- Sưu tầm
Chớ dại ngu si, chớ quá khôn
Khôn được ích mình, đừng để dại
Dại thì giữ phận, chớ tranh khôn
Khôn mà hiểm độc là khôn dại
Dại ấy hiền lành, ấy dại khôn
Chớ cậy mình khôn cười kẻ dại
Gặp thời dại cũng hoá nên khôn …
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Tôi đã từng đọc đâu đó câu nói: “Cái khôn của con người không phải tính bằng việc hơn thua bao nhiêu tuổi mà nó nhìn xoáy vào chiều sâu cảm nhận của mỗi người, cách nhìn sự việc và xử sự nơi cuộc sống. Có những kẻ sống gần trăm năm mà tưởng chừng như đã chết từ thuở lọt lòng”. Tôi không nhớ chính xác câu châm ngôn này nhưng quả thật nó ám ảnh tôi rất nhiều. Vì tôi cho rằng bất cứ ai cũng không muốn mình trở thành người dại. Nhưng để biết thế nào là “khôn” thì chẳng dễ dàng gì. Và sự ám ảnh trên không phải vì muốn thể hiện mình … “khôn”, mà cốt chỉ cố tránh sao cho đừng có “dại”, nghĩa là lại lấp lửng ở cái khoản “dại và khôn”.
Nói về Khôn Dại, Trần Tế Xương cũng có bài thơ sau:
Thế sự đua nhau nói dại khôn
Biết ai là dại, biết ai khôn ?
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn
Này kẻ nên khôn đều có dại
Làm người có dại mới nên khôn
Cái khôn ai cũng khôn là thế
Mới biết trần gian kẻ dại khôn
(Trần Tế Xương)
Khôn dại – Dại khôn cứ hư hư thực thực chẳng biết đâu mà lần. Nếu chúng ta đã sinh là con người bình thường thì tất nhiên sẽ có lúc khôn lẫn dại. Chỉ mong sao mình biết khôn đúng nơi và dại đúng chỗ là được. “Khôn nghề cờ bạc là khôn dại – Dại chốn văn chương ấy dại khôn”, há đúng là bậc tiền bối dạy chí phải: “Mấy kẻ quá khôn thường giả dại|Mấy người còn dại cứ làm khôn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét