đúc như dân cư ở Savatthi thì ngày nào mà tóc tai và áo quần của bà lại không ướt đẫm như thế kia ?

Visakha chắp hai tay lại:

- Thôi, thôi, con không muốn con cháu đông đảo như dân số ở Savatthi nữa đâu. Con hiểu rồi. Càng thương nhiều thì càng bị ràng buộc nhiều, càng bị ràng buộc nhiều thì càng khổ đau nhiều. Bụt đã dạy con điều này nhiều lần, mà con cứ quên mãi.

Bụt im lặng, mỉm cười. Visakha nói:

- Thế Tôn, Người thường du hành hóa độ khắp nơi và chỉ về Savatthi vào trước mùa mưa. Đệ tử chúng con nhiều khi nhớ Bụt, lên tu viện thăm thì ít khi được gặp Người. Cho nên mỗi khi chúng con đến, chúng con chỉ biết đi vòng ba lần quanh tịnh thất của Người rồi đi về mà thôi.

Bụt dạy:

- Visakha, bà nên nhớ rằng việc tu học tinh tiến theo giáo pháp cần thiết hơn việc thăm viếng. Mỗi khi tới chùa, các vị đều có dịp nghe các vị đại đức thuyết pháp để học hỏi thêm giáo lý và để đem về thực hành. Giáo pháp ấy chính là thầy đó. Đừng vì sự vắng mặt của thầy ở tu viện mà xao lãng việc tu học.

Đại đức Ananda bạch:

- Con ý định là sẽ trồng một cây bồ đề ngay trong tu viện. Mỗi khi các vị đến thăm Bụt mà không có Bụt thì có thể đến thăm và làm lễ cây bồ đề. Như vậy thì cũng như làm lễ Bụt. Chúng con sẽ đặt một pháp tọa bằng đá dưới gốc bồ đề. Nếu các vị đệ tử đem hoa tới cúng dường Bụt, các vị có thể dâng hoa trước pháp tọa làm lễ, và đi nhiễu ba vòng xung quanh cây bồ đề để quán niệm về Bụt.

Bà Visakha nói:

- Ý kiến của đại đức rất hay. Nhưng biết lấy cây bồ đề con ở đâu ra mà trồng ?

Đại đức Ananda nói:

- Ta có thể đến xin hạt của cây bồ đề ở thôn Uruvela, nơi Bụt thành đạo. Visakha, bà đừng lo, tôi sẽ phụ trách về việc lấy hạt, ươm hạt và trồng cây bồ đề. Tôi sẽ trồng một cây ở tu viện và một cây ngay ở đây.

Nữ thí chủ Visakha đã cảm thấy nhẹ bớt trong lòng. Bà lạy Bụt và đại đức Ananda rồi ra về.

Life goes on

- Unknown

LIFE GOES ON ... Whether you choose to move on and take a chance in the unknown. Or stay behind, locked in the past, thinking of what could’ve been.

╰▶ CUỘC SỐNG VẪN TIẾP DIỄN ... Cho dù chúng ta chọn đi tới để nắm bắt cơ hội trong những cái chưa biết. Hay vẫn đứng lại phía sau, khóa trong quá khứ, nghĩ về những gì mà mình có thể.



Danh ngôn (130)

- Andre Larande



Cái học hào nhoáng lưng chừng và chưa tiêu hóa còn tệ hại hơn sự dốt nát, nó làm suy nhược óc phán đoán và giảm bớt lòng đạo đức của con người.

Tận hưởng cuộc sống

(Sưu tầm)



TRƯỚC CÁI CHẾT, TẤT CẢ ĐỀU IM LẶNG. CÒN SỐNG PHÚT NÀO THÌ PHẢI BIẾT TẬN HƯỞNG, ĐỪNG CẬT LỰC LÀM CHỈ ĐỂ CÓ … “NGÔI MỘ” ĐẸP

“Nếu như có thời gian, hãy ở bên con bạn thật nhiều, dành số tiền tích góp tậu xe để mua tặng đôi giày cho cha mẹ, đừng quá cật lực làm việc để đổi lấy một căn biệt thự, hay những thứ xa hoa nào khác”, bởi chỉ cần được ở cạnh người mình yêu, cho dù ở một nơi nhỏ như vỏ ốc cũng cảm thấy ấm áp, yên bình.

● Cách đây một thời gian, tôi mua cho Nội một thùng táo, trong lúc vận chuyển, một bên mép thùng bị đè xuống nên có vài quả táo bị dập, thậm chí còn xuất hiện hiện tượng nước táo chảy ra. Chúng tôi nói với Nội là đừng ăn những quả táo đó, không tốt cho sức khỏe, nhưng Nội tuổi tác đã cao, tiết kiệm sớm đã trở thành thói quen cố hữu, nên chẳng nỡ vất đi, Nội nói: “không phải chỉ là bị hỏng một chút thôi sao, Nội chỉ cần cắt đi phần hỏng đó, là lại có thể ăn được rồi”.

Sau khi cẩn thận dùng dao gọt đi phần đã thối, Nội vẫn thưởng thức phần còn lại của quả táo một cách ngon lành. Chẳng ngờ ngày thứ hai, thùng táo ngon như thế lại có thêm một số quả xuất hiện hiện tượng y chang như vậy, Nội vẫn làm như thế, đem phần bị hỏng cắt đi và ăn phần còn lại. Kết quả, một thùng táo ăn đến quả cuối cùng, Nội chỉ mải miết đi cắt những phần hư của quả táo, nên chẳng thể ăn được một quả táo trọn vẹn nào cả.

Chúng tôi nói với Nội nên ăn những thứ tốt nhất, Nội lại trả lời: “Nội muốn để những thứ tốt nhất lưu giữ lại sau cùng, mấy đứa nghĩ mà xem, quả táo hỏng có chút mà không ăn nhanh để đến khi hỏng hết cả một quả, có phải cực kì lãng phí không ?”. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, tất cả chỉ biết im lặng.

Giống như cuộc sống này, luôn luôn tồn tại đầy ắp những biến số bí ẩn, chúng ta chẳng thể nào dự đoán được giây phút hạnh phúc trước mắt liệu có phải là giây phút tận cùng. Chúng ta luôn luôn tự dặn lòng mình cần phải trân trọng những thứ trước mắt, nhưng lại quên mất rằng những phút giây ta đang nắm giữ còn đáng trân trọng nâng niu hơn rất nhiều.

● Có một nữ tiến sĩ 32 tuổi từ nước ngoài trở về, trong “nhật ký những tháng ngày ung thư” của mình đã viết:

“Sức khỏe thật sự rất quan trọng, đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết, bạn sẽ phát hiện, bất kì những lần tăng ca nào (một thời gian dài thức đêm chính là đồng nghĩa với tự sát), gia tăng áp lực cho chính bản thân mình, hay mua nhà lầu thầu xe hơi, tất cả thứ đó bỗng trở nên thật phù phiếm biết bao. Nếu như có thời gian, hãy ở bên con bạn thật nhiều, dành số tiền tích góp để mua xe để mua tặng đôi giày cho Cha Mẹ, đừng quá cật lực làm việc để đổi lấy một căn biệt thự, hay những thứ xa hoa nào khác, bởi chỉ cần được ở cạnh người mình yêu, cho dù ở một nơi nhỏ như vỏ ốc cũng cảm thấy ấm áp, yên bình”.

Đoạn tâm sự tưởng như vô cùng bình thường ấy, lại cảm động biết bao nhiêu con người. Cô ấy dùng chính cuộc đời của mình để nhắc nhở chúng ta rằng: nắm chắc lấy những thứ hiện tại, yêu thương bảo vệ cơ thể của chính mình, chú ý rèn luyện sức khỏe, đừng khiến cuộc sống tương lai của chính mình sống trong vũng lầy của sự hối tiếc. Giá trị của tiền bạc nằm ở cách sử dụng, vị ngon của cà phê cũng ngon ở nhiệt độ của chính nó.

Chúng ta chẳng bao giờ dự đoán được trước tương lai, nói không chừng một ngày nào đó bạn bỗng dưng rời khỏi thế giới này, để lại cuộc đời rất rất nhiều những việc vẫn dang dở có đầy ắp cơ hội lại chẳng kịp hoàn thành. Biện pháp duy nhất để điều đó không bao giờ xảy ra chính là sống trọn vẹn những ngày bạn đang sống, để mỗi phút giây trôi qua chẳng bao giờ mang tên tiếc nuối. Học cách trân trọng những năm tháng còn tồn tại trên cõi đời này, ăn những thứ mình thích ăn, làm những việc bản thân muốn làm, xem những thứ bản thân mình muốn biết, hưởng thụ hiện tại, để mỗi ngày trôi qua là mỗi một ngày đáng sống theo cách riêng của nó.

● Còn nhớ nhà văn Mạc Ngôn từng kể một câu chuyện:

“Vợ bạn học của ông sau khi mất đi, trong một lần ông ấy dọn dẹp lại những kỉ vật ngày xưa, chợt phát hiện ra chiếc khăn lụa tơ tằm, mua trong cửa hàng cao cấp khi hai vợ chồng đi du lịch ở New York. Đó là một chiếc khăn vô cùng thanh nhã lịch sự, bà ấy cực kì yêu thích nó, ngày thường chẳng nỡ lấy ra dùng, người vợ ấy luôn tâm niệm để vào một dịp thật đặc biệt bà ấy sẽ diện chiếc khăn đó. Thế nhưng, đến cuối cùng chiếc khăn ấy vẫn còn nguyên nhãn mác treo trên đó, người vợ ấy lại chưa choàng lấy một lần”.

Đừng để thứ quý giá lưu giữ đến ngày đặc biệt mới dùng, bởi mỗi ngày bạn sống đều là một ngày đặc biệt. Đúng vậy, đừng bao giờ trong những ngày mưa mới biết trân trọng những hình ảnh của ngày nắng, hay đến khi tóc đã điểm sương lại muốn sống lại những ngày thơ ấu. Đời người hữu hạn, có rất nhiều thứ, chỉ khi chúng ta sắp mất đi rồi mới ý thức được nó quan trọng như thế nào, bởi vậy đừng bao giờ để thứ quý giá nhất lưu giữ đến tận cùng. Bởi đợi khi bạn có thời gian, có lẽ cũng chẳng có tâm trạng đi thực hiện, đến lúc bạn có tâm trạng để làm, đột nhiên phát hiện tất cả đã quá muộn.

Trong tiểu thuyết của tác giả Sâm Sơn Đạo từng có câu: “mỗi ngày trong cuộc đời chúng ta đều là những ngày hữu hạn, chẳng có cách nào có thể quay lại, bởi vậy đừng bao giờ để tuổi tác trở thành lý do khiến bản thân trở nên ngần ngại, hay lười biếng, chỉ cần nỗ lực hết mình, sống một cách trọn vẹn với cuộc sống này, bạn mới có thể nếm trọn hương vị của nó, học cách yêu thương vô điều kiện với tất cả mọi người xung quanh mình, bởi chúng ta đâu biết được ngày mai liệu chúng ta có thể được gặp lại họ ?”.

Hãy sống trọn vẹn với những phút giây cho dù ta chỉ còn một hơi thở. Hay giống như Nikolai Ostrovsky, nhà văn quân đội nổi tiếng Liên Xô đã từng nói:

“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời”.

Nói với nhau

- Tôn Nữ Hỷ Khương



Chẳng oán hờn ai - chớ trách ai
Hãy đi cho hết quãng đường đời
Tâm không vướng bận lời phi thị
Chuyện thế gian đùa, nỏ lắng tai

Pháp ngữ (33)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Người giàu có là người không thích chiếm tiện nghi.

Người chân chính phú quý thì không thích chiếm thượng phong, lấn át người khác.

Kẻ nào thích chiếm thượng phong thì kẻ ấy mới thật là nghèo nàn.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|17|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường



“Đem nắm muối bỏ vào cốc nước nhỏ, cốc nước mặn chát không uống được. Cũng đem nắm muối như vậy bỏ vào dòng sông Hằng, nước sông vẫn có thể uống được, không đổi thay”.

Cốc nhỏ, lòng hẹp, nước ít, một nắm muối cũng đã quá nhiều, đủ làm chút nước trong cốc mặn chát tê cứng lưỡi, không còn uống được nữa. Một nắm muối nhỏ cũng đã đủ làm nước trong lòng cốc thay đổi, khác xưa. Sông Hằng dài, lòng sông rộng, nước sông sâu, một nắm muối thật to cũng chỉ là nắm muối bỏ sông, nước sông Hằng vẫn bình thản, không đổi thay như chưa từng có gì.

Có những người luôn bình thản như chưa từng có gì dù cuộc sống ném vào đời họ bao nhiêu đắng cay, lòng rộng tâm sâu, đủ sâu sắc, đủ can đảm, đủ bao dung để làm nhạt đi những đắng cay từ cuộc đời, rồi bình thản. Có những người chỉ một lần nhận lấy đắng cay lòng đã đắng cay không bao giờ còn bình thản được nữa.

Có người lòng hẹp như chiếc cốc. Có người lòng rộng như sông sâu. Và cuộc đời không ngừng ném vào đó từng nắm muối mặn. Cuộc đời xưa nay vẫn vậy, nên nó có mặn chát hay không là phụ thuộc vào sự rộng hẹp trong lòng mỗi người. Vậy thôi.

Đời ta

- Thích Tánh Tuệ

Đời ta chiếc lá Bồ Đề
Thăng trầm muôn nỗi rồi về cội xưa
Đời ta là tiếng chuông chùa
Ngân nga theo gió bốn mùa nhân gian

Đời ta là một nén nhang
Tỏa làn hương nguyện bình an khắp cùng
Thu tàn, Đông đến, sang Xuân
Thì ta vẫn thế, sống trong hiện tiền

Đời ta, bỏ lại niềm riêng
Trồng hoa Bi Trí trên miền bể dâu
Dòng sanh tử lắm thương đau
Dang tay bắt một nhịp cầu Đạo tâm

Đời ta sương đọng đêm thầm
Bình minh thức dậy, mê lầm thoát thai
Đời ta, về với Như Lai
Ngắm nhìn vạn loại nào ai khác mình

Tim ta son sắt hữu tình
Riêng ngồi một chỗ dáng hình khắp nơi
Mênh mang hòa điệu đất trời
Ngàn sông trăng hiện tuyệt lời nói năng

Đời ta, hạt bụi dưới chân
Của Người Tỉnh Thức một lần ghé qua



Tâm an là trạng thái hạnh phúc

- Lối vào tâm hồn, tặng người hữu duyên
- Vạn Lợi Quán Như dịch



Một chiếc lá rơi – rơi bất kì nơi đâu thì đó cũng là quay về với đất mẹ.

Một đóa hoa nở – nở bất kì nơi đâu thì nơi đó cũng ngát hương thơm.

Một con người sống ở bất kì nơi đâu thì ở nơi đó luôn có sự sống.

Tùy duyên thì tự tại, tâm an là chốn quay về.

Ngày hôm qua đã trải qua thì càng lúc càng nhiều, còn ngày mai của cuộc đời lại càng lúc càng ít đi. Con đường chúng ta đã đi qua dài hơn, gặp được nhiều người hơn. Lúc đó ta vô tình phát hiện “phong cảnh đẹp nhất của cuộc đời là lúc nội tâm ung dung yên tĩnh tự tại, đầu óc tỉnh táo minh mẫn”. Thời gian không có khả năng giải quyết bất kì vấn đề gì, nó chỉ làm cho chúng ta cảm thấy vấn đề trước đây được xem là rất quan trọng, giờ thì đã trở thành nhẹ nhàng.

Trong những chuyến đi, hành trình của cuộc đời, mọi người hay bận rộn với chuyện làm quen được nhiều người khác và từ đó cho là chúng ta có cuộc sống phong phú đa dạng. Nhưng điều giá trị nhất lại là: bất chợt trong một khoảnh khắc nào đó bạn gặp lại chính mình, lúc đó bạn mới hiểu “đi khắp thế giới cũng không bằng tìm ra con đường trở về nội tâm của chính mình”.

Nếu như có một ngày:

- Bạn không còn muốn đi tìm người thương, mà chỉ thương thôi.

- Bạn không còn khát vọng thành công, mà chỉ thực hiện ước mơ thôi.

- Bạn không còn mong muốn thành đạt, mà chỉ rèn luyện cho thành đạt vẹn toàn.

Thì tất cả chỉ mới là bắt đầu.

Nếu không có sự tĩnh lặng bên trong thì không có sự bình yên bên ngoài. Vận mệnh cho chúng ta thành đạt thì đồng thời nó cũng cho chúng ta sự khó khăn trắc trở, đó là quy luật. Cho bản thân một phương hướng, không lạc lối lầm đường. Cho bản thân một niềm tin, không hoang mang mơ hồ.

Tâm yên thì thần định.

Không cần mong đợi.

Không quá ảo tưởng.

Không muốn quá mức.

Thuận theo tự nhiên.

Nếu đã tạo nhân thì nhất định có kết quả. Tâm an là trạng thái hạnh phúc nhất của chúng ta.

Trời sẽ tối, người sẽ thay đổi …

(Sưu tầm)



Trời sẽ tối, người sẽ thay đổi …

Trời sẽ tối, người sẽ thay đổi, bởi lẽ thế đạo thịnh suy, nhân duyên bất định. Người đến đến đi đi cũng bởi cuộc đời chỉ là một sân khấu lớn.

Có một vài người quả thực đã vô tình rời xa bạn, ngay cả nguyên nhân vì đâu bạn cũng chẳng hay. Phải chăng sợi dây se duyên giữa hai người đã đứt ?

Có một vài người bạn từng lạnh mặt làm ngơ chẳng biết nói gì, nhưng giờ thì chuyện trên trời dưới biển không gì không thể nói.

Đột nhiên một ngày bạn nhận ra trước kia không ít bạn tốt, nhưng giờ bất giác lại mất liên lạc. Cuộc đời vẫn thế, người đến kẻ đi, còn duyên thì đến, hết duyên lại tự rời đi. Khi buồn hãy ngậm một viên kẹo và thưởng thức hương vị ngọt ngào của cuộc sống.

Khi tâm phiền muộn hãy nhớ ba câu này:

“Bỏ đi, không sao cả, mọi chuyện rồi sẽ qua”.

Felt with the heart

- Helen Keller

The best and most beautiful things in the world cannot be seen or even touched - they must be felt with the heart.

╰▶ Trên đời này, những điều đẹp nhất và tốt nhất thì không phải có thể nhìn thấy (bằng mắt) hay chạm (bằng tay) vào, chúng phải được cảm nhận bằng trái tim.



Vì sao nói sen là loài hoa thánh khiết của nhà Phật ?

(Theo Đại Kỷ Nguyên |Nam Phương – Hồng Liên)

Sẽ chẳng có loài hoa nào gợi cho ta một cảm giác thánh khiết, trong ngần như hoa sen. Hoa vươn lên từ nơi bùn lầy mà vẫn ngát hương, đẹp tinh khôi mà vẫn bình dị, khiêm nhường. Và đó chính là Sen – loài hoa tượng trưng cho cốt cách thanh tao của người tu Phật.

Trong ngàn vạn thứ hoa, chỉ có hoa sen là thanh tịnh và thuần khiết nhất. Hoa mọc từ rễ củ nằm sâu trong bùn lầy, khi thời khắc đến sẽ nẩy mầm rồi từ từ vươn lên khỏi mặt nước. Tự bản thân hoa đã có tính vô nhiễm, thế nên dẫu mọc từ bùn nhưng không mang mùi hôi tanh của bùn, dẫu vươn lên từ đầm lầy nhưng lại không hề nhuốm bụi bẩn. Cũng lại nói, hoa không chỉ làm sạch tự mình, mà còn khiến vạn vật xung quanh đều trở nên thuần tịnh. Nơi nào có hoa sen mọc, thì nơi ấy nước được làm trong, cũng giống như nơi nào có Phật Pháp, thì nơi ấy có được miền tịnh thổ.

Hoa sen có nhiều màu sắc, mà mỗi thứ màu lại mang một ý nghĩa thanh cao, thoát tục: sen bạch tượng trưng cho tâm hồn trắng trong, thuần khiết; sen xanh tượng trưng cho trí huệ viên thành; sen tím tượng trưng cho những điều huyền diệu; sen vàng tượng trưng cho sự giác ngộ; và sen hồng tượng trưng cho lòng từ bi vô hạn.

Hoa sen vừa có sắc lại vừa có hương. Hương hoa thoang thoảng, sắc hoa dịu dàng, cho nên hoa đứng kiêu hãnh giữa đầm mà vẫn không tạo cảm giác kiêu kỳ, ngược lại, còn khiến người thưởng lãm được đắm mình trong bầu không khí an lành, tĩnh tại. Thân sen ngay thẳng, có gai mà không sắc nhọn, trong ruột lại trống rỗng giống như tánh ‘không’ của người tu luyện, cho nên hoa mới nhẹ nhàng, thản đãng, thanh tịnh, vô vi. Đó được gọi là:

“Diệu tánh hư vô bất khả phân
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận
Liên phát lô trung thấp vị càn”
(Thiền sư Ngộ Ấn)

Tạm dịch:

“Diệu tánh rỗng không chẳng thể bâu (bám)
Rỗng không tâm ngộ khó gì đâu
Trên non ngọc đốt màu thường đẹp
Sen nở trong lò ước chửa khô”

“Liên hoa mộng ứng thiên sinh thánh” (giấc mộng hoa sen ứng với điềm Trời sinh bậc Thánh). Tương truyền, trước khi Đức Phật giáng sinh, mẫu thân của Ngài là hoàng hậu Ma Da từng nằm mơ thấy một con voi trắng mang theo đóa sen cũng màu trắng. Khi Đức Phật đản sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni, dưới tán hoa Vô Ưu, Ngài liền bước đi bảy bước, và dưới mỗi bước chân đều có đóa sen vàng nâng gót ngọc. Ngài đứng trên đài hoa sen, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, và nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy nhã độc tôn, yếu độ chúng sinh, sinh lão bệnh tử” (Trên trời, dưới đất, hiện nay duy có ta, muốn độ chúng sinh, thoát khỏi sinh lão bệnh tử).

Truyền thuyết kể rằng, hoa sen không phải là thứ hoa nơi trần thế mà bắt nguồn từ thiên thượng, là biểu tượng thanh tịnh của cõi Phật. Từ tranh, tượng, bất cứ nơi nào có hình tượng Phật, chúng ta đều thấy vị Phật ngồi xếp bằng trên đài hoa sen. Theo kinh điển Phật giáo, “Phật tọa tòa sen” mang một ý nghĩa thanh cao: Phật Pháp thì trang nghiêm thần diệu, mà hoa sen lại mềm mại, thanh tịnh và ngan ngát hương thơm. Cho nên, đài sen nghiêm trang, hương thơm thuần tịnh, là nơi Phật có thể tĩnh tọa.

Lại có một truyền thuyết kể rằng, một ngày, trước mặt đông đảo đại chúng, Đức Phật không thuyết Pháp mà chỉ lặng lẽ đưa lên một đóa sen. Khi đại chúng còn đang ngơ ngác chẳng hiểu, thì chỉ có đại đệ tử Ma-ha Ca-diếp mỉm cười. Đức Phật liền tuyên bố với các tì kheo: “ta có chính pháp vô thượng trao cho Ma-ha Ca-diếp. Ca-diếp là chỗ nương tựa lớn cho các thầy tì kheo, cũng như Như Lai là chỗ nương tựa cho tất cả chúng sinh”. Có thể thấy, hoa sen không chỉ là một loài hoa đơn thuần, mà còn biểu tượng cho Phật tính và giác ngộ. Hoa sen ngụ ý rằng sinh mệnh sinh ra trong sinh tử phiền não, nhờ tu luyện mà thoát khỏi sinh tử phiền não. Hoa sen mọc dưới bùn nhơ, cũng giống như con người qua bao kiếp bao đời đã trầm luân trong bể sầu nhân thế. Rồi hoa vươn lên thẳng tắp, cũng chính là quá trình tu luyện, rũ khỏi bùn nhơ, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Khi đóa hoa nhô lên khỏi mặt nước, cũng là lúc những cánh sen bừng nở, tỏa hương ngan ngát dưới ánh mặt trời, đó là lúc Phật tính nhờ tu luyện mà giác ngộ, hoa đại mãn khai.

Hoa vốn là hoa nơi thiên thượng, là hoa của Phật quốc thanh cao, nay lại hạ thế làm một thứ hoa ở nhân gian – phải chăng là để gửi gắm thông điệp rằng: Phật tính của con người cũng giống như hoa sen vô nhiễm, mọc trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Con người nơi nhân thế, dẫu cát bụi hồng trần có vô tình che đi bản tính thuần phác lúc tiên thiên, và dẫu đạo đức suy đồi có lạnh lùng nhấn chìm người ta trong cạm bẫy danh lợi, thì cái phần bản chất nhất cốt lõi nhất – cũng chính là sự thuần thiện, thuần chân, thuần khiết – vẫn luôn ở đó không bao giờ thay đổi. Chỉ cần lau sạch đi lớp bụi hồng trần, thì bản tính ấy sẽ hoàn toàn hiển lộ. Con người trong quá trình tu luyện, cũng chính là từng bước từng bước phủi đi lớp bụi trần. Người tu luyện ngay trong cõi hồng trần ô trọc mà tu chính mình, thân tâm thanh tịnh không còn dính bụi trần, giống như hoa sen mọc trong bùn mà tự rũ sạch khỏi bùn, cuối cùng đạt đến bờ giác ngộ và hoàn toàn giải thoát, cũng là lúc đóa sen kia mãn khai, tỏa hương ngan ngát.

Trong sách “Tánh mạng khuê” có bài thơ rằng:

“Hồng hồng bạch bạch thủy trung liên
Xuất ố nê trung sắc chuyền liên
Hành trực ngẫu không bổng hựu thục
Tu hành diệu lý kháp như nhiên”

Tạm dịch:

“Sen nở trong đầm đỏ trắng phơi
Bùn nhơ không nhiễm sắc thêm tươi
Thân ngay, ngó rỗng, gương đầy hột
Cái lý tu hành cũng thế thôi”

Sen tỏa ngát hương thơm giữa bùn lầy nhơ nhớp. Trong cõi đời trầm luân, người tu có thể thoát khỏi mọi dục vọng, buông bỏ mọi phiền não thì sẽ đến bến bờ an lạc. Hoa sen bừng nở, trí huệ viên mãn, hương thơm lan tỏa khắp không gian. Đời người cũng giống như hoa ấy, từ phiền não mà đến thanh tịnh, mọc từ bùn lầy rồi nở hoa trên mặt nước, từ bùn đất mọc ra mà không nhiễm mùi bùn.

Danh ngôn (129)

- H.T Đạo Thanh



Ruộng tốt ngàn vạn miếng, cái chết đến dùng cũng không được. Tiền tài chất cao quá vách, khi chết muốn đem theo cũng không được.

Quy luật cuộc đời: nếu bạn giúp người, trời xanh sẽ hoàn lại cho bạn

- Lê Hiếu



Khi bạn đối mặt với khó khăn, liệu có thể tạm thời quên phiền não của mình, đưa tay ra giúp đỡ người cần giúp ? Nếu bạn có thể làm được như vậy, đừng lo lắng rằng mình sẽ mất thứ gì, bởi ông trời sẽ thông qua một số hình thức mà bồi hoàn lại cho bạn.

Rất nhiều người trong hoàn cảnh khó khăn, họ không nhìn thấy cái khó của người khác, bởi vì họ không vượt qua được quan ải trước mắt mình … Nếu bạn hiểu quy luật bù đắp thì bạn sẽ minh bạch, khi bạn đưa tay ra giúp đỡ những người bất hạnh kia, bạn sẽ thấy rằng công sức của mình sẽ không uổng phí, ông trời sẽ dùng một số hình thức, hồi đáp lại bạn vào một thời điểm nhất định. Những hồi đáp này có thể không phải từ người bạn đã giúp đỡ, mà đến từ một nguồn khác một cách rất tự nhiên. Bạn cho đi, thì sẽ được bù đắp lại, đây chính là quy luật của vũ trụ.

Khi gặp khó khăn tôi cũng trách móc ông trời, sau này mới phát hiện ra mình đã sai. Vào lúc khó khăn nhất, tôi đã than phiền, than phiền rất nhiều, nhưng cũng không thể tiêu được mối hận trong lòng, rồi tôi ngẩng đầu lên oán trách ông trời, sao lại khiến tôi khổ sở đến như vậy ? Điều khiến tôi càng bực mình chính là, ông trời không bao giờ hồi đáp lại những căm phẫn của tôi, không có bất kỳ hồi đáp nào. Hóa ra, ông trời đã an bài rất kỹ lưỡng, chính là muốn giúp đỡ tất cả mọi người. Chỉ tiếc là lúc đó tôi không thể lĩnh ngộ ra, mới không thể vượt qua được những quan ải của mình, nên đương nhiên phải chịu nhiều dày vò. Tôi đã hiểu lầm một cách nghiêm trọng, đã coi sự từ bi của trời cao là tàn khốc, không công bằng, bây giờ tôi đã hiểu, không bảo hộ mới là sự bảo hộ lớn nhất.

Bạn không vui vẻ đều đến từ cách nhìn chủ quan của mình

Những suy nghĩ chủ quan của chúng ta thật đáng ghét, đôi khi nó bóp méo sự thật, khiến ta căm ghét chính mình, vì thế phần lớn thời gian của chúng ta đều không vui vẻ. Hãy thay những suy nghĩ tiêu cực này bằng sự khích lệ, không oán hận than phiền, bất kể là ta bị oan ức hoặc tổn thất lớn đến nhường nào, thì ông trời cũng đều sẽ có an bài, sẽ dùng một phương thức khác để cho bù đắp lại cho ta.

Mỗi ngày thế giới này đều mang đến rất nhiều cơ hội, khiến chúng ta từ trong đó mà học tập, trưởng thành, chuyển biến, cảm nhận những sự vật xung quanh, cũng như thấy được sức ảnh hưởng của mình đối với tất cả mọi người và sự vật xung quanh.

Người nhún nhường không phải là kém cỏi, mà là biết dung nạp thiếu sót của mình, thưởng thức ưu điểm của người khác. Khi bạn có thể dung nạp những cái tầm thường của mình, thì cũng chính là một sự vĩ đại.

Quy luật bù đắp chính là: “Khi bạn mất đi thứ gì thì sẽ nhận lại được thứ đó”

Hết thảy những gì trước mắt của chúng ta, chính là từ một thệ thống bù đắp. Mỗi thống khổ đều sẽ nhận được hồi báo. Mỗi sự hy sinh cũng nhận được thù lao. Mọi khoản nợ nào thì cũng sẽ được hoàn trả. Có thể thời khắc này bạn đang thất bại, nó còn kéo theo sự thất vọng dai dẳng trong tương lai, nhưng cuối cùng nhất định bạn sẽ nhận lại được những gì bạn đã mất qua một hình thức khác.

D.P.A (41)

• • •

Một sáng vô thường đến mới hay đời huyễn mộng.
Tất cả bỏ lại hết, chỉ có nghiệp theo mình.



Tâm đạo

- Bạch Vân Nhi



Khi sống đạo tâm không rong ruổi
Nhìn cuộc đời như buổi bình minh
Tạo trong ý sống Chân Thường
Từng ngày an lạc yêu thương mọi người

Vườn hoa Bi còn tươi sắc thắm
Nước Cam Lồ tưới tẩm hữu sinh
Bồ đề hạt giống trọn gìn
Nuôi mầm hi vọng tận tình trì Kinh

Nhân duyên khởi thường minh diệu tánh
Vượt khó khăn trong cảnh nguy nàn
Bình yên bến đỗ trần gian
Muôn lòng chung một vô vàn niềm tin

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|16|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường



“Hãy khẩn trương, hãy bền bỉ làm những việc thiện lành, hãy nỗ lực khuất phục những bất thiện trong lòng. Một phút không làm việc lành, một phút để lòng bất thiện là đã đủ để tạo ra nhiều nghiệp chướng”.

Có những bão giông chỉ chờ một lần động niệm mà trỗi dậy.

Có những vết thương chỉ chờ một sát-na thôi bao dung mà sống lại mới nguyên.

Có những vực sâu chỉ một phút nông nổi để rơi vào.

Có những con đường chỉ chờ vắng bước chân qua để lũ cỏ dại tràn ra che kín lối.

Có những nỗi buồn chỉ chờ nụ cười tắt để lớn nhanh như bóng tối.

Có những bất an chỉ chờ một lần người ta không làm chủ được tâm mình mà tràn về như lũ.

Nhảy cao mấy cũng rơi lại vào trong lưới

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương LIX, Thích Nhất Hạnh

Vườn xoài của y sĩ Jivaka rất rộng rãi và thanh tịnh. Rải rác trong vườn có những tịnh thất nhỏ của các vị nữ khất sĩ. Buổi chiều ấy, có một vị nữ khất sĩ trẻ tên là Subha đến xin tham vấn Bụt. Hồi sáng cô đã bị một thanh niên đón đường và suýt bị thanh niên ấy xâm phạm đến tiết hạnh. Ni cô xin Bụt đặt ra một pháp chế để bảo đảm thêm sự an ninh cho giới nữ khất sĩ. Bụt hỏi đầu đuôi câu chuyện. Ni cô thuật lại với tất cả chi tiết.

Hôm qua đi khất thực về ngang một khu hẻo lánh, Subha bị một thanh niên đón đường. Biết là mình đang lâm vào tình trạng khó khăn, ni cô theo dõi hơi thở để duy trì sự bình tĩnh. Nhìn thẳng vào người thanh niên, cô hỏi:

- Thưa ông, tôi đâu có làm điều gì lầm lỗi mà ông lại chặn đường tôi ? Tôi chỉ là một người xuất gia tu hành theo giáo pháp của Bụt. Tại sao ông lại ngăn không cho tôi đi về tu viện ?

Người kia nói:

- Cô còn trẻ và đẹp lắm. Tại sao cô lại đi hủy hoại đời mình bằng cách cạo đầu, mặc áo vàng và sống như những người tu khổ hạnh ? Này ni cô, đáng lý cái thân hình xinh đẹp của cô phải được khoác lên một chiếc sari lụa mua từ Kasi. Tôi chưa thấy ai xinh đẹp bằng cô. Tôi muốn cho cô nếm mùi dục lạc của thân xác. Cô đi với tôi đi.

Subha vẫn bình tĩnh:

- Ông đừng có nói bậy. Người tu hành đã quyết tìm niềm vui nơi cuộc sống giải thoát và giác ngộ. Năm thứ dục lạc chỉ đưa tới tội lỗi và khổ đau. Ông hãy tránh đường cho tôi đi. Tôi sẽ rất cảm ơn sự hiểu biết của ông.

Người thanh niên kia nói:

- Cô có hai con mắt rất đẹp. Tôi chưa thấy người đàn bà nào có đôi mắt đẹp như cô. Tôi dại gì mà để cô đi. Thôi cô hãy đi với tôi.

Và người thanh niên đưa tay ra định nắm lấy cô. Subha lùi lại một bước. Cô nói:

- Này ông kia, ông đừng chạm tới tôi. Ông đừng chạm tới một người tu phạm hạnh. Tôi đã chán ngấy đời sống dục vọng và hận thù cho nên tôi muốn đi tu. Ông nói tôi có hai con mắt đẹp. Thôi để tôi móc hai con mắt của tôi đưa cho ông. Thà rằng tôi mù còn hơn là để ông chạm tới.

Subha nói với giọng cương quyết. Người thanh niên kia nao núng. Anh ta biết vị ni cô này có thể nói và làm ngay. Anh ta lùi lại một bước. Subha tấn công thêm:

- Ông đừng vì dục vọng mà tạo nên tội ác. Ông không biết đức vua Bimbisara đã ra lệnh trừng phạt nặng nề những kẻ phạm pháp hay sao. Chính tôi, tôi đã chứng kiến những tội phạm bị hành xử. Nếu ông không tỉnh táo, nếu ông xâm phạm tới phạm hạnh và sanh mạng của tôi, ông cũng sẽ bị bắt và hành xử như những tội phạm ấy.

Người thanh niên tỉnh ngộ. Anh ta hình dung ra được cảnh khổ do dục vọng điên cuồng gây ra. Anh ta tránh sang một bên đường cho Subha đi. Rồi anh nói vọng theo:

- Tôi xin lỗi sư cô. Tôi chúc sư cô tu hành cho tới khi thành đạt.

Subha đi thẳng, không ngoái nhìn trở lại, lòng dặn lòng sẽ trình lên Bụt trường hợp của mình. Sau khi nghe kể chuyện, Bụt khen ngợi niềm quả cảm và sự thông minh của nữ khất sĩ Subha. Người nói:

- Người con gái đi một mình ở nơi vắng vẻ thì nguy hiểm lắm. Đó là một trong những lý do tại sao ngày xưa tôi đã ngần ngại chưa muốn cho giới nữ xuất gia. Này Subha ! Từ hôm nay trở đi, đi đâu vị nữ khất sĩ cũng không được đi một mình. Lội qua một dòng sông, đi vào thôn xóm, băng qua một cánh đồng hay một khu rừng, vị nữ khất sĩ không được đi một mình. Ngủ cũng vậy. Trong tu viện, trong tịnh xá, trong thôn lạc hay dưới gốc cây, người nữ khất sĩ không được ngủ một mình. Phải ngủ với một vị nữ khất sĩ khác để có thể bảo vệ cho nhau.

Rồi Bụt quay lại nói với thầy Ananda:

- Ananda, thầy nên ghi nhớ điều này và yêu cầu các vị lãnh đạo ni chúng đưa điều này vào giới luật của các vị nữ khất sĩ.

Rời vườn xoài của y sĩ Jivaka, Bụt lên đường đi Nalanda. Cùng đi với Người, có rất đông các vị khất sĩ. Bụt và các vị khất sĩ đi lặng lẽ và trang nghiêm, ai nấy đều theo dõi hơi thở và nuôi dưỡng chánh niệm. Phía sau lưng các vị, có hai thầy trò vị du sĩ Suppiyo cùng đi. Họ nói chuyện vang lên suốt cả dọc đường. Đệ tử của du sĩ Suppiyo là thanh niên Bramadatta. Đề tài của câu chuyện là Bụt và giáo pháp của Người. Du sĩ Suppiyo cố ý nói lớn để những vị khất sĩ có thể nghe. Tất cả những lời ông nói đều nhắm tới sự kích bác Bụt và giáo pháp của người. Trong khi đó thì lạ thay, thanh niên Bramadatta lại hết lòng bênh vực cho Bụt và giáo pháp của người. Bramadatta dùng những lý luận và hình ảnh rất khéo léo để tán dương Bụt và giáo đoàn của Người. Khéo léo đến nỗi tất cả các vị khất sĩ đi trước đó đều có cảm tình với chàng.

Chiều hôm ấy Bụt ghé vào nghỉ đêm ở Ambalatthika. Ambalatthika là một khu vườn rừng rất xum xuê và tốt đẹp, chỗ nghỉ mát của gia đình hoàng gia. Vua Bimbisara đã ngỏ ý là các vị tu sĩ của bất cứ giáo phái nào nếu cần sử dụng Ambalatthika thì đều có quyền sử dụng để nghỉ ngơi. Đêm đó hai thầy trò du sĩ Suppiyo cũng nghỉ đêm tại đấy. Sáng hôm sau các thầy khất sĩ bàn tán với nhau về thái độ hôm qua của hai thầy trò vị du sĩ. Bụt nghe được những câu bàn tán ấy. Người bảo:

- Này các thầy, khi nghe người ta công kích tôi, phỉ báng tôi, công kích và phỉ báng giáo pháp và giáo đoàn khất sĩ, các thầy đừng buồn, các thầy đừng sinh lòng công phẫn, tức tối hay phiền muộn. Điều ấy có hại cho các thầy. Khi nghe người ta khen ngợi tôi, khen ngợi giáo pháp và giáo đoàn khất sĩ, các thầy cũng không nên mừng rỡ, thích thú và mãn ý. Điều này cũng có hại cho các thầy. Thái độ đứng đắn là xét xem những điều công kích ấy đúng hay sai, đúng ở chỗ nào, sai ở chỗ nào. Có như thế quý vị mới có dịp học hỏi để đạt được nhiều tiến bộ.

Này các vị khất sĩ ! Phần lớn những người khen ngợi Bụt, Pháp và Tăng là những người chỉ thấy được những cái đẹp cái hay nhỏ bé của giáo pháp và giáo đoàn thôi. Như là nếp sống phạm hạnh, công phu trì giới, đời sống đạm bạc, thái độ thanh thản của chúng ta. Số người thấy được cái cao siêu mầu nhiệm nhất của giáo pháp mà đem lời ca ngợi thì ít lắm. Tôi muốn nói đến trí tuệ thực chứng của đạo giác ngộ. Trí tuệ này siêu việt, mỹ diệu, mầu nhiệm, vượt khỏi tầm tư duy và ngôn ngữ của người thường. Thấy được, hiểu được và chứng được trí tuệ ấy mới có thể biết và thấy được giá trị thật của đạo giải thoát.

Này các vị khất sĩ ! Trong thế gian có bao nhiêu chủ thuyết và bao nhiêu luận chấp, người ta không ngớt công kích và cãi vã nhau vì sự khác biệt của những chủ thuyết và luận chấp ấy. Các vị khất sĩ, như tôi đã thấy và đã nghe, đã có ít nhất là sáu mươi hai luận chấp làm căn bản cho hàng ngàn chủ thuyết hiện giờ có mặt trong các giới tư tưởng và tôn giáo. Các vị nên biết rằng trước cái thấy của đạo giác ngộ giải thoát, tất cả sáu mươi hai luận chấp ấy đều có những chỗ kẹt, đều có những chỗ sai lầm.

Hôm ấy Bụt nói kinh Phạm Võng. Người phân tích nội dung của cả sáu mươi hai luận chấp và vạch ra những sai lầm của các luận chấp này. Có mười tám luận chấp về quá khứ: bốn chủ trương thuyết thường trú, bốn chủ trương thuyết vừa thường trú vừa vô thường, bốn chủ trương thuyết hữu biên và vô biên, bốn chủ trương thuyết ngụy biện và hai chủ trương thuyết không có nhân quả. Có bốn mươi bốn luận chấp về tương lai: mười sáu chủ trương là còn tri giác sau khi chết, tám chủ trương là không còn tri giác sau khi chết, tám chủ trương là không phải còn cũng không phải không còn tri giác sau khi chết, bảy chủ trương thuyết đoạn diệt và năm chủ trương thuyết hiện tại là Niết bàn. Trình bày xong những sai lầm của sáu mươi hai luận chấp, Bụt nói:

- Một người đánh cá giỏi khi quăng lưới xuống hồ tóm được hết tất cả tôm cá hồ vào trong cái màn lưới có mắt lưới sít sao, ông ta nhìn những con tôm con cá đang cố nhảy lên cao để rồi lại rơi mình vào trong lưới, và nói: “dù các ngươi nhảy cao đến mấy các ngươi cũng vẫn còn nằm trong lưới của ta”. Ông ta nói đúng. Hàng trăm hàng ngàn học thuyết đang hiện hành và tranh chấp lăng xăng trong giới triết học và tôn giáo này đều nằm kẹt trong cái lưới của sáu mươi hai luận chấp ấy, không thể nào vượt thoát ra nổi. Các vị khất sĩ ! Đừng đi vào trong cái lưới mê hồn ấy để mất hết thì giờ và cơ hội tu tập đạo giải thoát. Đừng đi vào cái lưới của sự hý luận. Này các vị khất sĩ ! Tất cả những luận chấp kia đều phát sinh do sự lừa gạt của tri giác và của cảm thọ. Vì không tu tập chánh niệm, vì không quán chiếu nên người ta không biết được chân tướng của tri giác và cảm thọ, do đó đã bị tri giác và cảm thọ lừa gạt. Nếu thấy được nguồn gốc và bản chất của tri giác và cảm thọ, người ta sẽ thấy được tự tính vô thường và duyên sinh của sự vật, người ta sẽ không bị vướng vào lưới tham ái, lo âu và sợ hãi, người ta sẽ không bị vướng vào cái lưới của sáu mươi hai luận chấp.

Hôm ấy đại đức Ananda đã nỗ lực ghi nhớ hết những lời Bụt dạy. Thầy đi bách bộ và thầm lặng trùng tuyên lại những lời Bụt nói. Rồi thầy nghĩ: Kinh này quan trọng lắm, ta sẽ đặt tên kinh này là Kinh Phạm Võng. Phạm Võng là cái lưới vĩ đại thu tóm tất cả những chủ thuyết sai lạc trong cuộc đời.

To be ...

- Life quotes

If we pray, we will believe. If we believe, we will love. If we love, we will serve. If we want a love message to be heard, it has got to be sent out. To keep a lamp burning, we have to keep putting oil in it.

╰▶ Nếu chúng ta cầu nguyện, chúng ta sẽ tin. Nếu chúng ta tin, chúng ta sẽ yêu. Nếu chúng ta yêu, chúng ta sẽ được thỏa mãn. Nếu chúng ta muốn một thông điệp tình yêu được lắng nghe, nó phải được gửi đi. Để giữ cho đèn cháy, chúng ta phải không ngừng châm thêm dầu.



Tâm

( Doãn Lê )



Tâm là gì mà khổ thân Nhị Tổ
Phải nhọc nhằn phướn gió động Tào Khê
Vui thì đến nâng ly cùng tiếu ngạo
Buồn cứ đi, lòng chẳng mệt khen chê

Đời quá ngắn thương nhau còn chưa đủ
Bận lòng chi những thù hận vu vơ
Vết trầy nhẹ đừng làm thân đau nhức
Tâm yêu thương là biển rộng vô bờ

Một thứ mà cả phú ông và lão ăn mày đều cần, là gì ?

(Nguồn: Khỏe và Đẹp)

Ngày xưa có một phú ông rất thích thưởng trà, phàm là người đến nhà dùng trà, dù là người nghèo hay giàu thì ông ta đều sẽ phân cho hạ nhân chiêu đãi. Một hôm nọ, có một tên ăn mày rách rưới đứng trước cửa nhà phú ông, không xin cơm, chỉ nói đến xin bát nước trà. Hạ nhân cho hắn vào nhà, đun trà cho hắn.

Tên ăn mày nhìn nhìn rồi nói: “trà không ngon”.

Hạ nhân nhìn hắn có vẻ hiểu, rồi đổi một bát trà ngon khác. Tên ăn mày ngửi ngửi, nói: “trà này ngon, nhưng nước vẫn chưa được, phải dùng nước suối trong”.

Hạ nhân nhìn ra hắn cũng có chút hiểu biết, liền đi lấy nước suối cất trữ từ sáng sớm ra để pha trà. Tên ăn mày nhấp thử một ngụm, nói: “nước rất tốt, nhưng củi xao trà không được, củi phải dùng củi sau danh sơn, bởi vì củi phía đón nắng của núi chất củi xốp, còn sau núi chất củi chắc cứng”.

Hạ nhân cuối cùng nhận định người này tinh thông trà đạo, liền dùng loại củi tốt pha lại trà, rồi mời lão gia ra tiếp. Sau khi trà được mang lên, phú ông và tên ăn mày đối ẩm một bát. Tên ăn mày nói: “ừm, bát trà lần này, nước, củi, lửa đều tốt, chỉ có ấm pha trà không ổn”.

Phú ông nói: “đây là ấm pha tốt nhất của ta”.

Tên ăn mày lắc đầu, từ trong áo cẩn thận lấy ra một ấm trà bằng đất sét tử sa, yêu cầu hạ nhân dùng chiếc bình này để pha lại trà. Phú ông vừa nhấp thử mùi vị quả nhiên không tầm thường, lập tức chắp tay thi lễ với tên ăn mày: “ta xin mua lại chiếc ấm tử sa này, bao nhiêu cũng được”.

Nhưng tên ăn mày cũng rất thích chiếc ấm tử sa, nhất định không muốn bán, tên ăn mày dứt khoát trả lời: “không được, chiếc ấm này là cuộc sống của ta, ta không thể bán”. Tên ăn mày vội vàng rót trà ra, cất lại chiếc ấm.

Phú ông vội vã ngăn lại, nói: “ta đổi một nửa gia sản để lấy chiếc ấm của ngươi”.Tên ăn mày không tin, vẫn bước tiếp. Phú ông nôn nóng, nói: “ta đổi toàn bộ tài sản để lấy chiếc ấm của ngươi”. Tên ăn mày nghe vậy không tự chủ mỉm cười, nói: “nếu không phải tôi tiếc chiếc ấm này thì cũng không lâm vào bước đường như hôm nay”. Nói xong tên ăn mày quay người bỏ đi.

Phú ông sốt ruột nói: “như này đi, ấm là của ngươi, ngươi hãy ở lại nhà ta, ta ăn gì ngươi ăn đó, nhưng có một điều kiện, chính là ngày nào cũng phải cho ta nhìn chiếc ấm, thế nào ?”.

Phú ông quá thích chiếc ấm rồi vì vậy trong lúc cấp bách nghĩ ra cách đó. Tên ăn mày cũng vì miếng ăn qua ngày mà túng quẫn, chuyện tốt như vậy sao lại không đồng ý nhỉ ? Vậy là hắn vui vẻ đồng ý yêu cầu của phú ông. Cứ như vậy, tên ăn mày ở lại nhà phú ông, ăn cùng ở cùng phú ông, hai người ngày ngày nâng niu chiếc ấm trà, chia sẻ với nhau, thưởng trà ẩm rượu, vô cùng ăn ý. Cứ thế hơn mười năm qua đi hai người trở thành hai lão già tri kỷ thấu hiểu nhau.

Thời gian trôi đi, phú ông và tên ăn mày cũng dần già đi, lúc này người ta nhận ra người bạn ăn mày lớn tuổi hơn phú ông. Một hôm phú ông mới nói với người bạn ăn mày của mình: “ông không có con cháu nối dõi, không có ai kế thừa chiếc ấm trà, không bằng sau khi ông đi, để tôi giúp ông bảo quản, ông thấy thế nào ?”. Ông ăn mày rưng rưng đồng ý.

Không lâu sau, ông ăn mày thật sự ra đi, phú ông cũng được như mong muốn là có được chiếc ấm tử sa. Vừa mới đầu, phú ông chìm trong cảm giác vui sướng có được chiếc ấm tử sa, cho đến một ngày, lúc phú ông đang ngắm nghía trên dưới trước sau chiếc ấm, đột nhiên cảm thấy bản thân như thiếu thứ gì đó, lúc này trước mắt ông hiện lên hình ảnh ngày trước cùng ông ăn mày vui vẻ thưởng trà. Hiểu rõ tất cả rồi, lão phú ông lạnh lùng ném mạnh chiếc ấm xuống đất …

Câu chuyện kết thúc, kết cục có lẽ khiến người ta không ngờ được. Thật ra theo dòng thời gian, có rất nhiều thứ cũng đổi thay, tình nghĩa giữa phú ông và tên ăn mày đã vượt qua cái giá trị ban đầu của ấm trà, thứ dù có tốt đến đâu nếu không có ai cùng thưởng thức thì cũng mất đi ý nghĩa của nó, thứ đáng giá đến đâu cũng không đáng giá bằng tri kỷ. Hãy nghĩ về cuộc đời mình, thứ gì mới là quan trọng nhất trong cuộc đời bạn ? Có lẽ chính là người cùng bạn giao tâm thưởng trà.

Trong cuộc sống có được một người bạn tri kỷ là quá đủ. Đây là điều mà bao người từng trải đúc kết được. Tình tri kỷ, như một thứ ấm áp không lời, một sự đồng hành vô hình. Tri kỷ thật sự, là hiểu, là thân thiết, là đồng điệu, giống như một chén trà xanh, chan chát mà thấm vào tận trong tim. Có những khi chỉ cần một cái ôm, một ánh mắt, là hiểu tất cả mà không cần dùng đến lời nói. Có những khi chỉ cần một đoạn tin nhắn là có thể cảm động mãi sau này.

Tri kỷ, không cần che đậy, cũng không cần giải thích, tự nó đã hiểu, tự nó cảm nhận. Không cần dốc hết sức, cũng không cần chuẩn bị, tự nó sẽ đem đến niềm vui, tự nó sẽ như ý thơ. Cuộc sống có một loại tình cảm, không tác động vào thế giới mỗi người, chỉ đồng hành trong tâm hồn, không trở ngại cuộc sống mỗi người, chỉ mang cùng tiếng nói tâm hồn. Tri kỷ là thứ tình cảm vô định hình ... cái mà ta gọi là trên tình bạn, nhưng lại thi vị hơn cả tình yêu.


Bóng thời gian

(Thích Tánh Tuệ)

Không hình, không bóng, không tên
Chảy ngang trần thế dệt nên tháng ngày
Không màu, không sắc hiển bày
Xuân thì thuở nọ chiều nay bạc đầu

Thời gian, hai chữ nhiệm mầu
Là phương thuốc để quên sầu thế gian
Thời gian, hai tiếng gian nan
Nhọc nhằn nhân loại, vội vàng đến, đi

Thời gian thực sự là gì ?
Thủy chung, bạc bẽo cũng vì thời gian
Những ngày hội ngộ hân hoan
Chén mừng chưa trọn đã tàn cuộc vui

Thời gian chờ đợi, ngậm ngùi
Tháng ngày như thể thụt lùi đứng yên
Khi tâm tư nặng ưu phiền
Phút giây nghe cứ dài thêm, mỏi mòn

Thời gian trôi cuốn, dập dồn
Hỏi người ... ai biết mất còn về đâu
Thở vào, sống với lo âu
Thở ra, nghiệp quấn theo sau kiếp đời

Quyền uy, nhan sắc một thời
Thời gian thầm lặng đổi dời, phôi pha
Thoạt nhiên bóng xế chiều tà
Hư không vọng đến lời ca vô thường
Thời gian vốn chẳng vui, buồn
Nỗi niềm riêng dệt ngàn muôn sắc màu

Có người ẩn sỹ rừng sâu
Cõi lòng vô niệm qua cầu thời gian
Như mây như gió thênh thang
Thân trong trần thế, hồn tan luân hồi
Ừ mưa, nắng ... Mặc tình trôi !
Thiên thu về ngự chỗ ngồi thiên thu



“Nan đắc hồ đồ”

(Đại Kỷ Nguyên|San San biên dịch)



Được gợi ý từ một vị ẩn sĩ, Trịnh Bản Kiều đã để lại câu danh ngôn thiên cổ: “Nan đắc hồ đồ” nghĩa là rất khó để có được sự “hồ đồ” (giả ngốc).

Con người ngày nay không ai chịu chấp nhận thua thiệt và luôn có xu hướng muốn chứng minh thể hiện, luôn muốn phô bày những gì mình thông thạo, muốn tính toán chi li thiệt hơn, nên nếu có thể thực sự làm được một người hồ đồ không toan tính, mà vẫn thấy hài lòng thì mới là khó nhất. Chúng ta cùng tìm hiểu xem, vậy trí tuệ thâm sâu của người “hồ đồ” là như thế nào.

Có một cậu bé người Mỹ tên Wilson, thoạt nhìn rất khờ khạo, do đó rất nhiều người trong thị trấn thích đùa với cậu, giống như là nhân vật hề mua vui cho mọi người. Một ngày nọ, bạn cùng lớp của Wilson cầm trên tay một đồng 1 đô-la và một đồng 5 cent, rồi hỏi Wilson là chọn đồng tiền nào. Cậu bé Wilson lúc đó đã không cần suy nghĩ mà trả lời ngay: “tớ chọn đồng 5 cent”. Bạn học cười khoái trí nói: “ha ha, cậu ấy không chọn 1 đô-la mà lại chọn đồng 5 cent”. Sau đó tất cả học sinh trong trường đã lan truyền nhau chuyện cười này.

Rất nhiều người đã không tin, sao Wilson lại ngốc đến vậy, họ đã đem tiền đến trước mặt Wilson để kiểm nghiệm, nhưng lần nào cũng nhận được cùng một kết quả. Mỗi lần cậu đều nói: “tớ muốn 5 cent”. Tất cả học sinh của trường đều dùng cách này để kiểm tra và sau đó mỗi người rời đi với nụ cười của sự hài lòng. Cuối cùng, câu chuyện đã đến tai của thầy giáo. Ở trước mặt Wilson, thầy giáo hỏi: “chẳng lẽ trò không phân biệt được giá trị lớn nhỏ của đồng 1 đô-la và 5 cent sao ?”. Trò Wilson đáp: “đương nhiên là trò biết rõ ạ, nếu như trò chọn đồng 1 đô-la thì sẽ không có ai mang tiền đến để thử nữa, như vậy trò cũng không thể có nhiều đồng 5 cent như thế này”.

Người thầy nghe xong như bừng ngộ ra một đạo lý lớn. Wilson không đặt sự thông minh vào món lợi nhỏ mà suy nghĩ về cái ngốc của người thông minh. Nhiều năm sau, ông trở thành tổng thống thứ 28 của nước Mỹ.

Rất nhiều người thông minh, họ phán đoán suy nghĩ của người khác một cách nhanh chóng và không bao giờ bị mắc lừa. Họ tính toán chi li, so đo từng chút để làm sao không thua thiệt, không bị người lừa gạt. Nhưng họ lại quên câu: “thông minh quá sẽ bị thông minh hại”, bởi vì quá thông minh nên người này thường bị người khác phòng bị. Kỳ thực, thông minh cũng không phải là xấu, tuy nhiên, đôi khi trong cuộc sống lại cần chúng ta ngốc một chút mới tốt, hơn thế, làm được người thông minh giả ngốc quả không dễ dàng.

Cho nên, người xưa cho rằng người thông minh nhưng giả ngốc mới là đạo xử thế của nhà thông thái. Giả thiếu hiểu biết khiến mọi việc được tiến triển thuận lợi hơn. Biểu hiện của ngốc nghếch ở người thông minh chính là một loại trạng thái bình tĩnh, không hiểu cái đạo lý của người đại ngốc thì khó thành tựu đại sự.

Phú Bật thời Bắc Tống khi còn trẻ, ông đang đi bộ trên đường phố thành Lạc Dương thì bỗng nhiên có một người mắng chửi ông. Một người đi đường đã ghé tai Phú Bật mà nói nhỏ: “chàng trai trẻ, có người đang mắng chửi cậu kìa”, Phú Bật nghe xong liền nói: “hình như là mắng người khác đó”, người đó lại nói: “người ta còn gọi tên của cậu mà chửi đó”, Phú Bật suy nghĩ một chút rồi nói: “có lẽ là mắng người khác, rất có thể người đó trùng tên họ với tôi”. Sau đó, người mắng chửi Phú Bật nghe được phản ứng của ông nên thấy rất hổ thẹn, đến xin lỗi Phú Bật. Ngay từ khi còn trẻ, Phú Bật đã biết cái đạo của người ngốc đủ cho thấy sự thông minh cơ trí của ông.

Có vị trí giả nói, nếu như trên đường phố có người bỗng dưng mắng chửi anh ta, anh ta cũng không ngoái đầu nhìn bởi vì anh không muốn biết người mắng mình là ai. Đời người quá ngắn ngủi và quý giá, việc cần làm lại quá nhiều, sao phải vì điều khó chịu mà lãng phí thời gian ? Vị trí giả này cũng giống với Phú Bật, họ hiểu rõ cái cốt lõi của lý “làm người ngốc mới khó”.

Kỳ thực, học được trí tuệ của người đại ngốc nghĩa là không để tâm vào những chuyện vụn vặt, không muốn tìm câu trả lời đối với chuyện cỏn con, không so đo chi li, lùi một bước biển rộng trời cao. Mọi sự việc đều theo thời gian mà được làm sáng tỏ hoặc là chúng từ từ trở nên mờ nhạt, hoặc hóa giải từ từ và sẽ có được câu trả lời đúng đắn. Do đó chúng ta có thể thấy, đắc thân người đã khó, làm người hiểu biết khó, làm được người ngốc nghếch càng khó hơn. Kiếp nhân sinh khó học được cái đạo lý của giả ngốc, nhưng lại quý bởi sự khờ khạo, vui vẻ cũng bởi biết ngốc dại. Nếu như bạn hiểu được cái đạo của người giả ngốc, bạn sẽ hiểu thấu một cảnh giới khác của đại trí tuệ.

Cuộc sống nhìn từ ô cửa thiền|15|

- Lời kinh trong lòng bàn tay
- Vô Thường



“Tất cả mọi thứ trên cuộc đời đều do rất nhiều điều kiện liên kết lại mà thành, ai nhận ra được điều này sẽ đủ sức để buông bỏ những điều khó buông bỏ, đủ sức để đối diện với những thứ to lớn trong cuộc đời”.

Những sợi chỉ nhỏ, mong manh mong manh, bện lại với nhau thành sợi dây to, rồi không một đôi tay trần nào có thể bứt được nữa.

Những nỗi buồn mong manh mong manh, như khói như sương, giữ mãi trong lòng, tâm cố chấp bện chúng vào, tâm không buông bỏ nối chúng lại, thành nỗi buồn rất to, thành nỗi buồn rất dài, rồi không còn đủ sức để nhấc lên đặt xuống, không còn đủ sức để đi qua.

Người đời sợ nỗi buồn to nhưng không chịu buông bỏ nỗi buồn nhỏ nhặt, sợ nỗi buồn dài dằng dặc nhưng ngày ngày vẫn mang những nỗi buồn không đáng nối lại với nhau. Người đời thích hạnh phúc bền vững nhưng ít khi chịu gom góp những hạnh phúc giản dị bé nhỏ thường ngày.

Sợi dây lớn lên bằng cách nào, theo ngược lại cách đó làm cho bé lại. Sợi dây dài ra bằng cách nào, theo ngược lại cách đó làm cho ngắn lại. Không phải chuyện của một sớm đã thành, không phải chuyện của một chiều đã hoại. Không phải chỉ một bước chân đã đến được gần, không phải chỉ một bước chân đã đi thật xa.

Kiếp nhân sinh

- Cẩm Tâm

Thân mình trong trần thế
một đời gian nan cơ hàn
lòng người thâm sâu phũ phàng

Tham sân si bao lụy phiền còn đeo mãi
thân không chút an nhàn
đời trần ai gieo khổ sầu

Luôn chạy theo phù phiếm
lạc lầm không hay lối vàng
đạo huyền thâm sâu rưới hồn

Khi tan thân vương nghiệp sầu thì đã tắt
quay lưng kiếp tu hành
duyên còn tùy tại tâm thế nhân

Chúng sanh sống trong nơi lợi danh
không hay mình đang vướng sai lầm
thế gian bao nghiệp phần
bao tội lỗi lòng riêng mang
tránh sao qua khỏi bể khổ luân hồi

Đôi lời khuyên từ bỏ
hồng trần chỉ là cõi tạm
đường về Tây Phương sẽ tịnh
lo tu thân, mong tìm đường về Giác Chánh
tâm luôn sẽ an nhàn, niệm Di Đà Phật Ngôn Chú Bi





Những duyên lành trong cuộc sống

- Sưu tầm



- Được sinh ra trong một gia đình tử tế, đàng hoàng, trong sạch, thanh liêm.

- Được bố mẹ để lại cho của cải.

- Có sức khỏe tốt và được nuôi ăn học đến nơi đến chốn.

- Được gặp thầy hiền, bạn tốt.

- Được làm công việc chân chính (chánh nghiệp) mà mình yêu thích.

- Được làm việc trong môi trường trong lành.

- Gặp được người bạn đời chung thủy và thuận vợ thuận chồng.

- Sinh ra được những đứa con khỏe mạnh, có tư chất thông minh, hiền thảo.

- Biết đi chùa lễ Phật, biết nương tựa vào Tam Bảo (Phật - Pháp - Tăng).

- Gặp được các bậc minh sư chỉ cho con đường Chánh pháp mà tu.

- Quy tụ được các đạo hữu cùng chí hướng, mộ đạo và biết sống hòa ái, yêu thương.

- Biết làm việc phước đức, giúp người, giúp đời.

Cuộc sống vốn như con tạo xoay vần, duyên đến rồi duyên lại đi, lành hay dữ đều do từ ta mà ra cả. “Vạn sự khởi từ tâm” - nên biết điều đó. Muốn có duyên lành, hãy thận trọng trước khi gieo hạt giống.

Pháp ngữ (31)

- Hòa Thượng Tuyên Hóa



Lúc tu, điều tối trọng là đừng tranh. Nghĩa là không cùng người khác tranh chấp đúng hay sai, thật hay giả, phải hay trái.

The key

- Life quotes

Smile, it is the key that fits the lock of everybody’s heart.

╰▶ Nụ cười - đó là chiếc chìa khóa phù hợp cho mỗi trái tim đang khép kín.