V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Danh ngôn (94)

- La Rochefoucauld



Có ba loại dốt nát là không biết những gì mình phải biết, biết không rành những gì mình biết, và biết những gì mình không nên biết.

Chiếc ô thiền

- Thích Tánh Tuệ



Con về trời đổ mưa to
Thầy trao con một chiếc ô che đầu
Con không cần trả lại đâu
Giữ mà che lúc dãi dầu nắng sương

Ô này tên gọi Tình Thương
Che con trước những nhiễu nhương cuộc đời
Trước bao thuận nghịch, đổi dời
Hàng ngày đối diện vẫn cười an nhiên

Không nghe, không nói, không nhìn
Thật ra chỉ được bình yên nhất thời
Khéo tu, con bỏ ... “cái Tôi”
Là ô che mát ... mọi nơi an nhàn

Thị phi, phải trái ngoài đàng
Vẫn nghe như gió ... qua màn lưới giăng
Lòng mình vẫn sáng như trăng
Vì buông thành kiến, biệt phân mọi điều

Mưa và nắng cách bao nhiêu ?
Buồn và vui bởi ... ghét yêu chập chùng
Tình đời giông tố, bão bùng
Chiếc ô hỷ xả ... con dùng để che

Đi về, vững bước, con nghe
Ô là ... bóng mát Bồ-đề tặng con

Đỉnh cao của nghệ thuật

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương XXV, Thích Nhất Hạnh

Con đường này Bụt đã từng đi. Người đi thong thả và ngắm nhìn cảnh vật. Trời gần trưa, người ghé khất thực ở một xóm ven đường, rồi người mang bát đi vào một khu rừng yên tĩnh gần đó để thọ trai. Thọ trai xong, Bụt đi kinh hành trong rừng và sau đó Người tìm một gốc cây im mát ngồi xuống để tĩnh tọa. Được sống trở lại một mình trong rừng, Bụt rất hoan hỷ. Người ngồi tĩnh tọa được hồi lâu thì thấy một đám thanh niên đi ngang. Đây chắc là những thanh niên con nhà khá giả, bởi vì người nào cũng ăn mặc tươm tất sạch sẽ. Họ vào khoảng ba mươi người. Nhiều người cầm nhạc cụ trong tay. Thấy Bụt, họ ngưng lại, thanh niên đi đầu cúi chào và hỏi Người:

- Sa-môn, ông có thấy một cô gái mới chạy ngang qua đây không ?

Bụt hỏi lại:

- Các bạn tìm cô gái ấy để làm gì ?

Người thanh niên kể lại đầu đuôi câu chuyện. Bọn họ đều là dân thành phố Banarasi. Họ vào rừng này từ sáng để tổ chức một cuộc vui. Họ có đem theo nhiều nhạc cụ và một cô vũ nữ. Sau khi đàn hát, múa nhảy và ăn uống, cả bọn đều tìm chốn ngã lưng để ngủ trưa. Trong khi mọi người ngủ trưa, cô gái đã đánh cắp một số những đồ châu báu trang sức của bọn con trai và bỏ đi mất. Các chàng trai thức dậy thấy thế rủ nhau đi lùng bắt cô gái.

Bụt nhìn các chàng trai và trầm tĩnh nói:

- Này các bạn, trong giờ phút này các bạn nên đi tìm cô gái hay là nên đi tìm chính các bạn ?

Các cậu con trai ngạc nhiên. Phong thái của ông thầy tu đã đặc biệt mà câu hỏi của ông ta cũng đặc biệt. Câu hỏi đó làm các cậu giật mình. Họ rủ nhau ngồi xuống, vây quanh Bụt. Chàng trai đầu đàn nói:

- Bạch sa-môn, có lẽ chúng con nên đi tìm chúng con trước.

Bụt nói:

- Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại, nhưng tâm ta ít khi chịu an trú trong giây phút hiện tại. Tâm ta hay ưa trở về quá khứ hoặc vọng đến tương lai. Ta cứ tưởng ta là ta, nhưng quả thực ta chưa hề thực sự tiếp xúc ta với ta, bởi vì tâm ta cứ rong ruổi chạy theo những ảo ảnh của quá khứ và của vị lai. Chỉ có một phương cách duy nhất để tiếp xúc với sự sống đích thực, đó là trở về với giây phút hiện tại. Nếu các em biết trở về với giây phút hiện tại thì các em trở nên tỉnh thức, và lúc đó các em mới có cơ hội tìm được các em. Các em hãy nhìn những đọt lá xanh và ánh sáng mặt trời đang lọc qua những đọt lá ấy. Các em đã từng có dịp thật sự ngắm nhìn màu xanh của lá cây trong trạng thái trầm lặng và tỉnh thức của tâm tư chưa, màu xanh ấy là một khía cạnh vi diệu của sự sống. Nếu các em chưa bao giờ thực sự nhìn màu xanh ấy thì bây gìờ đây các em hãy thử nhìn đi.

Các chàng thanh niên yên lặng. Theo ngón tay trỏ của Bụt, họ ngước nhìn những ngọn lá xanh đang run nhẹ dưới làn gió thoảng của buổi trưa hè. Một lát sau, Bụt quay lại với chàng trẻ tuổi ngồi gần bên Người và nói:

- Em có ống sáo, vậy em hãy thổi sáo đi.

Chàng thanh niên hơi ngạc nhiên một chút, nhưng cũng lấy sáo ra. Ngồi lại ngay ngắn, anh ta đưa sống sáo lên thổi. Mọi người lắng nghe. Tiếng sáo đượm buồn như tiếng than khóc của một cuộc tình duyên lỡ dỡ. Trong khi anh thổi sáo, mắt Bụt không rời khỏi anh. Khúc sáo chấm dứt. Rừng trưa đượm buồn. Mọi người im lặng, Bụt cũng im lặng. Bỗng nhiên người thanh niên thổi sáo quay lại, cầm đưa ống sáo cho Bụt:

- Sa-môn, ngài thổi sáo đi.

Bụt mỉm cười. Tất cả các chàng trai đều cười rộ. Ai cũng cho anh chàng là ngộ nghĩnh. Đã có ai đưa ống sáo để bảo một vị sa-môn thổi bao giờ. Nhưng Bụt đã đưa hai tay tiếp nhận ống sáo. Mọi người đều nhìn về vị sa-môn, sự tò mò trong mỗi người được kích thích. Bụt thở những hơi thở thật dài và thật nhẹ, rồi người nâng ống sáo lên ngang miệng. Hình ảnh người con trai thổi sáo năm xưa trong vườn Thượng Uyển thành Kapilavatthu hiện ra trong Bụt. Đó là một đêm trăng. Đó là bà Maha Pajapati ngồi trên ghế đá đang im lặng lắng nghe. Đó là Yasodhara với đỉnh trầm thơm mới đổi. Bụt bắt đầu thổi sáo.

Tiếng sáo nhẹ như một làn khói nhỏ lơ lửng và nhẹ nhàng đi lên từ một mái tranh nghèo nào đó ở ngoại thành Kapilavatthu trong giờ nấu cơm chiều. Rồi làn khói bỗng nhiên tỏa rộng trên không gian như một đám mây. Đột nhiên đám mây bến hình thành một đóa hoa sen ngàn cánh, mỗi cánh hoa một màu sắc khác nhau lấp lánh trong ánh nắng chiều. Đột nhiên một người thổi sáo biến thành một ngàn người thổi sáo, tất cả những mầu nhiệm của vũ trụ đều được chế biến thành âm thanh, âm thanh muôn màu muôn sắc, âm thanh khi thì nhẹ như gió thoảng, khi thì mau như tiếng mưa rào, khi thì trong như tiếng hạc, khi thì đậm đà như tiếng ru con, khi thì sáng rỡ như ngọc lưu ly, khi thì hùng vĩ như tiếng hải triều, khi thì im lặng như nụ cười của người đã thoát ly được sự hơn thua còn mất.

