V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Sự tích hoa Quỳnh, cây Giao

(Sưu tầm)

Cây Quỳnh - Cành Giao chắc hẳn ai cũng đã từng biết đến, một loài thì không có cành chỉ có lá, một loài thì không có lá chỉ có cành. Đó là một sự bổ sung hoàn hảo cho nhau. Và không ít người thắc mắc tại sao cây Quỳnh và cây Giao phải được trồng cùng nhau ? Trồng vậy để làm gì ? Cả hai cây này đều thuộc họ Xương Rồng. Cây Quỳnh thì thân cũng là lá, nên không có cành. Cây Giao không có lá, chỉ có cành (thực ra lá của nó giống như cành vậy), nên nếu trồng xen với nhau tạo nên một sự bổ sung hoàn hảo, đủ cành đủ lá … Đó là một loài hoa tình yêu, thể hiện tình yêu mãnh liệt, mãi mãi bên nhau.

Ngày xưa, ngày xửa, khi mà định luật di truyền còn chưa kịp ra đời. Nhưng truyền thuyết tình yêu thì đã có. Nghe đâu là vào thời Tùy Dương – khoảng vào năm 600. Bên xứ sở Đại Quốc xa xôi. Ở một xóm nhỏ nghèo nọ, gần một trường làng nhỏ, có một bà mẹ goá chuyên bán hàng ăn sáng cho những nho sinh nghèo. Sáng sáng, các nho sinh đi ngang qua, ghé vào mua một nắm xôi hay là gói bắp non đồ trộn vừng thơm phức. Vừa là để có ăn, vừa là để giúp cho bà mẹ goá có thêm chút tiền, một mình nuôi ba đứa con thơ có chồng mới chết trong chiến trận.

Có một số nho sinh ghé lại mua quà còn có một lý do đặc biệt khác. Bởi là bà mẹ đó có một cô con gái tên là Quỳnh, năm nay cô vừa tròn 15 tuổi. Vào thời đó, con gái ở độ tuổi ấy phần lớn là đã có gia đình. Hoặc ít ra là cũng đính ước với ai rồi. Nhưng Quỳnh thì chưa. Vì người thì chê nhà cô nghèo không môn đăng hộ đối. Người mà đem lòng yêu cô, mến cô thực sự thì lại quá nghèo, đến nỗi không sắm nổi một cơi trầu để đến dạm hỏi. Cho nên Quỳnh đành ở vậy, sớm sớm giúp mẹ ra bán gánh hàng để nuôi hai em khôn lớn.

Quỳnh thùy mị nết na, lại đẹp rực rỡ nhất vùng. Nên ai cũng mến và thương cô. Khi Quỳnh nở nụ cười thì đoá trà mi lấp loá dưới ánh trăng. Khi cô buồn thì như một bông hồng khẽ ngậm sương long lanh trong nắng sớm. Ai mua gì, nói gì, đồng tình hay phật ý thì Quỳnh đều nhún người, nghiêng mình ba cái rồi lặng lẽ rút lui. Tuyệt đối không để mất lòng ai bao giờ. Những nắm xôi, gói bắp hong của cô trao cho các chàng nho sinh, bao giờ cũng thơm và ngon hơn của người mẹ. Do đó hôm nào mà Quỳnh vắng mặt, y như là gánh hàng bị ế, phải gánh trở về gần quá nửa.

Trong nhóm nho sinh, có một anh chàng trai tên là Giao. Chàng Giao thanh tú học giỏi, lại lịch thiệp. Nhưng nhà chàng cũng nghèo, hơn nữa mãi lo đèn sách nên chưa tính chuyện thành thân với ai. Ngày ngày, chàng đi qua đó, cũng vào mua một đồng xôi ăn sáng như những nho sinh khác. Chàng cứ đứng ngẩn ngơ nhìn Quỳnh mà chưa biết làm sao. Một hôm, Quỳnh đang mãi xới xôi cho một nho sinh, khi ngẩng lên thì chợt bắt gặp ánh mắt si mê đang nhìn mình đắm đuối của chàng. Linh cảm của người con gái mách bảo với Quỳnh rằng: “chàng đang yêu nàng”. Quỳnh cũng đáp lại ánh mắt, tình cảm đó bằng nụ cười duyên dáng, rồi khẽ nghiêng mình ba cái như thường ngày, ngỏ ý chào chàng. Khuôn mặt của Quỳnh bỗng ửng hồng rạng rỡ chưa từng thấy khiến chàng trai càng si tình, đắm đuối nhiều hơn. Chàng tự hứa với mình là phải gắng học, thi đỗ làm quan để về hỏi Quỳnh làm vợ. Quỳnh cũng hiểu ý và chỉ chờ chàng ngõ ý, là thuận tình ngay thôi.