Chim chóc trong rừng đã im hơi lặng tiếng và gió chiều cũng đang thổi rì rào trong lá. Rừng được bao phủ bởi một không gian thanh tịnh, an lạc và nhiệm mầu. Tất cả các chàng thanh niên ngồi bên Bụt đều trở nên tỉnh táo một cách kỳ lạ. Họ hoàn toàn sống giây trong phút hiện tại, tiếng sáo đưa họ về với những mầu nhiệm của giây phút hiện tại. Họ có rừng cây, họ có Bụt, họ có tiếng sáo, họ có nhạc, họ có bản thân họ. Tiếng sáo đã chấm dứt, nhưng tiếng sáo vẫn còn, không có chàng thanh niên nào nghĩ tới cô vũ nữ và những châu ngọc bị đánh cắp. Họ ngồi yên lặng rất lâu. Cuối cùng chàng thanh niên thổi sáo lên tiếng hỏi Bụt:

- Sa-môn, thầy thổi sáo thật hay, con chưa bao giờ nghe ai thổi sáo diệu kỳ như vậy. Thầy đã học với ai ? Con có thể theo thầy để học thổi sáo được không ?

Bụt mỉm cười:

- Hồi nhỏ, tôi đã học thổi sáo, nhưng bảy năm nay tôi không có dịp thổi. Đây là lần thứ nhất tôi thổi sáo trở lại sau bảy năm, nhưng tiếng sáo bây giờ lại có chất liệu hơn tiếng sáo ngày trước.

- Tại sao thế, thưa sa-môn ? Tại sao sau bảy năm không tập dượt mà tiếng sáo thầy lại hay hơn ?

- Thổi sáo hay không phải là chỉ do tập dượt nhiều. Sở dĩ tôi thổi được hay hơn ngày xưa là tại vì tôi đã tìm được chính tôi. Nghĩa là tôi đã tìm ra được đạo giác ngộ. Em không thể đạt được tới chỗ tuyệt vời của nghệ thuật nếu em không lên tới được chỗ tuyệt cùng của tâm linh. Vì vậy nếu em muốn thổi sáo hay thì em phải tu học theo con đường tỉnh thức.

Rồi Bụt bắt đầu giảng cho các chàng thanh niên về đạo giác ngộ, về bốn sự thật và con đường Bát Chánh. Ba mươi người thanh niên nghe Người giảng đều được tỏ ngộ. Tất cả đều quỳ xuống tỏ ý xin làm môn đệ xuất gia của Người. Bụt vui lòng làm lễ xuất gia họ ngay tại chỗ, và bảo ba mươi chàng thanh niên tìm ngay về vườn lộc Uyển để gặp đại đức Kondanna, Ngưòi dặn họ trình bày tự sự với thầy Kondanna và xin thầy cho cạo bỏ râu tóc, khoác áo khất sĩ và thọ lãnh những lời chỉ dẫn tu học. Người bảo trong một tương lai gần họ sẽ được gặp lại Người.

Đêm ấy, Bụt nghỉ trong rừng. Sáng hôm sau, người vượt sông Hằng, rồi theo bờ sông đi về phương Đông, Người dự định sẽ ghé thăm bọn trẻ tại thôn Uruvela, trước khi đi về Rajagaha gặp vua Bimbisara theo lời hứa cũ.

Sống hết mình khi còn có thể

- Trích: “GIẤC MƠ SINH TỬ”|H.T Thích Quảng Độ

Cuộc đời như một giấc mơ
Tỉnh ra mái tóc bạc phơ trên đầu
Tuyệt mù xanh thẳm ngàn dâu
Gió tung cát bụi tìm đâu lối về

○●○ Hãy sống hết mình khi còn có thể, hãy làm những gì có ý nghĩa cho cuộc sống này, và hãy trao trọn yêu thương cho những ai mình yêu thương và những ai yêu thương mình, bởi có thể một ngày nào đó cơ hội dành cho chính mình là không nhiều hoặc sẽ không còn cơ hội để làm những gì mình muốn.



Vợ chồng đến với nhau vì duyên, con cái sinh ra là “phước” nhưng lại là “nợ”

- Theo Letu|My My



Tại sao trong người ta lại nói rằng vợ chồng đến với nhau là duyên còn con cái là nợ ? Không có duyên không lấy, không có nợ không đến ?

Trong kinh Phật có nói, người đàn ông và phụ nữ làm gì ở thế giới này là do nhân duyên mà đến. Hai người không có duyên thì sẽ không đến được với nhau, không có nợ thì sẽ không đến cùng với nhau. Làm phụ nữ, hầu hết đều có phần oán trách chồng, trường hợp không oán hận chồng chút nào là rất ít. Người đàn ông có thể nói, vợ tôi trách tôi, tôi thậm chí còn không biết. Thông thường, khi yêu càng nhiều thì hận sẽ càng nhiều.

Tại sao phụ nữ hay phàn nàn nhiều hơn ? Bởi vì người phụ nữ kể từ khi kết hôn, đã đặt toàn bộ tâm lẫn thân trọn đời trao gửi cho người đàn ông mà mình yêu. Sau khi đã thành gia thất, vì tình yêu đối với gia đình mình mà không ngừng chăm chỉ làm việc. Kết quả, người chồng không nói được những lời động viên nào. Thậm chí, có nhiều người chồng không bao giờ nói được một lời tốt đẹp nào đối với vợ trong cả cuộc đời. Họ chưa bao giờ nói được một câu: “Vợ à, em đã vất vả rồi !”

Một số phụ nữ thậm chí sau một ngày làm việc vất vả, chỉ muốn người chồng động viên nói một câu dễ nghe, nên đã nói với chồng: “Anh ơi, hôm nay em làm nhiều nên cảm thấy mệt mỏi quá”. Chẳng ngờ người chồng liền buông một câu: “Ai mà chẳng phải làm việc để sống, cô mệt mỏi, thế người ta thì không mệt mỏi đấy ?”

Chỉ một câu nói nhưng đã khiến người vợ cảm thấy rất tổn thương và tủi thân, sau khi trở về phòng không thể ngăn được những giọt nước mắt chỉ chực tuôn rơi. Trong lòng bao suy tư ngổn ngang: Thực sự khiến mình tức chết lên được, sao mình lại có thể lấy một người như thế làm chồng ? Đến một câu nói dễ nghe cũng không thể nói được. Mình vốn chỉ muốn tìm sự an ủi, không phải kiếm lý do để lười làm việc, cuối cùng kết quả lại bị làm cho tức không chịu nổi. Phải kết hôn với một người như vậy thật sự buồn quá. Nếu không phải gặp phải một người đàn ông cứng đầu thì là một người đàn ông ham chơi, người phụ nữ chắc chắn sẽ cảm thấy tức giận và uất ức thường xuyên.

Thực ra, đời trước bạn nợ anh ấy, do đó kiếp này mới phải kết hôn với anh ấy. Hôm nay sao bạn lại kết hôn với anh í mà lại không phải là anh khác ? Đó là bởi vì bạn nợ anh í, vì vậy không có nợ thì sẽ không đến đòi, không có duyên thì không đến được với nhau. Một số người nói: “Bạn không thể nói như vậy, nếu như nói tôi nợ chồng tôi, chồng tôi vốn đối với tôi không tốt, nếu giờ anh í biết được tôi nợ anh ấy, khi về nhà không chừng anh ấy còn có thể đánh tôi cũng nên ?”...

Hay có người khác lại nói rằng: “Tôi không nợ chồng tôi, và anh ấy đối xử với tôi rất tốt”, người đàn ông cũng có thể nợ người phụ nữ. Không có nợ, họ sẽ không là một gia đình. Còn có người đàn ông đã nói với người phụ nữ, em lấy anh, các việc nhà sau này như giặt quần áo, nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa anh sẽ làm hết, em không phải động vào thứ gì cả. Chỉ cần em đồng ý lấy anh, anh đều bằng lòng hết. Thậm chí người phụ nữ sau khi kết hôn đã bỏ đi mất, sau đó lại quay trở về, người đàn ông vẫn mong muốn người vợ trở về nhà. Đây không phải là nợ người khác rồi sao ? Hầu hết chỉ đơn giản là phụ nữ thường nợ người đàn ông. Vậy làm thế nào để trả nợ ?

Có người vợ mắng chồng: “Sao tôi lại kết hôn với một người yếu đuối như anh, làm cái gì cũng không xong ?”. Gặp người hàng xóm thì lại chỉ trích chồng mình, gặp người bạn học cũ cũng trách móc chồng mình, không những thế còn kể lể về những điểm không tốt của chồng. Rằng họ đã khiến mình phải bận rộn, kiệt sức thế nào. Nhưng khi bạn hiểu được những gì chúng tôi muốn đề cập đến, chúng tôi tin rằng bạn sẽ ngừng than vãn về nửa còn lại của mình. Nếu bạn thực sự kết hôn với một người chồng yếu nhược, thì đó là do kiếp trước, anh ấy đã vì bạn mà tiêu hao quá nhiều sức lực. Đến hôm nay, bạn nên bồi thường cho anh ấy. Đây không phải là bạn kém may mắn, đó là vì trong kiếp sống trước đây bạn đã trồng nhân như vậy, hôm nay mới có kết quả thế này. Kiếp trước những nghiệp bạn tạo nên, thì đời này bạn đều phải tự chịu lấy.

Bởi vì khi bạn chịu đựng, thì có thể giải quyết và kết thúc cái nghiệp này. Vì vậy bạn hãy về nhà và bình tĩnh chịu đựng. Bắt đầu từ ngày hôm nay, hãy ngừng oán trách, anh ấy là do kiếp sống trước đó bạn còn nợ anh ấy nhiều, vì vậy bạn sẽ phải chịu đựng trong cuộc sống này. Một số người còn không ngừng oán trách nguyền rủa người chồng hay vợ trong suốt nửa cuộc đời, thậm chí còn lôi cả tổ tiên của người ta mà chửi, cho đến bây giờ họ vẫn bị đau đầu mà không biết lý do tại sao. Gần như ngày ngày đều phải uống thuốc, đã biến thành tủ thuốc di động. Bạn nghĩ xem có phải lão tổ tông nhà người ta đã sống ở trên đầu họ rồi chăng, liệu họ có biết được không. Dù có uống bao nhiêu loại thuốc cũng không thể khỏi được.

Người phụ nữ kết hôn với một người chồng như thế nào, đó đều là định mệnh của bạn. Ngày hôm nay bạn gặp bất kỳ ai, họ đều có trong vận mệnh của bạn, đó đều là những nhân được tạo nên từ các kiếp trước, hôm nay mới tạo thành quả như này. Hãy nhận hoá đơn này, kiếp trước đã nợ anh ấy rồi, kiếp này mới kết hôn với anh ta. Nếu chồng bạn là người rất tốt, bạn nói bạn không nợ anh ấy, vậy thì bạn sẽ nợ mẹ của anh ấy. Mẹ chồng nàng dâu kiếp này gặp nhau không hoà thuận, đó đều là vì chủ nợ và con nợ trong nghiệp báo quá khứ gặp lại nhau. Có mẹ chồng không hiểu nổi và nói: “Tôi vì con trai mà mất bao nhiêu tiền, mới lấy được vợ cho nó, kết quả, con dâu lại đối xử không tốt đối với tôi, thật khiến tôi tức chết lên được. Thật là xui xẻo”. Thật ra không phải là bạn xúi quẩy, đó chính là bạn dùng tiền của bạn để mua nghiệp báo của chủ nợ.

Không phải xúi quẩy, kiếp trước bạn không phải không có nhân duyên với con dâu, thì cô ấy sẽ tuyệt đối không thể gả vào nhà của bạn. Đó là cô ấy tức giận bạn à, chính là nhân mà bạn trồng, bạn không có một nhân duyên kiếp trước với cô ấy, thì đời này sẽ không có quả này. Những anh, chị, em ruột với nhau trở mặt thành thù cũng đều có nguyên nhân, rất nhiều đều có quan hệ nhân quả trong đó. Không có nợ không đến, không có oán trách không lấy nhau được. Tại sao có nhiều gia tộc lớn cùng chung sống với nhau rất hòa thuận ? Đều rất khách khí với nhau ? Đó là vì họ đã kết thiện duyên, do đó họ đã đến với nhau trong đời này.

Nhưng nhất định không được uất ức. Bạn gặp bất kỳ ai, đó đều là do duyên phận. Hãy nhận lấy hoá đơn đó, hạ tâm mình xuống. Làm một người phụ nữ, bạn không được khúm núm, cũng không được hoa chân múa tay. Cần hiểu là kiếp trước nợ anh ấy, kiếp này mới phải lấy anh ấy. Cũng đừng có suốt ngày chỉ cằn nhằn la rầy người khác, suốt những năm qua, bạn có biết là chồng và con bạn đã phải chịu rất nhiều tủi thân không ? Bởi vì tính khí bạn quá cương, nên họ không có ngày nào được thoải mái. Bạn vừa gặp họ là chửi mắng, soi mói, bới móc, họ thật sự chưa bao giờ cảm nhận thấy sự ấm áp từ bạn, bạn cũng chưa hề tỏ ra vui vẻ với họ một phút giây nào.

Đã đến lúc phải tỉnh ngộ, những người đến bên cạnh chúng ta, có người là đến thu hồi nợ, có người là đến để trả nợ, có người báo đáp ân tình, cũng có người đến báo oán, đều là những người hữu duyên. Một số đứa trẻ lúc còn nhỏ thường xuyên bị mắc bệnh, khiến cuộc sống của bạn trở nên khốn khổ, hay chúng rất nổi loạn bất trị, đánh cha mắng mẹ, những đứa con như vậy đều là kiếp trước bạn đã nợ chúng một mạng. Do đó kiếp này đến để đòi lại món nợ này. Nếu như kiếp trước bạn lừa người khác quá nhiều tiền, vậy thì kiếp này nhất định đổi thành họ sẽ trở thành con cái của bạn, đến để thu nợ. Một số đứa trẻ từ nhỏ thường phải đi khám bệnh, tiền của gia đình toàn bộ phải chi trả những khoản viện phí này. Đến khi lớn lên, đứa con còn không biết hiếu thuận với cha mẹ, những đứa trẻ như thế này, bạn đều không thể hận chúng được, không thể ghét mà chỉ có thể dùng tình yêu hay sự từ bi để đối đãi với chúng, bởi vì kiếp trước bạn nợ chúng quá nhiều.

Vì vậy hãy ngừng la mắng, nếu không, những nghiệp nợ trước đây còn chưa trả được, lại thêm thù hận và oán trách đời này, thì đó chính là: “nghiệp cũ chưa qua, nghiệp mới đã tới”. Kiếp này bạn không muốn trả, vậy thì kiếp tới, cả vốn lẫn lãi, bạn vẫn bị bắt phải trả món nợ này. Hãy tự cứu mình, hoá giải các oán duyên, hãy đối xử thiện đãi với mỗi một người bên cạnh bạn, những người đó đều kết duyên với bạn. Đức Phật đã từng nói chúng sanh đều là bình đẳng. Chồng của bạn không phải là tài sản riêng của bạn, chỉ là kiếp trước có một đoạn nhân duyên với bạn, kiếp này đến với bạn để kết đoạn nhân duyên đó. Con cái của bạn cũng không phải là tài sản sở hữu cá nhân của bạn, họ cũng là những chúng sinh, chỉ có điều, kiếp trước họ còn thiếu nợ bạn, đến để trả lại hoá đơn nợ này. Cũng có thể kiếp trước bạn nợ chúng, kiếp này đến để trả nợ. Vẫn là do nhân duyên dẫn dắt.

Bạn cần phải dùng tình yêu càng lớn hơn để đối xử với mọi người, âm thầm nỗ lực cống hiến. Sau khi về nhà, chúng ta cần làm tốt mọi việc trong và ngoài nhà, không một lời kêu ca. Bởi vì khi chúng ta phàn nàn hay oán trách người khác, cũng chính là làm hại bản thân. Ai trong chúng ta cũng không thể thoát khỏi luân hồi, vẫn còn phải đi kết duyên. Nếu như hôm nay bạn đã hiểu ra, hiểu được tất cả các chúng sinh đều đến để kết duyên, vậy thì bạn càng phải đối xử tốt với họ, dùng sự từ bi của mình để đối xử với họ, giúp cho những người quanh ta có một cuộc sống tốt mỗi ngày, cả một đời đều cần phải dùng thiện niệm đối đãi họ, khiến họ được vui vẻ hạnh phúc, thì chính bạn đã kết những quả đẹp rồi.

Time is ...

- Henry van Dyke



Time is too slow for those who wait, too swift for those who fear, too long for those who grieve, too short for those who rejoice, but for those who love, time is eternity.

╰▶▶▶ Thời gian trôi quá chậm đối với ai đang chờ đợi, trôi nhanh đối với ai sợ hãi, quá dài đối với ai phiền não, quá ngắn đối với ai hân hoan, nhưng đối với kẻ đang yêu, thời gian là vĩnh cửu.

Vô lượng ân tình

- Thích Tánh Tuệ



Tạ ơn Mẹ cho con dòng sữa ngọt
Tình bao la như lượng của đất trời
Dạy con sống cho đi hơn là nhận
Biết thương người còn bất hạnh, đơn côi

Tạ ơn Cha đã cho con cuộc sống
Lúc vỗ về, khi giáo huấn nghiêm minh
Tình Cha đó, tựa sơn hà cao rộng
Con trưởng thành trong đức độ, hy sinh

Tạ ơn anh “đời trai vì sông núi”
Quên gian lao cho tổ quốc thanh bình
Quê hương đẹp, lúa hai mùa phơi phới
Và làng thôn yên giấc, sống an ninh

Tạ ơn em đã sớm chiều bên Mẹ
Lo cho Cha chân yếu buổi hao gầy
Vừa may vá, chăm một bầy thơ trẻ
Chuyện trong ngoài quán xuyến một bàn tay

Tạ ơn Trời đã cho bầu dưỡng khí
Cho muôn sinh hơi thở sống trong lành
Cho mưa nắng mùa màng thêm đẹp ý
Bừng trăng sao đêm vũ trụ long lanh

Tạ ơn Đất cho muôn loài cư ngụ
Cho rừng xanh, sông suối, lá hoa ngàn
Như tình Mẹ ấp ôm từng trái nụ
Có bao giờ mong đáp trả, hỏi han

Tạ ơn Nước cho làn da xán lạn
Giọt Cam Lồ mầu nhiệm Đức Quan Âm
Giả dụ nước bỗng một ngày khô cạn
Sự sống lìa, ai tính chuyện trăm năm ?

Tạ ơn Hoa đã vì đời tươi nở
Ơn con đường rạng rỡ ánh dương soi
Tạ ơn chim hót bên hè phố chợ
Giữa bôn ba cơm áo ... chợt môi cười

Ôi vô lượng, ôi ơn đời vô lượng !
Mà một lần sao nói hết “Tạ ơn !”
Bao hạnh phúc ... chỉ cần ta nhận diện
Hạt bụi này ơn vũ trụ, giang sơn

Xin lặng lẽ dập đầu chân Đức Phật
Nén nghẹn ngào dâng một chút tâm hương
Tạ ơn Phật đã mang về Chân Lý
Đưa nhân sinh qua bóng tối đêm trường

Tạ ơn Đạo. Tạ ơn Đời, tất cả ...
Ơn vạn loài chan chứa một Tình Thương


“Ong” lợi ích, đừng là “Ruồi” nguy hại

- Thích Viên Thành



Hãy là “ong” chiêu cảm nhiều nét đẹp
Góp nhụy hoa tạo mật ngọt cho đời
An nhiên bay thong thả khắp muôn nơi
Đem ích lợi ít khi nào tác hại

Đừng là “ruồi” thấy phân là bu lại
Mang hôi dơ truyền nhiễm đến cho người
Chỉ thấy xấu việc dơ bẩn thì bươi
Gây thiệt hại hơn là điều lợi ích

Tâm ta tốt là “ong” mọi người thích
Luôn chiêu cảm điều tốt đẹp cho mình
Giúp cho ta cuộc sống mãi an khinh
Tâm an tịnh tạo hòa bình nhân loại

Tâm ta xấu là “ruồi” làm băng hoại
Những tâm thanh an tịnh cũng tiêu tan
Chuyện thị phi vẫn cứ mãi luận bàn
Chỉ thấy xấu tránh xa chân thiện mỹ

Là con Phật điều hay nên tùy hỷ
Cùng sẻ chia những tốt đẹp cho nhau
Nếu là “ong” cần mẫn tạo nhân giàu
“Ruồi” xâm nhập biến ta thành phế phẩm

Nên là “ong” hay “ruồi” ta suy gẫm !
Sống an nhiên tự tại sẽ như “ong”
Ham lợi danh là “ruồi” chính thống dòng
Tâm ta tốt sẽ “cảm chiêu” điều tốt

Thiền trong cuộc sống hằng ngày

- Hằng Như

Vấn đề này tôi đã hơn một lần viết về, cụ thể nhất là trong entry “CHÁNH NIỆM - nghệ thuật sống tỉnh thức”, nhiều lần trao đổi với những người bạn đồng hành trên con đường thực tập và luôn luôn nhắc mình trong mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có người thắc mắc rằng, cả núi công việc cần giải quyết mỗi ngày, mệt mỏi rồi, làm sao mà thiền ? Mới đây, một người hỏi tôi, làm thế nào để có thể hành thiền trong cuộc sống hằng ngày khi bắt tay vào việc là ta bị công việc cuốn đi và không còn làm chủ mình được nữa.

Khi nói “thiền trong cuộc sống hằng ngày”, ta nên hiểu thiền ở đây là sự duy trì chánh niệm, tỉnh giác nơi thân và tâm trong các hoạt động đời thường của mình chứ không chỉ chánh niệm trên đề mục ta chọn, như hơi thở chẳng hạn, trong các thời thực hành thiền tập (tôi tạm gọi những thời khóa thực hành ‘chính quy’ này là thiền-trên-bồ-đoàn). Tất nhiên, thiền trong cuộc sống đời thường không thể thực hành dễ dàng bằng ý niệm, hiểu biết, tư duy và suy luận về chánh niệm, mà là kết quả của một quá trình kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiểu biết và thực hành thường xuyên về kỹ năng sống trong chánh niệm.

Với những người thực hành thiền, ai cũng biết bố trí thời gian để có thời khóa thực hành vào một thời điểm cố định thuận lợi nào đó tùy vào lịch trình sinh hoạt của mỗi người, tại một nơi yên tĩnh cố định, chú tâm trên một đề mục nhất định và ổn định, thực hành thường xuyên mỗi ngày. Thiền-trên-bồ-đoàn là một việc làm trở thành một phần trong cuộc sống của người tu thiền. Thế nhưng, với người sống cuộc sống gia đình với nhiều bổn phận trách nhiệm cần chu toàn, không ai có thể dành hầu hết thời gian mình có trong ngày cho hoạt động này. Thông thường, ta chỉ có thể dành khoảng ba mươi phút đến một tiếng để thực hành thiền mỗi ngày theo cách này. Thời gian còn lại trong ngày thì sao ?

Sẽ mãi là “thực hành thiền” mà không bao giờ có thể “sống thiền” nếu chúng ta khu biệt, chia ngăn, tạo ranh giới rạch ròi giữa thời gian thực hành thiền và thời gian còn lại trong ngày, khi tâm an tịnh trong khi ngồi thiền mất đi nhanh chóng, thay vào đó là sự hỗn độn, mệt mỏi, nặng nề của tâm thức khi đối mặt với khối công việc cần phải giải quyết hằng ngày. Thực hành thiền như vậy là chưa có kết quả, dù rằng trong thời gian thực hành, bạn có thể có chánh niệm và an tịnh. Điều quan trọng là lưu dẫn năng lượng an tịnh, kỹ năng chú tâm trong hiện tại mà chúng ta có được trong lúc thiền-trên-bồ-đoàn vào tất cả các hoạt động, hành vi, cử chỉ và sự hành hoạt của tâm trong mọi lúc, mọi nơi suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Hãy để dấu ấn an tịnh và tỉnh thức nâng cao chất lượng cuộc sống tình cảm, tinh thần và tâm linh của mình trong thời gian không-thực-hành-thiền thì thiền-trên-bồ-đoàn mới có thể phát huy tác dụng của nó được. Khi ăn, chúng ta đưa thức ăn vào không chỉ để đầy dạ dày, mà mục đích là biến thức ăn này thành năng lượng lưu dẫn đến từng tế bào khắp cơ thể để nuôi chúng.

Công việc hằng ngày thì đa dạng, như làm việc, đi mua sắm, đi chơi với người thân, đi họp hội, lái xe, làm việc nhà, nấu ăn, rửa chén bát, giặt đồ … có khi đến cuối ngày ta không thể nhớ hết và đếm xuể những công việc ta đã làm trong ngày. Nếu chỉ xem thiền-trên-bồ-đoàn mới là thực hành thiền, thì những sinh hoạt đời thường này bị xem là những trở ngại cho quá trình thực hành thiền này. Người có quan niệm này cho rằng, để có thể thực hành sự chú tâm tốt, ta phải bớt đi những công việc thường ngày này càng nhiều càng tốt, vì chính chúng làm cho chúng ta loạn tâm và gây trì trệ trên con đường thực hành. Liệu khi không tham gia các loại công việc này, tâm ta có thể bình lặng và sáng suốt hơn không, hay lại loạn động hơn ? Thực tế thì không hẳn như vậy.

Khi thiền-trên-bồ-đoàn, ta làm việc với hơi thở, ta có thể an tịnh với sự trú tâm vào đề mục này, và nhờ vậy, khả năng chánh niệm của chúng ta phát triển. Tại sao ta không có cách nhìn tương tự như vậy đối với các công việc thường ngày ? Nếu xem mỗi công việc hằng ngày là một cơ hội để thực hành sự chú tâm và trụ tâm, thì nhiều công việc tạo nên nguồn đề mục phong phú, đa dạng cho chúng ta thực hành mới phải, cần gì phải giảm đi những công việc này mới có thể chú tâm ? Điều quan trọng là làm lắng đọng tâm thức, là kỹ năng chú tâm và khả năng duy trì sự chú tâm một cách thường xuyên, chứ không phải hơi thở hay bất cứ công việc nào khác ta làm. Tất cả đều là phương tiện để thông qua đó, ta làm việc với cái tâm, an tịnh tâm để tâm có khả năng phát ra ánh sáng trí tuệ. Để những hoạt động thường ngày của mình đượm chất thiền khi ta suy nghĩ, nói và hành động trong an tịnh và chánh niệm, ta phải kiên trì duy trì sự thực hành xuyên suốt thời gian.

Với cách này, ta không chỉ sử dụng hơi thở để thực hành, mà bất cứ hoạt động nào của mình cũng có thể thành đề mục thiền quán, một khi chúng ta biết chú tâm và trụ tâm trên hoạt động ấy. Với cách thực hành này, sự thực hành thiền của chúng ta rất phong phú, không nhàm chán và luôn sinh động. Một khi sống và thực hành thường xuyên như vậy, tu như chơi, làm như ở không, ta thấy cuộc sống nhẹ nhàng, tâm hồn thơ thới mà không hề bị áp lực rằng, “ngày nay, tôi bận quá mà không thực hành thiền được” khi thấy mình không thể thiền-trên-bồ-đoàn. Sống với tâm an tịnh và chánh niệm, đưa tất cả mọi hoạt động của thân-miệng-ý vào vùng ý thức, chúng ta thấy cuộc sống này thật nhiệm mầu và đời sống của chúng ta thật nhiều ý nghĩa. Chỉ những ai đang thực hành và có được chút ít lợi ích từ sự thực hành chánh niệm trong cuộc sống hằng ngày mới cảm nhận được điều này vậy.

Danh ngôn (93)

- Epicure



Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn, đó là niềm hạnh phúc thật của con người.

CÁI TÔI - điều nghiệt ngã nhất của kiếp nhân sinh

- Sưu tầm

Bản ngã là “thế giới của cái tôi” và nó chẳng đời nào chấp nhận “thế giới chẳng phải tôi”, chính nơi đây là nguồn căn, cội rễ đã đưa đến đối kháng và mâu thuẫn, sự mâu thuẫn này là nguyên nhân tạo tác đại bi kịch của kiếp nhân sinh …

Thực chất của bản ngã là hay phóng chiếu “thế giới của nó” ra bên ngoài, hình ảnh mà nó cảm nhận được chỉ là sự phản chiếu chính nó lên trên thực tại ngoại giới. Do đó, thực tại mà nó cảm nhận chẳng qua là một thực tại “méo mó”, chưa bao giờ nó “trực nhận” một thực tại chính xác như ngoại giới “đang là”.

Chuyện ngụ ngôn kể rằng: “có một anh chàng nọ, một hôm bị mất đồ, kiếm mãi trong nhà mà chẳng thấy nên tâm trạng rất buồn rầu, anh sanh tâm nghi ngờ đủ thứ. Do tâm trạng không vui nên khi ra ngoài thấy những người hàng xóm của mình ai nấy đều có tướng ăn trộm hết. Bỗng một hôm, anh tình cờ tìm thấy món đồ mà mình tưởng đã mất, từ đó về sau, anh thấy hàng xóm của mình ai nấy cũng đều có tướng thiện lương cả …”

“Tình yêu bấy lâu ngủ say trong đáy tim vươn mình lên và gây bạo động”, đây là lúc “thế giới của cái tôi” xác lập hình ảnh “cái của nó” lên ngoại giới và thực thi “giấc mộng bá quyền”. Nói cách khác, bản ngã đã định vị được đối tượng nó yêu và rắp tâm đòi quyền chiếm hữu. Ngay đây điệp khúc tình yêu bắt đầu vang vọng trên mọi cung bậc, hạnh phúc lẫn khổ đau, vừa yêu vừa hận, nửa thích thú nửa nhàm chán, lúc đam mê lúc lại hờ hững, lúc muốn bỏ đi lúc lại quyến luyến chẳng rời, nửa như thân thương nửa như xa lạ, vừa đắm say vừa bất mãn, lúc muốn quên đi nhưng lại nhớ mãi ... Thế nên nhạc sĩ họ Trịnh đã than thở “tình ngỡ đã quên đi nhưng tình bỗng lại về, người ngỡ đã xa xăm nhưng người vẫn quanh đây …”

Trong tình yêu, “cái tôi” luôn chới với giữa “mộng” và “thực”, giữa “thế giới của cái tôi” và “thế giới chẳng phải tôi”, do bản chất của “cái tôi” luôn phóng chiếu ra bên ngoài tìm cầu chính “nó” (đặc tính ảo tưởng hóa cuộc đời) và thực tại ngoại giới lại là tấm gương phản chiếu “thế giới ảo giác của cái tôi” nhưng ngoại giới lại thuộc về “thế giới chẳng phải tôi”. Đó chính là điều nghiệt ngã nhất của kiếp nhân sinh. Do đó trong tình yêu, vừa đam mê lại vừa bất mãn, vừa yêu thương lại vừa đau khổ ... Những cơn sóng ảo giác nổi lên cuồn cuộn hòa quyện nơi biển thực tại mênh mông đã vùi dập cuốn phăng đi “cái tôi” nhỏ bé đáng tội nghiệp và suýt nữa nhấn chìm nó. Ngay đây cái tôi đã tự lừa dối chính nó, vì giữa mộng và thực luôn có khoảng cách, cái bên trong và cái bên ngoài có đời nào giống nhau đâu, ảo giác và hiện thực chẳng thể nào rung cảm trên cùng một tần số, “thế giới của cái tôi” có bao giờ chấp nhận “thế giới chẳng phải tôi”. Đó là sự đối kháng, mâu thuẫn giữa “cái tôi” và “cái chẳng phải tôi”, từ đây đã dẫn đến đại bi kịch của kiếp nhân sinh. Tình yêu muôn đời vẫn là cuộc chiến tranh kéo dài bất tận không đoạn kết, vì nơi đó không có kẻ thắng và người bại.

Chúng ta thường không nhận ra được “Cái Tôi cao” ở bản thân mình. Bởi:

- Chúng ta chỉ công nhận, lắng nghe, thấy vui khi được người khác nói về những cái tốt, thế mạnh của mình. Nhưng chúng ta lơ là, không suy nghĩ, thậm chí đôi khi là khó chịu khi nghe thấy những điểm yếu, khuyết điểm của mình.

- Chúng ta chỉ nhìn thấy những cái mình có mà không biết đến những gì mình còn khiếm khuyết. Nói cách khác là tự thỏa mãn với chính mình.

- Chúng ta luôn nhìn thấy kết quả mọi thứ mình làm tốt hơn người khác, không ai bằng mình.

- Chúng ta luôn nhìn thấy mọi thứ của mình là tốt nhất, và không ai có những thứ ấy tốt hơn mình.

- Chúng ta không thể lắng nghe được những điều người khác nói và suy ngẫm về nó.

- Chúng ta không sẵn sàng chấp nhận (đón nhận) sự thay đổi, ngay cả khi biết nó đúng.

- Chúng ta không sẵn sàng nghiên cứu, học hỏi. Sự học hỏi ở đây, không chỉ là học hỏi kiến thức có liên quan đến công việc chuyên môn, mà là nhìn và học hỏi ở những người xung quanh, với những điều bản thân mình chưa có, không có.

Một người leo lên nấc thang danh vọng, địa vị càng cao, thì cái tôi mà họ vác trên vai dường như càng nặng. Con người mưu cầu danh vọng, địa vị, tình yêu ... vì nghĩ những điều này mang lại cho họ hạnh phúc, nhưng cái tôi đã khiến họ trở nên cô đơn, trống vắng mặc dù sở hữu được trong tay những điều trên.

Keep love in your heart

- Oscar Wilde



Keep love in your heart. A life without it is like a sunless garden when the flowers are dead. The consciousness of loving and being loved brings a warmth and a richness to life that nothing else can bring. Who, being loved, is poor ?

╰▶▶▶ Hãy giữ tình yêu thương trong trái tim của chúng ta. Một cuộc sống mà không có yêu thương giống như khu vườn không có ánh mặt trời khi những bông hoa đã chết. Ý thức của yêu thương và được yêu thương mang lại sự ấm áp và phong phú cho cuộc sống mà không có gì khác có thể mang lại. Ai, được yêu thương lại là người nghèo ?

Cuộc đời này, còn sống chính là thắng lợi

- Theo Secretchina
- Mai Trà biên dịch



Trong cuộc đời này, còn sống chính là thắng lợi, kiếm tiền chính là trò chơi, khỏe mạnh mới là điều cần thiết, vui vẻ hạnh phúc là điều mọi người mong ước nhưng khi kết thúc sinh mệnh, được trở về nơi tốt đẹp mới là mục đích. Dưới đây là mười câu nói giúp người đọc hiểu đạo lý nhân sinh và cũng là những câu nói giúp người đọc có sự lựa chọn đúng đắn trong cuộc đời của mình.

 1. Giữa người với người chính là một loại nhân duyên. Giữa tâm với tâm chính là một loại giao lưu chia sẻ. Giữa tình yêu thương và tình yêu thương chính là một loại cảm tình. Giữa tình cảm với tình cảm chính là một loại thật lòng, thật dạ. Giữa sai lầm, tội lỗi với sai lầm, cần một loại tha thứ.

 2. Giữa người với người, phải trao cho nhau tình yêu thương đồng loại, phải vui với việc giúp đỡ người khác. Bởi vì, khi bạn tặng hoa hồng cho người khác, trên tay bạn sẽ còn lưu lại hương thơm. Yêu thương người khác kỳ thực chính là yêu thương mình. Hãy đem tình yêu thương của mình để sưởi ấm trái tim của người khác, lúc ấy bạn chính là những tia nắng ấm áp của mặt trời.

 3. Thế gian quá rộng lớn mà lòng người lại quá phức tạp, sao có thể không găp phải tiểu nhân ? Cõi hồng trần rất thâm sâu mà người trần lại ưa thích những điều hào nhoáng, phù hoa, sao có thể không gặp chuyện phiền lòng ? Nghĩ phải đơn giản một chút bởi vì sống trên đời phải thích ứng với mọi hoàn cảnh. Coi nhẹ một chút bởi vì trên đỉnh đầu còn có một bầu trời xanh.

 4. Phải biết trân quý người bên cạnh mình bởi vì mỗi một thời, một khắc ở nhân gian càng ngày càng ít đi, cuối cùng còn phải chia lìa. Không cần tranh giành, không cần đấu khí, tranh hơn thua, vui vẻ trò chuyện để hiểu nhau mới là quan trọng. Phải biết trân quý người đối xử tốt với mình, bởi vì một khi đã đánh mất đi rồi thì tìm đâu cũng không được lại nữa.

 5. Cuộc sống đơn giản mới là cuộc sống hạnh phúc. Đời người gặp được sự tình gì cũng không nên nghĩ phức tạp. Tâm linh một khi nặng thì sống cũng mệt mỏi. Nên bỏ đi những ký ức không tốt đẹp trong trí nhớ, sống một cuộc sống vui tươi, an hòa cùng mọi người.

 6. Sống trên đời cũng đừng quá so đo tính toán. Cổ ngữ nói: “Trăm sự do tâm khởi, nụ cười giải ngàn sầu”. Tâm tính tốt là người bạn tốt nhất trong cuộc đời, nó khiến người ta sống sung sướng, thoải mái và bình an, khỏe mạnh.

 7. Người đến khi có tuổi nhất định phải để tâm được thanh thản. Ít một chút giận dữ, nhiều một chút rảnh rang, “thân vội nhưng tâm nhàn” là những điều không dễ dàng đạt được. Nhưng “thân vội mà tâm cũng vội” thì tất sẽ sinh ra loạn.

 8. Chẳng phải người ta vẫn nói “biết đủ thường vui” sao ? Sở dĩ người ta vui là bởi vì cái tâm không bị vướng bận, tuy rằng của cải vật chất không quá nhiều. Tâm lượng sung túc, rộng lớn chính là tài phú thực sự của đời người.

 9. Con người còn sống ngày nào thì ngày ấy chính là phúc khí. Đời người ngắn ngủi, không cần phải nuối tiếc những việc đã qua. Mặt trời lặn, mặt trời lại mọc, buồn thì một ngày cũng trôi qua, vui thì một ngày cũng trôi qua, cho nên, đừng để tâm vào những chuyện quá vụn vặt, nhỏ nhoi. Hãy để tâm được thoải mái thì thân thể mới thoải mái.

 10. Con người sống trên đời, kỳ thực cũng không cần nhiều thứ lắm, chỉ cần sống khỏe mạnh, chân thành yêu thương mọi người thì đó vẫn được coi là một cuộc sống giàu có, sung túc. Cuộc đời này, còn sống chính là thắng lợi, kiếm tiền chính là trò chơi, khỏe mạnh mới là điều cần thiết, vui vẻ hạnh phúc là điều mọi người mong ước nhưng được trở về nơi tốt đẹp mới là mục đích.

Tháp cổ trăng ngà

- Thích Tánh Tuệ



Trăng lên bên Tháp Cổ
Huyền hoặc ánh trăng ngà
Loài chim đêm cánh vỗ
Về phương trời xa xa

Cội Bồ Đề lặng lẽ
Dưới nắng khuya âm thầm
Mùi trầm hương nhè nhẹ
Tiếng côn trùng vọng âm

Đêm sâu về quá khứ
Dáng một người ngồi đây
Sương khuya mềm vai phủ
Vầng Giác Ngộ hiển bày

Một mình trong cuộc mộng
Tỉnh thức giữa đời say
Rồi tay Người mở rộng
Ôm trần gian vơi đầy

Trăng nay là nhân chứng
Soi bóng Người nghìn xưa
Cội Bồ Đề vẫn đứng
Lá rơi vàng lưa thưa

Trăng về thăm Tháp Cổ
Đến, đi chẳng ngại ngần
Người xa xăm từ độ
Con về ... tìm trong tâm

Đừng (13)

- Marc(Thủy Nguyệt dịch)



Nhiều thứ chúng ta mong mỏi có được có giá đắt. Nhưng sự thật là, những gì thực sự khiến chúng ta hài lòng lại hoàn toàn miễn phí – đó là tình yêu, là tiếng cười, và là những giây phút miệt mài theo đuổi đam mê của mình. ╰▶ ĐỪNG CỐ CÔNG MUA HẠNH PHÚC

HỌC

- Sưu tầm



Hãy học hạnh của ĐẤT
… chấp nhận và thứ tha.

Hãy học hạnh của GIÓ
… mang mùi hương đi xa.

Hãy học hạnh của NƯỚC
… cuốn trôi đi tất cả.

Hãy học hạnh của MƯA
… gieo những hạt từ hòa.

Hãy học hạnh của LỬA
… ôm vào lòng chuyển hóa.

Hãy học hạnh của M Y
… chẳng nơi đâu là nhà.

Danh ngôn (92)

- Mạnh Tử



Lấy sức mạnh để phục người thì người không tâm phục thật sự đâu, mà là vì sức không đủ chống lại đó thôi. Còn lấy đức để phục người thì trong lòng người vui mà nghe theo thật sự vậy.

Hãy đi như những con người tự do

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương XXIV, Thích Nhất Hạnh



Tin Yasa đi xuất gia bắt đầu được loan truyền trong giới bạn hữu của chàng. Bốn người bạn thân nhất của Yasa là Vimala, Subahu, Punnaji và Gavampati, một hôm rủ nhau tìm tới vườn Lộc Uyển. Trên đường đi, Subahu nói:

- Nếu Yasa chịu đi tu, thì ông thầy của Yasa phải là một người rất giỏi và giáo pháp của ông ta phải là một giáo pháp thâm diệu. Tôi biết Yasa ít phục ai lắm.

Vimala trả lời:

- Không chắc như thế, có thể là Yasa bốc đồng đi tu một thời gian mà thôi. Sáu tháng hay một năm sau anh chàng hoàn tục cũng chưa biết chừng.

Gavampati nói:

- Anh Vimala coi thường Yasa quá. Tôi thấy tánh Yasa trầm lặng và anh ta thường suy nghĩ chín chắn lắm.

Bốn người vào gặp Yasa. Yasa đem các bạn mình tới giới thiệu với Bụt. Yasa bạch:

- Lạy Bụt, bốn người bạn này của con đều là những người tốt. Xin Bụt đem lòng thương mở mắt cho họ thấy được con đường giải thoát.

Bụt ngồi nói chuyện với bọn trẻ. Vimala ban đầu còn có vẻ hồ nghi nhưng càng nghe Bụt nói chàng càng thấy thấm. Cuối cùng Vimala đề nghị với các bạn xin Bụt cho cả bốn chàng xuất gia theo Yasa.

Bốn chàng trai trẻ quỳ xuống chắp tay cầu Bụt để được xuất gia. Thấy cả bốn người đều nhiệt thành và thiết tha, Bụt ưng thuận. Người giao cả bốn chàng cho khất sĩ Kondanna dạy dỗ. Bạn bè cũ của vị khất sĩ Yasa đông có tới hàng trăm người. Tin Yasa và bốn người bạn thân đi tu chẳng mấy chốc mà đã được truyền ra khắp chốn. Hơn một trăm hai chục người đã tập hợp về nhà của Yasa và cùng rủ nhau đến vườn Lộc Uyển để thăm hỏi. Họ đều là những người trai trẻ, tuổi từ hai mươi tới ba mươi. Đó là vào một buổi sáng đẹp trời. Nghe tin họ đến thăm, khất sĩ Yasa ra đón họ tận ngoài cổng. Thầy thuật cho họ trường hợp đi xuất gia của mình và nói với họ về Bụt. Cuối cùng, thầy đưa tất cả một trăm hai mươi người bạn vào yết kiến người.

Một trăm hai mươi người trẻ vây quanh, Bụt bắt đầu nói chuyện về con đường thánh thiện, có khả năng đưa tới sự diệt khổ và đem lại an lạc. Người kể sơ lược về thân thế và hành trình tìm đạo của người, và nói đến chí nguyện cứu người giúp đời của tuổi trẻ. Một trăm hai mươi người trai trẻ ngồi nghe Bụt một cách say mê. Cuối cùng, năm mươi người trong đám đông đó xin phép được ở lại xuất gia tu đạo. Trong số bảy mươi chàng thanh niên còn lại, có nhiều người cũng muốn xuất gia, nhưng họ còn kẹt bổn phận gia đình, người thì có cha, người thì có mẹ, người thì có vợ và con. Yasa thỉnh Bụt chấp nhận lời thỉnh cầu của năm mươi người bạn. Bụt bằng lòng. Rất sung sướng, Yasa bạch với thầy:

- Ngày mai, con xin Bụt cho con được về nhà con để khất thực. Con sẽ có dịp nói chuyện với song thân con về việc cúng dường y mới và bát mới cho những vị tân khất sĩ.

Tại vườn Lộc Uyển, từ hôm đó ngoài Bụt đã có cả thảy sáu mươi vị khất sĩ. Bụt ở lại vườn Lộc Uyển thêm ba tháng nữa để dạy dỗ và hướng dẫn đại chúng xuất gia. Trong thời gian ấy hàng trăm vị cư sĩ đã đến vườn Nai để xin Bụt chấp nhận cho làm đệ tử cư sĩ. Bụt dạy các vị khất sĩ về phép quán niệm hơi thở, quán niệm về thân thể, về cảm giác, về tri giác, về tâm ý và về đối tượng của tâm ý. Người cũng dạy phương pháp quán chiếu tự tính duyên khởi của vạn hữu trong thế giới hiện tượng.

Phép duyên khởi là một phép quán rất quan trọng trong công trình tu tập. Vạn vật nương vào nhau để phát hiện, tồn tại rồi ẩn diệt, chính vì nương vào nhau nên mọi vật mới có thể có mặt, và vì vậy trong cái một, có cái tất cả, và cái tất cả cũng không thể có mặt nếu cái một không có mặt. Phép quán duyên khởi này là cánh cửa, do đó người tu thoát được ra khỏi sinh tử. Phép quán duyên khởi cũng có công năng phá trừ những định kiến lâu đời như định kiến vũ trụ đã được một nguyên do đầu tiên sinh khởi, dù nguyên do đó là một vị thần linh hay là một chất liệu làm căn bản cho hiện hữu như đất, nước, lửa hay là không khí.

Với tình thương, với ý thức trách nhiệm của một bậc thầy, cũng như của một anh cả, Bụt chăm sóc và dạy dỗ sáu mươi vị khất sĩ một cách tận tình. Người lại giao phó cho năm người đệ tử đầu trách nhiệm dìu dắt các vị khất sĩ mới học. Kondanna dìu dắt hai mươi vị. Bốn người khác, Bhaddiya, Vappa, Mahana và Assaji, mỗi người dìu dắt mười vị. Đại chúng bước những bước rất vững và mạnh trên con đường tu học.

Khi thấy phần lớn các vị khất sĩ dưới sự hướng dẫn của mình đã có được bản chất và tư cách của những người hành đạo, Bụt tập hợp đại chúng và nói:

- Các vị khất sĩ, xin hãy nghe tôi nói. Chúng ta là những con người tự do, không vướng bận và không bị ràng buộc vào bất cứ một cái gì. Quý vị đã biết đường đi. Quý vị hãy tinh tiến dũng mãnh bước trên con đường ấy. Quý vị có thể rời khuôn viên Lộc Uyển. Hãy đi như những con người tự do để mang ánh sáng của đạo tỉnh thức đến tận những chốn hang hố thẳm. Đi để gieo rắc hạt giống giải thoát và giác ngộ. Đi để đem an lạc đến cho con người. Quý vị hãy dạy đạo lý giải thoát, nền đạo lý đẹp đẽ từ đầu đến cuối, từ hình thức cho đến nội dung. Nhân gian sẽ thừa hưởng được công trình hoằng pháp của quý vị, còn tôi, tôi cũng sẽ lên đường. Trong ít lâu nữa, tôi sẽ đi về phương Đông. Tôi muốn về thăm cội bồ đề và các em bé ở thôn Uruvela, và sau đó tôi sẽ về thăm một người bạn tri kỷ ở Rajagaha.

Các vị khất sĩ nghe theo lời Bụt dạy. Một số lớn khoác y và mang bát lên đường hành hóa. Chỉ còn mươi thầy ở lại vườn Lộc Uyển với Bụt. Nhưng từ mấy tháng nay, tại hai vương quốc Kasi và Magadha, nhiều người đã nghe nói tới Bụt và các đệ tử của người. Họ nghe nói có một vị hoàng tử dòng họ Sakya đi tu đã thành đạo và đang giảng dạy tại vườn Lộc Uyển gần thành Baranasi. Nghe tin này nhiều vị sa-môn từng tu tập lâu ngày mà chưa đạt ngộ được gì rất lấy làm phấn khởi. Từ nhiều địa phương khác nhau họ tìm về Isipatana. Nhìều người đã sung sướng được nghe Bụt thuyết pháp và đã phát nguyện sống đời xuất gia dưới sự chỉ dạy của người. Các vị khất sĩ học trò của Bụt đi hoằng hóa mọi nơi cũng đã bắt đầu đưa về vườn Lộc Uyển rất nhiều thanh niên muốn được xuất gia. Số lượng học trò xuất gia của Bụt vì vậy lại tăng lên rất chóng. Một hôm, Bụt tập hợp đại chúng lại. Người nói:

- Các vị khất sĩ ! Tôi nghĩ rằng tôi không cần trực tiếp làm lễ thọ giới xuất gia cho tất cả những ai muốn sống đời sống phạm hạnh theo con đường tỉnh thức. Nếu bất cứ ai muốn xuất gia đều phải về vườn Lộc Uyển gặp tôi, thì điều đó sẽ gây ra nhiều bất tiện. Điều bất tiện thứ nhất là các thầy phải bỏ dỡ công việc hoằng hóa để đưa người giới tử về tận đây. Điều bất tiện thứ hai là người giới tử không được thọ giới ngay tại chỗ cư trú của mình với sự có mặt của bạn bè và những người thân thuộc, trái lại phải đi đường dài có khi mất cả mười mấy ngày mới tới được đây. Điều bất tiện thứ ba là tôi bị bắt buộc ở tại đây mãi mãi. Tôi cũng là một con người tự do như quý vị, và tôi cũng muốn được tự do đi đâu thì tùy ý tôi. Vì vậy tôi nghĩ rằng các thầy có thể làm lễ truyền giới xuất gia cho những giới tử nào hợp đủ điều kiện, và làm lễ ngay tại địa phương hành đạo của mình.

Đại đức Kondanna đứng lên chắp tay:

- Lạy Bụt, như vậy thì xin Bụt dạy cho chúng con phương pháp làm lễ xuất gia cho người phát tâm tu học để chúng con có thể làm lấy khi trường hợp xảy ra.

Bụt nói:

- Thì quý vị đã từng thấy tôi làm lễ xuất gia cho nhiều người rồi. Quý vị cũng có thể làm như thế.

Vị khất sĩ Assaji đứng dậy trình bày:

- Lạy Bụt, nhân cách của Bụt rất lớn, thành ra người không cần phải có nghi thức rườm rà, nhưng đối với chúng con, một nghi thức tối thiểu để sử dụng trong lúc làm xuất gia rất là cần thiết. Sư huynh Kondanna, xin sư huynh đề nghị một nghi thức đi. Có Bụt ở đây, người sẽ chỉ dạy cho chúng ta thêm.

Khất sĩ Kondanna im lặng một lát để suy nghĩ, rồi ông lên tiếng:

- Lạy Bụt, theo con thì việc trước tiên là phải cho người giới tử cạo sạch râu tóc. Sau đó, giới tử được dạy cho cách mặc áo ca-sa. Khi mặc ca-sa vào rồi, giới tử phải vạch trần vai bên phải ra theo nghi lễ và quỳ xuống trước mặt vị khất sĩ truyền giới. Vị khất sĩ này bây giờ là đại diện cho Bụt, vì vậy, giới tử quỳ xuống dưới chân người là phải. Chắp tay lại thành búp sen, giới tử đọc: “con nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời này. Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết. Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những nguyện sống cuộc đời tỉnh thức”, lặp lại ba lần như vậy thì giới tử trở nên một vị khất sĩ trong giáo đoàn của Bụt. Lạy Bụt, con mạo muội đề nghị như thế, không biết con có phạm vào lầm lỗi nào không ?

Bụt dạy:

- Nghi thức thầy đề nghị hay lắm. Vậy tôi xin xác định với đại chúng, quý vị đọc ba lần tam quy dưới chân một vị khất sĩ thì có thể trở nên một vị khất sĩ.

Đại chúng hoan hỷ tuân theo lời Bụt dạy. Sau đó mấy hôm, vào một buổi sáng đẹp trời. Bụt khoác áo, cầm bát, một mình rời khỏi vườn Lộc Uyển. Người hướng về phương Nam, tìm lối vượt sông Hằng để đi về vương quốc Magadha.

Phút trải lòng

- Thích Tánh Tuệ



Này em cứ trải lòng mình
Dẫu từng khóc tủi với nghìn đau thương
Niềm đau, nỗi khổ là sương
Sẽ tan tựa sóng trùng dương vỗ bờ

Này em, chớ sống hững hờ
Ơn người mở lượng tóc tơ một lần
Giữa đời có bốn cái Ân
Dầu không đáp tạ, tình trần nhớ ghi

Này em, vạn nẻo đường đi
Nếu từng gục ngã, kiên trì đứng lên
Đạo - Đời hai lối chông chênh
Công thành không kể, kể bền lòng ta

Này em, đạo lý xưa xa
Thứ tha lầm lỗi, chính ta nhẹ lòng
Biển đời lúc đục, lúc trong
Nhân hoàn mấy kẻ từng không lỗi lầm

Cùng tôi, em hãy mở tâm
Về xoa dịu những vết bầm, tổn thương
Đời ai vui mãi không buồn
Cõi tâm khoáng đạt vì nhường nhịn nhau

Thế thường khóc trước, cười sau
Kẻ giòn cười lại ... cứ sầu quanh năm
Thế gian vốn dĩ thăng trầm
Dại, Khôn .. thua một nét tâm thật thà

Mong manh là cõi ta bà
Này em, hãy sống “đang là” hôm nay
Ngày mai ai biết ai hay
Bàn tay con tạo lá lay đổi dời

Khi danh, khi lợi ... qua rồi
Cuối đường lưu dạ nét cười ... trẻ thơ
Cuộc đời thấp thoáng cơn mơ
Thế nên, hãy sống như chưa sống từng

Này em đôi lúc biết dừng
Thản nhìn mây nước ung dung qua cầu
Vài lời thương mến cho nhau
Thôi chừ sống lại từ đầu, nghe em !

Cộng sinh

- Sưu tầm



Một đêm đang ngủ bỗng ổ khóa đánh thức chìa khóa và phàn nàn:

- Tôi làm việc chăm chỉ mỗi ngày để bảo vệ căn nhà, tuy nhiên khi ngủ, ông chủ lại nâng niu bạn trong tay và luôn mang theo bên người. Tôi thực sự hâm mộ bạn đấy.

Chìa khóa cũng bất mãn nói:

- Bạn ở nhà mỗi ngày, thật thoải mái và nhàn nhã. Tôi mỗi ngày đi theo chủ nhân, dầm mưa dãi nắng, quá vất vả. Tôi mới phải hâm mộ bạn.

Một ngày, chìa khóa cũng muốn thử cảm giác an nhàn, thế là tự giấu mình đi. Sau khi chủ nhân về nhà, không có chìa khóa liền gọi thợ đập bỏ ổ khóa và thuận tay ném ổ khóa vào thùng rác.

Sau khi vào nhà, chủ nhân nhìn thấy chiếc chìa khóa và nói rằng: “Ổ khóa đã đập bỏ rồi, giờ giữ ngươi lại thì còn tác dụng gì ?”, nói xong, ông chủ liền đem chìa khóa ném vào thùng rác.

Sau khi bị ném vào thùng rác, ổ khóa và chìa khóa than thở:

- Hôm nay chúng ta rơi vào kết cục đáng buồn này, chính là trước đây chúng ta không nhìn thấy giá trị của nhau. Chúng ta đứng núi này trông núi nọ, so đo thiệt hơn, đố kỵ cùng nghi ngờ vô căn cứ.

╰▶ Suy ngẫm:

Nhiều khi, người với người có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Vì thế, nếu cả hai cùng nhìn nhau soi mói và tranh đấu, nó chỉ có thể làm cho cả hai cùng tổn thương và gặp thất bại. Chỉ có phối hợp tốt, nhìn vào điểm tốt của nhau mà sống hòa thuận, ủng hộ vô điều kiện, tin tưởng và tôn trọng nhau thì mới có thể cùng chiến thắng.

Explore, Dream, Discover

- Mark Twain



Twenty years from now, you will be more disappointed by the things that you didn't do than by the ones you did do. So throw off the bowlines. Sail away from the safe harbor. Catch the trade winds in your sails. Explore. Dream. Discover.