Nhưng oái oăm thay, sự đời không như ý muốn. Trong toán học sinh đó, có một nho sinh vốn là con quan phụ mẫu của vùng. Nó đã có vợ, nhưng còn si mê Quỳnh lắm. Quỳnh biết và nàng cố tình lánh mặt nó. Nó cậy thế mình là con quan, nên muốn gì là phải được nấy. Nó chủ ý chiếm đoạt nàng để về làm vợ lẽ. Ngày đêm, nó gạ gẫm tò tè với Quỳnh, nhưng không được thiện tình của nàng đáp trả. Mặc dù nàng cũng không bao giờ tỏ ra bất nhã trước con quan. Nó bực lắm, quyết chí chiếm đoạt Quỳnh cho bằng được. Lợi dụng chức sắc, quyền lực của ông bố, nó cho người đem nhiều vàng bạc châu báu sang nhà để hỏi nàng làm vợ nhưng Quỳnh và bà mẹ đã khôn ngoan từ chối:

- Bẩm vâng, được quan bác và cậu ấm đây quan tâm, chú ý thì mẹ con tôi lấy làm vui lắm. Nhưng để có trước có sau, mong quan bác cứ đem lễ vật về, chờ cho ba mùa bắp tới thì hãy sang, chưa hẳn trễ, bởi vì cháu là con gái đầu lòng, nên phải chịu tang bố thêm một thời gian nữa.

Biết là từ chối khéo, dùng kế trì hoãn, nhưng hai mẹ con chỉ mong sao chàng Giao kia hãy mau mau đem lễ vật đến hỏi, thế là xong. Nhưng phần vì lo học, phần vì quá nghèo, chàng Giao cứ sáng sáng đứng nhìn ngây người mà không dám nói nên lời thề ước. Đã bao lần khi trao nắm xôi, hơi ấm khẽ run run lướt qua dưới đôi bàn tay mềm mại vội vàng, của cặp uyên ương hiểu ý nhưng chưa kịp ngỏ lời, khiến trái tim chàng Giao càng thêm xao xuyến, ngây ngất muôn phần. Hồn Quỳnh cũng như tỉnh như mê. Tình trong thì đã rõ nhưng ngoài còn e. Thế rồi, cuối cùng ngày thi cũng tới. Giao đã kịp nói lời hẹn ước với Quỳnh trước khi lên đường về kinh dự kỳ thi.

Chàng đi, đi mãi, ba năm đã trôi qua, mà không hề có một bóng nhạn, tin câu báo về. Nghe đâu, chàng đã trúng kỳ ứng thí và đã được bổ nhiệm làm quan nơi đất xa vời vợi. Cũng có thể là Giao đã quên Quỳnh và đã lấy vợ sinh con. Nhà của chàng nho sinh con quan lại đem lễ vật sang dạm hỏi. Lần này thì không thể từ chối được. Nhưng Quỳnh không thể làm vợ bé của một tên con quan vốn học dốt, hợm hĩnh, chuyên đem tiền ra để đo tình cảm. Nàng xin phép mẹ được cạo đầu lên chùa đi tu.

Trớ trêu lại dồn trớ trêu. Khi nàng vừa lên chùa chưa được mấy tháng thì bỗng chàng Giao với mũ áo kim khôi, mình ngồi ngựa ô xuất hiện ở cổng làng. Việc đầu tiên là chàng hỏi thăm người con gái năm xưa đã từng trao cho chàng những gói xôi bắp nóng hổi, nhưng người ta cho biết là nàng đã lên chùa. Chàng bỗng đau buồn thẫn thờ, oán trách cho số phận. Thì ra, hơn ba năm ấy Giao chưa hề lấy vợ. Mà chàng phải tuân chỉ vua về ngay đất phương Nam, làm quan trị thủy của một vùng quê khốn khó, hay bị thủy thần hãm hại. Công việc xong xuôi, vua ban thưởng cho chàng nhiều châu báu, ngọc ngà. Nhưng chàng không nhận, mà chỉ đem ra cứu đói cho dân trong vùng, như là lộc của vua ban cho dân nghèo vậy. Hoàng đế nghe tin cảm động lắm, cho vời Giao vào triều để yết kiến. Lúc ấy, có người mới bẩm báo:

- Muôn tâu Hoàng Thượng. Quan Phủ xứ này tuân chỉ của Thượng Hoàng, mải miết ba năm nay đem hết sức mình giúp cho dân nghèo lấy lại cuộc sống bình an. u cũng là muốn đem hết ân đức của Hoàng Thượng trang trải cho muôn dân cùng hưởng phúc lộc. Nhưng bản thân quan phủ chưa một lần vinh quy bái tổ, thăm lại mẹ già nơi xa xôi hẻo lánh ạ.

Thế là Vua liền cấp ngựa, xe cho chàng Giao về quê thăm mẹ. Chàng Giao nghe người ta kể lại sự tình liền lên chùa để tìm Quỳnh. Trên chùa ngày ngày, Quỳnh chăm chỉ tụng kinh gõ mõ mà không nguôi được tình cảm da diết trong lòng. Không sao quên được hình bóng chàng nho sinh nghèo ngày xưa. Vì chờ đợi đã quá lâu, Quỳnh bỗng nhiên héo úa. Sắc đẹp phai tàn, thân hình tiều tụy, đôi mắt mờ đục trong hương khói và tuyệt vọng. Làn da và nụ cười xinh tươi không bao giờ trở lại trên gương mặt nàng được nữa. Nhà chùa cũng không thể để nàng rời chùa được vì nàng đã cắt đứt mọi duyên nợ với trần đời. Biết có chàng Giao đến thăm mình mà nàng không dám và cũng không thể ra gặp mặt. Vì khi gặp lại chắc chắn chàng sẽ không chịu nổi khi thấy bộ dạng tiều tụy của mình, hơn nữa, quy ước của nhà chùa lúc bấy giờ là như vậy. Đã đi tu là không được nói chuyện với người khác giới. Khi Giao ra về, tiếng tụng kinh gõ mõ đều đều cứ bám theo chàng mãi mãi không dứt. Chàng cũng không thể gì mà quên được hình bóng của người yêu. Nên thỉnh thoảng lại lấy cớ lên chùa để tìm cách gặp Quỳnh.

Oái oăm thay, nếu vắng bóng của Giao thì Quỳnh bình tâm thư thản tụng kinh gõ mõ, nhưng khi bóng chàng cứ chập chờn xuất hiện trong tâm trí, thì nàng trở nên bi tình, suy lụy. Nàng không thể ăn uống được gì, ngoài cố gắng quên tất cả sự đời, dồn tất cả tâm huyết vào tiếng kinh, tiếng mõ. Nhưng chuyện tình, muốn quên đâu phải là dễ. Quỳnh đâm ra lụy tình mà chết khô chết héo. Nhà chùa cảm động trước hành động, tình cảm của nàng. Họ đem xác nàng thiêu thành tro, để thổi hồn vào một bức tượng đồng trinh. Một dúm tro tàn bay ra, rơi xuống bãi đất trống trước cổng chùa. Vài hôm sau, người ta thấy chỗ đó mọc lên một loài cây, có lá mà không có cành. Đúng lúc nửa đêm, sương rơi, gió khẽ, cây bỗng rung rung ba cái, nghiêng mình nở ra một bông hoa, trắng muốt ngọc ngà, đưa hương thơm phức. Đặc điểm của cây đó là chỉ nở hoa vào đúng nửa đêm và tìm chỗ sỏi đá khô cằn cỗi ít nước nhất để mọc, luôn nhường phần màu mỡ, tốt tươi cho các loài cây khác. Và cũng chỉ có một loài bướm duy nhất mới biết chính xác giờ hoa nở mà đến hút mật. Đó là bướm quỳnh.

Chàng Giao, sau hàng chục lần lên chùa mà không sao tìm được Quỳnh thì cũng trở nên bi lụy. Chàng trở về thẩn thờ không ăn không uống rồi cũng bị bệnh tương tư mà chết. Chỗ nấm mồ chàng bỗng mọc lên một loài cây có cành mà không có lá, nhưng cứ xanh tươi hoài hoài dưới nắng ban trưa. Người ta đem cây đó về trồng bên cạnh cây Quỳnh, thì Quỳnh bỗng tựa vào thân cây đó vươn lên tươi tốt, nở hoa, như thể là cành được chắp thêm lá. Từ đó nhân dân có tục trồng Quỳnh cạnh Giao là nghĩa đó.

Bông hoa Quỳnh vẫn giữ nguyên vẻ khiêm nhường như xưa. Khi hé nở, bao giờ hoa cũng nhún mình nghiêng nghiêng rung lên xuống ba lần, như để nghinh đón ai đó đã chịu khó thức đêm để ngắm vẻ đẹp thầm kín độc đáo của nàng. Cánh hoa cong, trắng nõn nà, nhụy hoa điểm xuyết màu vàng, hương hoa thơm phảng phất. Dưới ánh trăng thanh, gió rung rung khẽ, lặng lẽ mà đẹp làm sao. Hoa Quỳnh chỉ nở về đêm. Những ai có lòng ái mộ, thực sự quý trọng vẻ đẹp tinh khôi, trong trắng, dịu dàng của hoa mới được thưởng thức mà thôi. Hoa Quỳnh chỉ thoáng hương trong chốc lát ngắn ngủi, khi vầng dương hé rạng, hoa hạ mình xuống, để nhường lại không gian và những tia sáng lung linh cho muôn hoa khác khoe sắc, đưa hương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét