V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Danh ngôn (91)

- Provesb Europe



Đời sống là cuộc hành trình mà tư tưởng là người dẫn đường, cách chọn lựa là phương tiện chuyên chở.

Ôm ấp quê hương

- Mặc Giang

Quê hương là thế hở Mẹ
Quê hương là thế hở Cha
Cháu con Rồng Tiên ghi nhớ
Nâng niu ước vọng câu thề




Quê hương là gì hở Mẹ
Đất trời một cõi bao dung
Sóng lòng thầm kêu khe khẽ
Nhớ thương, thương nhớ vô cùng

Quê hương là gì hở Mẹ
Trọn đời ôm ấp nâng niu
Gió ngàn bay bay nhè nhẹ
Nhớ thương, thương nhớ chín chiều

Quê hương là dòng sữa Mẹ
Ấp yêu từ thuở chào đời
Lớn lên đi đây đi đó
Vọng về cố quận chơi vơi

Quê hương là cơm là áo
Mẹ Cha một nắng hai sương
Nuôi con chất chồng khổ não
Mồ hôi nước mắt khôn lường

Quê hương là sông là núi
Dày trang sử ngọc theo dòng
Máu xương ông cha thành đất
Dư đồ chữ S cong cong

Quê hương là non là nước
Nam Quan đến mũi Cà Mau
Ba miền mến yêu gấm vóc
Sắc tô son thắm tươi màu

Quê hương là bông là lúa
Mạ non xanh mởn tay ươm
Mái tranh bập bùng bếp lửa
Tình quê thơm ngát ruộng đồng

Quê hương là mây là gió
Mẹ quê tóc trắng hoa cau
Ông Cha bao đời chống đỡ
Cháu con gìn giữ con tàu

Quê hương là đất là nước
Sông dài ôm ấp biển xa
Kinh qua sao dời vật đổi
Cháu con bảo vệ sơn hà

Quê hương là sông là núi
Biển Đông kê vách Trường Sơn
Ngàn xưa gương soi Văn Hiến
Ngàn sau chiếu sáng huy hoàng

Quê hương là thế hở Mẹ
Quê hương là thế hở Cha
Cháu con Rồng Tiên mở hội
Hoan ca một mái quê nhà


Đức Đạt Lai Lạt Ma và 7 chữ “học”

- Tâm Minh Ngô Tằng Giao



Cuộc sống vốn có sức hấp dẫn đến kì lạ và khi mải miết theo đuổi những điều hấp dẫn đó, chúng ta lại vội quên đi những điều tốt đẹp hơn. Hãy học cách sống chậm lại, học yêu thương và thấu hiểu nhiều hơn để không hời hợt, để lắng nghe nhịp chảy của thời gian, để nhận ra đúng - sai ... Và để hiểu thêm về chính bản thân mình.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi cùng thế giới, diễn giảng rất nhiều. Học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được. Đây là bảy bài học của Đức Đạt Lai Lạt Ma dạy:


 1. Thứ nhất, “HỌC NHẬN LỖI”. Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng. Thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.

 2. Thứ hai, “HỌC NHU HÒA”. Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên. Cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được.

 3. Thứ ba, “HỌC NHẪN NHỤC”. Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.

 4. Thứ tư, “HỌC THẤU HIỂU”. Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được ?

 5. Thứ năm, “HỌC BUÔNG BỎ”. Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống. Lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, biết buông bỏ thì mới tự tại được.

 6. Thứ sáu, “HỌC CẢM ĐỘNG”. Cảm động là tâm thương yêu, tâm Bồ-tát, tâm Bồ-đề, trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.

 7. Thứ bảy, “HỌC SINH TỒN”. Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh, thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.

Im lặng … một nghệ thuật sống

- Nhật Lệ

Im lặng là vàng. Có thực sự vậy không ? Có những khi cần phải nói, thậm chí là nói nhiều, để khả dĩ mang lại lợi ích cho người khác, để giải hoà, để hoà hợp và cảm thông, hoặc để bảo vệ chân lý. Tuy nhiên, có đôi khi lại cần im lặng, lúc đó sự im lặng có giá trị hơn nhiều. Và lúc này chính sự im lặng lại “nói” nhiều hơn. Đó là đặc ngữ của sự im lặng, một loại văn hoá kỳ diệu, nhưng không dễ thực hiện.

Nói hoặc im lặng đều phải đúng nơi, đúng lúc, đúng người, và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. Lời nói có thể là lưỡi gươm, mà gươm chưa dùng thì cứ để trong bao. Im lặng là diệu kế nếu lời nói vô ích, nếu không thì có thể phản tác dụng.

Thật chí lý câu nói của T. Man: “Người khôn ngoan mang tất cả tài sản vào trong đầu”. Đó chính là giá trị của sự im lặng. Nhưng khi nào nên im lặng ?

1. Khi người khác buồn phiền, đau khổ

Biết vui với người vui, buồn với người buồn. Đó là động thái của người có giáo dưỡng, tri thức, biết điều, biết cư xử và thấu cảm. Không gì vô duyên hơn khi người khác khóc mà mình lại cười - hoặc ngược lại. Sự “lệch pha” đó khả dĩ khiến chúng ta trở nên lố bịch, hợm hĩnh và kiêu ngạo.

2. Khi người khác suy tư, lao động trí óc

Sự im lặng là “vương quốc” của hoạt động trí óc. Nhờ đó mà có những kiệt tác, sự cao thượng, sự hiểu biết, sự trưởng thành, sự hồi tâm … Văn hào W. Goethe xác định: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”. Thấy người khác trầm tư mặc tưởng, đừng phá “khoảng riêng” của họ. Sự im lặng lúc đó thực sự cần thiết và có ý nghĩa.

3. Khi người khác không hiểu mình

Khi chưa được hiểu, chúng ta cần cởi mở và hoà đồng để người khác có thể hiểu mình hơn - dù không thể hiểu hết. Nhưng nếu bạn cảm thấy người ta thực sự không thể hiểu hoặc không muốn hiểu thì tốt nhất là im lặng. Nếu không, những gì bạn nói có thể gây “dị ứng” hoặc hiềm thù.

4. Khi người khác nói về vấn đề mình không am hiểu

Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Người khôn ngoan chỉ nói những điều mình biết rõ và hoàn toàn im lặng đối với những gì mình không biết hoặc mơ hồ. Đừng ảo tưởng mình là “bách khoa tự điển”. Nhà bác học A. Edison nói: “Điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều chúng ta không biết là cả đại dương”. Còn hiền triết Socrates thừa nhận: “Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất”. Chỉ là người bình thường, chúng ta càng cần khiêm nhường mà biết im lặng.

5. Khi người khác khoe khoang, lý sự

Thùng rỗng kêu to. Càng hiểu biết người ta càng ít nói, thâm trầm và cảm thông. Trong bốn phép toán, phép trừ là … “dễ” nhất, nhưng lại đầy ý nghĩa. Chỉ vì ngu dốt nên mới độc đoán, khắt khe hoặc cố chấp. Khoe khoang và lý sự là “đặc điểm” của đầu óc nông cạn, thiển cận. Dốt thì hay nói chữ để cố che lấp khiếm khuyết của mình.

6. Khi người khác không cần mình góp ý kiến

Đừng bao giờ “xía” vào chuyện của người khác hoặc tò mò chuyện của họ. Vả lại, nói nhiều thì sai nhiều. Nói thiên lệch thì mất lẽ chính, nói huênh hoang rồi đến chỗ đuối, nói xiên xẹo rồi đến chỗ sai trái, nói giấu diếm sẽ đến chỗ cùng.

Cibbon nói: “Đàm luận khiến người ta hiểu biết, nhưng im lặng là trường học của sự khôn ngoan”. Im lặng còn là yêu thương, tha thứ, và là cuộc sống.

Tuân Tử dạy: “Im lặng, lắng nghe, ghi nhớ, hành động và khôn ngoan là năm cung bậc khác nhau của trí tuệ”. Có thể coi đây là ngũ-cung-sống của cuộc đời. Tóm lại, im lặng là một nghệ thuật kỳ diệu và là cách thể hiện văn hoá cao cấp.

Nói ra được thì tốt, nhưng có khi im lặng lại tốt hơn. Ta nên học lắng nghe để hiểu, dừng lại để thương. Nhưng khó đấy, bài học này chỉ dành tặng cho những ai đã biết buông bỏ ngạo mạn, biết đời sống là vô thường bất chợt.

Vừa rồi trò chuyện với người bạn, anh ta nói: trong cuộc sống, rất ít người chịu học lắng nghe và im lặng. Bởi vì họ không muốn thua kém, không muốn khiêm cung để nghe rõ những gì người khác nói. Thậm chí, họ giành nói như để tận dụng hết thời gian gặp nhau, sợ thiệt thòi khi ra về mà đối phương chưa rõ hết câu chuyện. Thì vậy, cuộc sống là muôn màu.

Ngày xưa, ngay chính ta cũng ham nói, vào cuôc họp cứ uyên thuyên bất tận, ra cà phê với bạn thì lắm nỗi niềm ... Lúc nào cũng muốn nói ra, muốn trút xuống, có khi quá cao trào bi đát, khóc thương. Nghĩ lại, ngày xưa ta ích kỷ thật, chỉ muốn nói cho thỏa. Thậm chí, hay gân cổ cãi lại mỗi khi có vấn đề gì đó về quan điểm. Người sai rồi, ta đúng. Rồi ... ta đã được gì trong “đúng - sai” đó ?

Thật vậy, nhu cầu chia sẻ ai cũng có. Nhưng để làm người hứng chịu và biết lắng nghe, đếm được mấy người ? Cảm xúc con người vô cùng phức tạp, tuổi càng cao, trái tim càng thu nhỏ, dù đã được bao bọc rất kỹ nhưng chỉ cần một lời nói vu vơ cũng có thể như mũi nhọn xé nát lòng người. Thành ra, người lớn chỉ nghĩ mà không cần nói, còn người trẻ thì cứ nói mà không cần nghĩ. Người ta càng về già càng thấy cô đơn, hay hoài niệm về thời son trẻ rồi bới tìm, rồi thở dài ... Có lẽ, họ tiếc nuối điều gì của ngày đã qua. Người trẻ thì nôn nao mong cho ngày mau tới, sẽ vứt bỏ nếu không thích, cần gì người khác hiểu. Và dĩ nhiên không bao giờ chịu im lặng.

Ta ví cuộc đời như trò chơi xếp chữ. Ai cũng được phát cho 1000 miếng, ai cũng có thời gian hoàn thành giống nhau. Chỉ có điều là con người ít khi kiên nhẫn chịu xếp cho mình đến mảnh cuối cùng để tận hưởng vẻ đẹp thực sự nằm bên trong đâu đó. Đa phần người ta than thở hoặc nóng nảy và cố gắng chắp vá, chồng chéo tất cả vào nhau, rối tung, mệt mỏi, chán nản, trách đời bất công, sao ông trời khó khăn với người này, dễ dãi với người kia ? Chỉ có những ai đi đến cuối cùng của sự tận tụy mới nhận ra bức tranh cuộc sống thật đẹp, thật xứng đáng. Và có khi để hoàn thành nó, người ta đã âm thầm đi tìm, luôn kiên nhẫn và im lặng. Người ta phải nhẹ nhàng tìm kiếm, kể cả chẳng may ghép vài lần mà không đúng. Thì đã sao ? Ta có 1.000 cơ hội kia mà. Lần này chưa được, lần sau sẽ được, chỉ cần bạn đủ niềm tin. Vì tin sẽ thấy, tìm sẽ gặp. Nếu ta tin chắc chắn mình sẽ hạnh phúc thì đã có hạnh phúc rồi đấy.

Hạnh phúc ngay giây phút này đây, yên bình và thanh thản. Không một chút quấy rầy, không chết chóc hay chiến tranh. Đẹp quá phải không ? Nếu có nhiều hạnh phúc hơn thế, hãy mang chia sớt nhé, nhưng nhớ lặng thầm. Khẽ thôi, họ sẽ biết cảm nhận. Yên tâm ...

Đừng (12)

- Marc(Thủy Nguyệt dịch)



Thời điểm phù hợp để bạn hít một hơi thật sâu là khi bạn không có thời gian cho việc đó. Nếu bạn tiếp tục làm những gì mình đang làm, thì bạn sẽ tiếp tục nhận được những gì mà bạn đang nhận được. Đôi khi bạn cần phải tạo ra cho mình một khoảng cách để có thể nhìn nhận sự việc một cách rõ ràng. ╰▶ ĐỪNG MIỆT MÀI LÀM ĐI LÀM LẠI MỘT VIỆC MÀ KHÔNG CÓ “KHOẢNG NGỪNG”

Cùng một chuyến đi

- Thích Tánh Tuệ



Mình chỉ đi chung một chuyến đò
Nhọc gì hơn thiệt với đôi co
Chốc lát tôi-người chia mỗi ngã
Một chỗ ngồi, nhường không đắn đo

Chẳng hẹn mà lên một chuyến tàu
Dăm điều nghịch ý ... có sao đâu
Hành trình muôn dặm, đời muôn lối
Người xuống ga kề, biết gặp nhau ?

Sương khói mà thôi một lộ trình
Vui, buồn, thương, ghét ... cuộc ba sinh
Nhẹ nhàng chân bước qua đời mộng
Lưu giữ chi, phiền muộn trái tim

Đâu ai thấu được chuyện ngày mai
Kẻ đến, người đi giữa chốn này
Chắc gì về được sân ga cuối
Khoan thứ khi đời chưa đổi thay

Ngắn ngủi cùng đi một đoạn đường
Tuổi chiều tóc bạc ngắm tà dương
Mỉm cười, hai kẻ nhìn nhau gật:
“Ừ, chẳng chi ngoài Sống-để-Thương !”

Những giọt nước Cam Lộ

- Trích: “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG”, Chương XXIII, Thích Nhất Hạnh

Bụt hay dậy sớm, và sau khi ngồi thiền, người ưa đi thiền hành ngoài trời giữa những hàng cây. Một hôm đang đi thiền hành ngoài trời, Bụt thấy một người đi tới. Lúc ấy nắng chưa lên và trong sương mù hình dáng của cây cối và của người khách lạ kia không được tỏ rỏ lắm. Bụt ngồi xuống một tảng đá gần đó. Người khách lạ đã đến gần. Người này chưa thấy Bụt nhưng Bụt đã thấy ông ta. Đó là một chàng thanh niên chừng ba mươi tuổi, dáng điệu thanh tú, chàng thanh niên vừa đi vừa lẩm bẩm cái gì trong miệng, khi anh ta tới gần. Bụt nghe anh ta lẩm bẩm: “thật là đáng sợ, thật là ghê tởm”. Chàng thanh niên vẫn chưa thấy Bụt. Bụt lên tiếng:

- Không có gì đáng sợ, không có gì ghê tởm.

Giọng Bụt vọng lên rành mạch và ôn tồn trong không khí mát lạnh của buổi mai. Chàng thanh niên giật mình nhìn sang. Anh ta thấy Bụt ngồi thảnh thơi trên một tảng đá, phong thái thật ung dung và trầm tĩnh. Anh tuốt bỏ đôi dép, tiến tới trước Bụt và lạy xuống, rồi anh ngồi xuống trên một hòn đá thấp bên cạnh Bụt. Bụt hỏi:

- Cái gì mà đáng sợ ? Cái gì mà ghê tởm ?

Chàng thanh niên bắt đầu kể chuyện mình. Anh ta tên là Yasa, con của một thương gia giàu có vào bậc nhất nhì ở thành phố Baranasi. Yasa sống một cuốc sống giàu sang tột bực. Cha mẹ anh cưng chìu anh và cung cấp cho anh đủ hết phương tiện để sống trong các thú vui của người giàu có: nhà cao, cửa rộng, châu báu, tiền bạc, rượu mạnh, kỹ nữ, tiệc tùng, cuộc vui ... Yasa là một người con trai biết suy nghĩ. Những năm gần đây, anh bắt đầu thấy lợm vì cái nếp sống trác táng đó. Anh ta không còn cảm thấy lạc thú gì trong cuộc sống ấy. Anh ta khao khát một đời sống lành mạnh, giống như một người bị nhốt lâu trong một căn phòng kín mít khao khát khí trời. Cả đêm hôm qua, bạn bè anh ta quy tụ để ăn uống, đàn địch và nô đùa với bọn vũ nữ. Thức dậy lúc nửa đêm Yasa nhìn thấy cảnh tượng các vũ nữ nằm ngã nghiêng, phơi bày những chân tướng không đẹp đẽ gì của họ, chàng cảm thấy không thể nào còn tiếp tục được cuộc sống trác táng này. Chàng khoác lên người một cái áo, luồn chân vào một đôi dép và mở cửa đi ra khỏi nhà. Chàng đi ra cổng trước. Mở cửa cổng trước, chàng đi mà không biết mình đi đâu. Chàng cứ thế mà đi trong đêm khuya, và tình cờ Yasa đi về hướng vườn Lộc Uyển. Tới đây thì trời vừa sáng và Yasa gặp Bụt. Bụt dạy:

- Yasa, cuộc đời đầy dẫy những khổ đau mà cũng đầy dẫy những hiện tượng tượng mầu nhiệm. Đắm mình trong dục lạc, điều đó chỉ có thể tàn phá sức khỏe của hình hài cũng như của tâm hồn, và lại tạo thêm khổ đau cho ta. Nếu biết sống một cuộc đời lành mạnh, không bị vật dục lôi cuốn, ta có thể tiếp xúc với biết bao cảnh tượng mầu nhiệm trong cuộc đời. Yasa, con hãy nhìn những thân cây đứng trong sương mù này. Đó là những hình ảnh vừa đẹp đẽ vừa mầu nhiệm. Trăng, sao, sông, núi, ánh sáng mặt trời, tiếng chim hót, tiếng suối reo ... tất cả những biểu hiện đó của vũ trụ đều mầu nhiệm, đều đẹp đẽ, đều có thể cho ta những nguồn vui bất tận. Những niềm vui này không phá hại sức khỏe của thân thể và của tâm hồn, trái lại còn nuôi dưỡng được cho thân thể và tâm hồn. Chính thân thể và tâm hồn con cũng là những hiện tượng mầu nhiệm, con thử nhắm mắt lại, thở ra thở vào vài ba hơi, rồi mở mắt ra xem. Con thấy không ? Hai mắt của con có thể nhìn thấy cây, thấy sương, thấy trời, thấy tia nắng ấm, hai mắt của con thật mầu nhiệm, vì không tiếp xúc được với hiện hữu mầu nhiệm nên đã có lúc con chán ghét ngay cả thân thể con và tâm hồn con. Có người chán ghét thân thể họ, tâm hồn họ và chán ghét luôn cả cuộc đời cho nên đã đi tự tử. Họ không biết rằng vạn hữu cũng là mầu nhiệm. Họ chỉ thấy được mặt khổ đau của vạn hữu, nhưng khổ đau không phải là bản chất của vạn hữu. Khổ đau là do thái độ sống và do cách nhìn sai lạc của con người mà có ...

Yasa là một chàng trai rất thông minh, những lời của Bụt như những giọt nước mát tưới vào tâm hồn khô cạn của chàng. Rất sung sướng, chàng quỳ xuống dưới chân Bụt và xin được làm học trò xuất gia của Bụt. Bụt đỡ Yasa lên. Ngưòi nói:

- Người xuất gia sống một cuộc đời thanh bạch và khiêm cung, không nắm giữ tiền bạc, ngủ trong am lá hoặc dưới gốc cây, ăn bất cứ thức ăn nào xin được và mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Con có thể sống như vậy được không ?

- Lạy thầy, con có thể sống như vậy được.

Bụt nói:

- Người xuất gia tu học cần phải đem hết tâm tư và nghị lực để hoàn thành sự nghiệp giải thoát của mình, để có thể giúp đời và giúp người, làm vơi bớt những khổ đau trong sự sống, con có phát nguyện đi theo con đường ấy không ?

- Lạy thầy, con xin phát nguyện đi theo con đường mà thầy chỉ dạy.

- Vậy ta sẽ cho con xuất gia. Người xuất gia tu học trong giáo đoàn ta sẽ được gọi là bikkhu, nghĩa là người khất sĩ. Mỗi ngày đi xin thực phẩm là để tự nuôi sống mình, để tập đức khiêm cung, và cũng để có cơ hội tiếp xúc với con người mà hướng dẫn họ trên con đường đạo hạnh.

Vừa lúc ấy năm vị sa-môn khất sĩ học trò của Bụt cũng ra tới. Yasa đứng dậy cung kính chào mọi người. Bụt giới thiệu năm thầy với Yasa, rồi hướng về thầy Kondanna, Bụt nói:

- Thầy Kondanna, đây là Yasa, một người trẻ tuổi có chí nguyện xuất gia. Tôi đã ưng thuận, vậy cúi xin thầy chỉ dạy cho Yasa về cách mang y, ôm bát, đi khất thực, điều phục hơi thở, ngồi thiền và đi kinh hành. Yasa, con đi theo thầy Kondanna đi.

Yasa cúi chào Bụt. Thầy Kondanna đưa chàng vào tịnh xá, xuống tóc cho chàng. Thầy trao cho Yasa một cái y và một cái bát, và dạy cho chàng cách mang y và cầm bát. Y bát này đã được cúng dường cho thầy từ lâu, nhưng vì có sẵn y bát cũ, thầy chưa bao giờ dùng tới. Chiều hôm ấy, vị trưởng giả thân sinh của Yasa tìm tới vườn Lộc Uyển. Cha của chàng cho người đi lùng chàng khắp nơi. Có một gia nhân theo vết dép của Yasa và tìm tới được vườn Lộc Uyển. Anh ta thấy được đôi dép bằng vàng của tiểu chủ nằm bên một chiếc ghế đá. Vào hỏi thăm, anh ta biết là tiểu chủ của mình đang có mặt tại đây. Anh vội vã về báo tin. Ông thân sinh của Yasa tìm tới vườn Lộc Uyển và được gặp Bụt đang ngồi trên tảng đá. Ông ta đến làm lễ người rồi chắp tay hỏi:

- Bạch sa-môn, ngài có thấy Yasa con của con không ?

Bụt chỉ chiếc ghế đá bên cạnh người:

- Mời ông ngồi xuống đây. Yasa đang ở trong tịnh xá. Nó sẽ ra đây bây giờ.

Ông thân sinh của Yasa ngồi xuống, Bụt kể cho ông ta nghe về những gì đã xảy ra sáng nay. Bụt cũng nói cho ông ta nghe về tâm sự của Yasa và những khao khát của chàng. Người kết luận:

- Yasa là một người con trai thông minh và có chí khí. Nó đã tìm ra được nẻo thoát cho tâm hồn nó, và hiện tại đã có niềm tin và sự an lạc. Xin ông mừng cho nó.

Tiếp theo, Bụt dạy cho ông ta về cách sống tỉnh thức để tránh bớt những khổ đau và phiền muộn, và cũng là để tạo sự an lạc cho mình và cho những người chung quanh. Nghe Bụt nói, tâm của ông càng lúc càng như sáng ra. Ông đứng dậy chắp tay cầu Bụt cho ông ta làm học tại gia của người. Bụt lặng yên. Một lát sau, người nói:

- Học trò của tôi là những người biết sống đơn giản, tỉnh thức, biết tránh sự giết hại sinh vật, biết tôn trọng tư hữu của kẻ khác, biết tránh việc tà dâm, biết nói lời chân thật và tránh việc rượu chè say sưa. Này trưởng giả, nếu ông thấy ông có thể theo được con đường đó thì tôi chấp nhận ông là học trò tại gia của tôi.

Ông thân sinh của Yasa quỳ xuống trước mặt Bụt. Ông chắp tay thành kính nói:

- Con xin nương tựa nơi thầy, xin thầy chỉ đường đưa lối cho con trong cuộc đời này. Con xin nguyện làm đệ tử tại gia của thầy cho đến ngày con nhắm mắt lìa bỏ cuộc đời.

Bụt đỡ vị trưởng dậy. Khi đứng lên, vị trưởng giả trông thấy Yasa đứng hầu sau lưng Bụt. Yasa trong y phục của một người xuất gia, râu tóc cạo sạch. Vị khất sĩ mới chắp tay lại thành búp sen, cung kính chào cha, và miệng chàng mỉm cười. Thần sắc Yasa tỉnh táo và sáng rỡ. Vị trưởng giả chưa bao giờ thấy con mình tươi vui và hạnh phúc như thế. Ông chắp tay lại đáp lễ, rồi ông nói:

- Mẹ của con đang sầu đau và lo lắng ở nhà.

Yasa đáp:

- Con sẽ về thăm mẹ con, nhưng con đã phát nguyện theo Bụt sống đời giải thoát và phục vụ chúng sanh.

Vị trưởng giả hướng về Bụt:

- Lạy Bụt, con xin thỉnh ngài và các vị khất sĩ đệ tử xuất gia của ngài trưa mai đến thọ trai tại nhà con. Xin để cho người đệ tử mới của ngài đi theo làm thị giả cho ngài. Chúng con sẽ rất sung sướng được cúng dường một bữa cơm cho các vị khất sĩ tại nhà và cũng sẽ rất sung sướng được nghe lời giáo huấn quý báu của ngài về đạo giải thoát.

Bụt quay lại nhìn Yasa. Hai mắt của người khất sĩ mới tu lấp lánh. Bụt gật đầu chấp thuận lời thỉnh cầu của trưởng giả. Sáng hôm sau, Bụt cùng sáu vị khất sĩ đến thọ trai tại nhà ông trưởng giả. Mẹ của Yasa thấy con mừng rơi nước mắt. Bụt và sáu vị đệ tử xuất gia được mời ngồi trên những chiếc ghế có trải tọa cụ. Mẹ của Yasa tự tay dâng cúng thực phẩm vào bát của Bụt và vào bát của sáu vị khất sĩ. Bữa cơm diễn ra trong yên lặng. Cha mẹ của Yasa và các người hầu cận kính cẩn đứng hầu, không ai dám nói với ai một lời nào. Bữa cơm kết thúc. Sau khi bát đã được rửa, nước uống đã được dâng lên, vợ chồng ông trưởng giả chắp tay làm lễ Bụt và ngồi xuống trên những chiếc ghế thấp phía trước mặt người. Bụt bắt đầu giảng cho họ nghe về nội dung của năm giới, căn bản tu học của người đệ tử tại gia. Bụt nói:

“Người học theo con đường tỉnh thức thì phải biết vun bồi sự hiểu biết (Trí) và tình thương yêu (Bi) của mình. Năm giới tức là cách thức sống để thực hiện từ bi và trí tuệ.

1. Giới thứ nhất là tránh việc tàn hại sinh mạng. Chúng sinh loài nào cũng tham sống sợ chết, vì vậy nếu ta thực sự học theo đạo hiểu biết và thương yêu thì ta phải giữ giới không sát sanh. Không những ta không được sát hại con người mà ta còn cố gắng đến mức tối đa để tránh sự sát hại các loài cầm thú. Giữ giới này là một cách nuôi dưỡng từ bi và trí tuệ rất hiệu quả.

3. Giới thứ hai là không gian lận trộm cắp. Ta không có quyền xâm phạm vào tư hữu của kẻ khác, và không làm giàu bằng cách lợi dụng sự khờ dại và bóc lột sức lao động của kẻ khác, trái lại ta phải biết tìm cách giúp đỡ những kẻ khốn khổ những phương tiện để họ có thể tự lực mưu sinh.

3. Giới thứ ba là không tà dâm, nghĩa là không xâm phạm đến tiết hạnh của những người khác và hết lòng trung thực với người vợ hoặc người chồng của mình.

4. Giới thứ tư là không nói dối, nghĩa là không nói những lời trái với sự thật, không xuyên tạc, chửi rủa, không dùng lời nói để gây thù hận và loan truyền những tin mà mình không chắc là có thực.

5. Giới thứ năm là không say sưa, không dùng những chất ma túy và kích thích như thuốc phiện và rượu.


Nếu ta sống theo được tinh thần của năm giới này, ta sẽ tránh được cho bản thân, gia đình ta và bạn bè ta mọi đau khổ và đổ vỡ. Ta sẽ thấy đời ta tươi sáng và hữu ích lên gấp trăm lần.”

Trong khi Bụt nói, bà mẹ của vị khất sĩ trẻ Yasa rất sung sướng. Bà thấy được cánh cửa hạnh phúc mở rộng trước mặt bà. Bà biết chồng mình đã được Bụt chấp nhận là đệ tử tại gia của người, và điều đó làm bà hân hoan vô hạn. Bà quỳ xuống chắp tay lại và cầu xin Bụt cho bà làm đệ tử tại gia.

Sau đó, Bụt và sáu vị khất sĩ trở về vườn Lộc Uyển.

Ba điều trong sạch

- Bảo Huấn

Con người giữ được ba điều: “sống cho đúng lẽ phải, tôn trọng phép nước, giữ được lòng người” như thế là trong sạch.

Sướng khổ kiếp sau, đời này quyết định

- Quỳnh Chi



Trên dương gian đã phạm bao nhiêu tội chỉ mình mình biết, nhưng khi chết đi, xuống địa ngục mọi tội lỗi đều được ghi đầy đủ trong sổ Diêm Vương. Có người nói, con người chết cũng giống như đèn tắt, chết là hết, là kế thúc, đâu còn có kiếp sau. Nhưng lại cũng có người nói, con người là có kiếp sau. Giống như một cái cây chết đi, hạt giống rơi xuống đất, nảy mầm và sẽ ra hoa kết trái, sẽ có kiếp sau. Vậy rốt cuộc con người có kiếp sau hay không ?

Kỳ thực, con người chết đi không phải giống như đèn tắt, cũng không nhất định là được đầu thai làm người mà sẽ thuận theo nhân duyên nghiệp báo mà chuyển sinh. Tại sao có người cả đời công danh và tiền bạc đều trọn vẹn, nhà cao cửa rộng, tiền bạc rủng rỉnh, ngàn người kính trọng, ngược lại, có những người cả đời bần cùng khốn đốn, làm chuyện gì cũng trắc trở. Tất cả đều liên quan đến tiền kiếp của bạn.

Trong “Duyệt Thảo vi đường ký” có kể lại về chuyện của một bà lão có khả năng hơn người, thoắt ẩn thoắt hiện. Một hôm có mấy người thê thiếp của một gia đình quý tộc hỏi bà:

- Những người phụ nữ như chúng tôi hà cớ gì phải làm thê thiếp cho nhà người ta ?

Bà lão trả lời:

- Cõi âm cũng tuân theo quy luật nhân duyên nghiệp báo. Kiếp trước các người tích được những việc thiện nhỏ nên kiếp này được vào nhà quyền quý. Nhưng các người cũng tạo ra nghiệp chướng cho nên chỉ được làm phận thê thiếp. Nếu kiếp này có thể tích được càng nhiều điều thiện để bù đắp lại những tội lỗi trong quá khứ thì kiếp sau sẽ được sung sướng, vẹn toàn. Ngược lại nếu kiếp này người tạo ra nhiều nghiệp duyên thì kiếp sau ắt sẽ gặp báo ứng. Nhưng tích đức hành thiện không phải chỉ dâng hương khấn Phật, các người phải biết hiếu kính mẹ cha, kính trọng chính thất phu nhân, giữ gia đình trên dưới thuận hoà. Đó mới chính là thiện nghiệp.

Một người trong số đó lại hỏi:

- Vậy đường con cái ắt cũng liên quan đến tiền kiếp. Bà hãy xem giúp chúng tôi. Nếu như sách cõi âm đã định kiếp này tôi không có con thì tôi cũng không dám mơ tưởng nữa.

Bà lão trả lời:

- Cái này thì không cần xem. Chỉ cần cô chăm làm các việc thiện cho trẻ nhỏ thì dù sách Diêm Vương có phán cô không có con rồi cũng sẽ được sửa lại. Còn nếu cô thường xuyên tạo nghiệp ác thì dù ban đầu có ban con cái cho cô rồi cũng sẽ sửa thành vô tử.

Ông ngoại Kỳ Hiểu Lam là Trương Tuyết Phong, cũng là con rể của Tào gia. Sinh thời ông là người nghiêm khắc và chính trực, ông ghét nhất là những bà đồng bà mai đi hết nhà này nhà nọ. Nhưng ông lại thường xuyên trò chuyện với bà lão này. Ông nói: “Những điều bà lão nói tuy chưa từng được chứng thực, song trước giờ bà lão không hề chỉ cách ỷ lại vào dâng hương thờ Phật hay bố thí để tích thiện.”

Thực ra bà lão là một cao nhân am hiểu sự đời, tinh thông Phật pháp. Phật không chỉ nhìn xem một người thành kính thờ Phật bao nhiêu mà còn phải xem thiện tâm của người đó thế nào. Một người luôn tụng kinh niệm Phật, cả đời không làm chuyện ác, chưa chắc đã được Phật bảo hộ bằng người không dâng hương thờ Phật nhưng một lòng hướng thiện, thờ Phật trong tâm.

Nhận biết Khổ - Vui

- Thích Tánh Tuệ



Bởi cái vui ta thường hay ôm giữ
Trong vòng tay, thế giới của riêng mình
Niềm vui đó đâu thể nào lan tỏa
Đến chân trời ... đến khắp cả muôn sinh

Bởi cái khổ ta vẫn thường xua đuổi
Đuổi không đi, khổ dội lại nơi lòng
Khổ dồn nén ... tháng ngày ta cằn cỗi
Ta trách đời sao thiếu vắng cảm thông

Buồn san sẻ ... hồn nguôi cơn giông bão
Vui sớt chia, vui vỗ cánh ngàn phương
Lòng thêm khổ vì ta nuôi phiền não
Đời yên bình khi sống biết yêu thương

Niềm vui đó vốn bao la trời đất
Nỗi buồn kia dường bể cả, trùng khơi
Hãy đón nhận niềm vui, không bám víu
Và buồn kia hiện hữu ... mặc ... rong chơi

Đời có cả mật ngọt và mật đắng
Có những ngày mưa nắng hẹn hò nhau
Hồn như núi soi xuống dòng tĩnh lặng
Trong an nhiên thuyền lướt giữa vui, sầu

Danh ngôn (90)

- Hứa Hành



Kẻ trách mình có thể làm nên điều hay cho người khác. Kẻ trách người thật là làm thêm cái dở cho mình.

D.P.A (8)

- Nghệ thuật sống

Sống có mơ ước, nhưng hãy để đôi chân bước đi trên hiện thực.

Vợ là khán giả cuối cùng của chồng, chồng là cuốn sổ tiết kiệm cuối cùng của vợ

- Quỳnh Chi

Người ta thường nói, người vợ là vị khán giả cuối cùng trong cuộc đời của chồng, còn người chồng lại là cuốn sổ tiết kiệm cuối cùng của người vợ. Cái gọi là “vị khán giả cuối cùng” là chỉ một người chồng, dù cuộc đời anh ta trải qua biết bao thăng trầm đi nữa, thì người cuối cùng chứng kiến anh ta về với lòng đất không ai khác chính là người vợ. Còn cái gọi là “cuốn sổ tiết kiệm cuối cùng” chính là chỉ một người vợ sau khi bước vào tuổi già, dù cho con cháu đầy nhà, nhưng người có thể bầu bạn cùng cô ấy đến cuối đời chỉ là người chồng mà thôi.

Nói đến vợ chồng, không phải chỉ xuất phát từ tình yêu, và cũng không phải chỉ vì tình yêu mà bền vững. Chữ “tình” đó, còn bao gồm cả tình thân và ân tình.

Một cặp vợ chồng có sự khác biệt lớn về ngoại hình cũng có thể sống hạnh phúc tới bạc đầu. Hay một đôi có sự chênh lệch học thức cũng vẫn có thể bầu bạn đến trăm năm. Hay một cặp khi còn trẻ thì suốt ngày đấu khẩu, tranh cãi, nhưng về già lại bỗng nhiên hoà hợp, êm ấm … Tuy mức độ khác nhau, nhưng có thể thấy, tuyệt đối không phải vì tình yêu của các cặp vợ chồng đã có nhiều chuyển biến, mà nguyên nhân chính là thời gian dài cùng chung sống đã giúp họ tích lũy được không ít “ân tình”.

Điều đáng nói ở đây, ân tình này, thường không đến từ giai đoạn êm ấm, mặn nồng mà xuất phát từ những sự không vừa ý, những khó khăn, thăng trầm. Có thể là sự xả thân ứng cứu khi bạn đời gặp khó khăn, là sự chăm sóc ân cần khi bạn đời bệnh nặng, hoặc là sự lạc quan, động viên lẫn nhau trong những tháng ngày đạm bạc, hay đơn giản là sự kề vai sát cánh khi rơi vào cảnh cô lập bởi bạn bè người thân.

Thứ tình cảm này không có bất kì vật chất hay lợi ích nào có thể thay thế được. Trong sự “ân ái” của tình vợ chồng, bao giờ chữ “ân” cũng được đặt lên trước nhất chính là do ân tình vợ chồng luôn luôn vượt lên trên hai chữ ái tình. Và cũng vì thời gian chung sống gắn bó lâu dài mà vợ hoặc chồng đều có thêm những thiên chức mới, cha và mẹ.

Trong cuộc sống, bản năng của thiên chức này sẽ vô tình được bộc lộ ra, và vô tình vợ hay chồng đều trở thành những người cha người mẹ, ngay cả với bạn đời. Nói cách khác, bạn sẽ che chở cho bạn đời của mình giống như cách bạn che chở cho những đứa con của bạn. Dù đối phương có bao nhiêu khuyết điểm, hay khi còn trẻ đối phương đã phạm những sai lầm không thể tha thứ thì bạn cũng sẽ mở lòng, chấp nhận và bao dung cho người bạn đời. Nói một cách nghiêm túc, đó mới thực sự là yêu. Mặc dù thứ tình yêu này không hề lãng mạn, nhưng nó lại hàm chứa biết bao tình thân, tình bạn, tình nghĩa … Do đó, dù giữa vợ chồng không có xuất phát điểm là tình yêu thì hôn nhân vẫn có thể vui vẻ, hạnh phúc.

Có mọi thứ trên đời cũng không bằng có một người bạn đời tốt. Không có mọi thứ trên đời cũng phải có một tuổi già vui vẻ. Hãy ghi nhớ và trân trọng người bạn đời bên cạnh.





Con người: cao ở “nhẫn”, quý ở “thiện”, hơn nhau ở “ngộ” !

- Theo Secretchina
- Mai Trà biên dịch



Người xưa dạy rằng, làm người hãy tu dưỡng để trở thành người thượng đẳng, đừng để trở thành người hạ đẳng. Vậy để trở thành người có tu dưỡng, chúng ta cần phải làm gì ? Hãy cùng xem những lời răn của người xưa dưới đây.

Khi đắc ý, hài lòng đừng quá cuồng vọng, cuồng tất sẽ kiêu, mà kiêu thì tất sẽ bại, là mầm mống dẫn đến thất ý.

Khi thất ý đừng quá bi thương, bởi vì bi thương thì sẽ yếu lòng, yếu lòng tất sẽ suy sụp, một khi không gượng dậy nổi thì chính là không tôn trọng sinh mệnh của mình.

Mọi sự nên tùy duyên, không nên cưỡng cầu, thuận theo tự nhiên, thích ứng với mọi hoàn cảnh mới có thể khiến tâm tình tốt đẹp.

Mọi việc trong đời, cần xét xem nên làm thì hãy làm, không nên làm thì không nên làm là được rồi.

Đừng quá khắt khe, đòi hỏi ở người khác, những việc bản thân không muốn thì đừng áp đặt lên người khác. Đừng quá khắt khe với bản thân, những việc không muốn cũng đừng áp đặt bản thân, hãy để tự nhiên.

Con người cao ở “NHẪN”, trong mọi việc đều có thể “NHẪN” thì phẩm chất sẽ tự nhiên cao.

Con người quý ở “THIỆN”, trong cuộc đời luôn tích đức, làm việc thiện thì mới là đáng trân quý.

Con người hơn người khác ở chỗ “NGỘ”, một người có thể hiểu thấu nhân sinh thì mới là kiệt xuất, hơn người.

Đời người, “công danh lợi lộc” chỉ như mây khói thoảng qua, có thể tiêu tan bất cứ lúc nào, duy chỉ có “tiếng thơm” là lưu truyền mãi ngàn năm.

Người mà “hạ thấp người khác để nâng mình lên” hay “nâng mình lên nhằm hạ thấp người khác” thì đều chỉ là tiểu nhân, không được người đời tôn trọng. Người mà khiêm tốn, cung kính, “nâng người hạ mình” mới là điều mà người quân tử hướng tới.

Người đa nghi tất sẽ sinh thị phi. Người nhiều lo lắng thì sẽ sinh phiền não. Người nhiều suy tư, hoài niệm sẽ sinh ra u buồn. Người quá nhiều oán hận sẽ sinh ra căm phẫn, uất ức. Một khi tâm bình thì khí tất sẽ thuận, tâm loạn thì mọi sự tất sẽ rối. Tâm thái một người bị mất cân bằng thì mọi sự tất sẽ bị lệch.

Đối với người thiện người tốt thì phải cung kính, đối với người ác người xấu thì phải nghiêm khắc. Đối với bạn thì phải độ lượng, đối với người tài thì phải khiêm tốn, đối với người hèn yếu thì phải khoan dung, giúp đỡ. Một người không khắc chế dục vọng thì sao có thể dưỡng được đức.

Trong cuộc đời, mọi việc phải biết điểm dừng thích hợp, vui không thể vui tột cùng vì “vui quá hóa buồn”, phúc một khi hưởng tận thì sẽ sinh họa. Vạn vật nhờ nước tẩy rửa mà sạch sẽ, không tẩy tất sẽ ô uế. Vạn vật nhờ ánh mặt trời chiếu rọi mà tươi đẹp, không thì tất sẽ suy yếu. Vạn vật nhờ tĩnh lặng mà thanh sạch, không tĩnh tất sẽ hỗn loạn, không thật. Vạn vật trong xã hội loài người đều phải ở trong bồi dưỡng, hun đúc mà có phẩm chất tốt đẹp hơn. Con người cũng vậy, sống trên đời phải thời thời khắc khắc, nhắc nhở bản thân tu dưỡng thành người thượng đẳng, cao quý.

Gọi tâm về

- Thích Tánh Tuệ

Lòng em xa mãi nơi nào
Em đâu hay những ngọt ngào quanh đây
Lòng em gửi ... chín tầng mây
Em đâu có biết quanh đây ngọt ngào

Ngày, em “mở mắt chiêm bao”
Đêm đêm tâm tưởng xuôi vào nẻo mơ
Lui về quá khứ xa mờ
Hồn hoang viễn mộng bến bờ tương lai
“Lòng em như chiếc lá khoai”
Phút giây hiện tại rơi ngoài tâm tư

Gọi em về lại, mệt nhừ
Em ơi có mặt bây chừ, đi em !
Về đây gió mát hồ sen
Nhìn nhau diện mục thân quen thuở nào
Sống trong hơi thở nhiệm mầu
Có nhau như thuở ban đầu tinh khôi

Em vừa về cạnh ta ngồi
Giác hoa nở đẹp bên đời bỗng nhiên

Nhất định cần phải có “tĩnh khí”

- Theo Đại Kỷ Nguyên - Mai Trà biên dịch



Từ xưa đến nay, chúng ta có thể thấy rõ rằng bất kể trường phái, lĩnh vực nào cũng đều tôn sùng, đề cao “tĩnh khí”, như vậy, ắt hẳn tĩnh khí phải có tầm quan trọng rất lớn ? Chúng ta có thể thấy trong ba gia là Phật gia, Đạo gia, Nho gia đều có nhắc đến “tĩnh khí”.

- Trong Phật gia có câu: “Do giới nhi định, định năng sinh tuệ” (tạm dịch: từ giới mà có thể định, định có thể sinh trí tuệ).

- Đạo gia có câu: “Thục năng trọc dĩ chỉ, tĩnh chi từ thanh, thục năng an dĩ cửu, động chi từ sinh.” (tạm dịch: Ai có thể làm được cái đục yên tĩnh lắng dần xuống thành trong ? Ai có thể làm cho cái yên tĩnh kéo dài, dần trở nên động ?”

- Nho gia: “Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc.” (tạm dịch: biết đến cùng rồi mới định được, định mới có thể tĩnh, tĩnh rồi mới có thể suy nghĩ tinh tường, suy nghĩ tinh tường rồi mới có thể lĩnh ngộ được).

Trong y học, võ thuật, trị quốc cũng đều đề cao “tĩnh khí”.

- Y học có câu: “Tinh thần nội thủ, bệnh tòng an lai.” (tạm dịch: Tinh thần mà giữ cho được nguyên vẹn, thì sẽ không có bệnh tật).

- Quyền gia cũng nói rằng: “Động tắc như long hổ, tĩnh do cổ phật tâm.” (tạm dịch: Động tác như rồng hổ, tâm tĩnh như tâm phật).

- Binh gia có câu: “Vi tương chi đạo, đương tiên trì tâm. Thái sơn băng vu tiền nhi diện bất cải sắc, mi lộc hưng vu tả nhi mục bất thuấn, nhiên hậu khả dĩ chế lợi hại, khả dĩ đãi địch.” (tạm dịch: Đạo làm tướng, trước hết phải giữ được tâm, núi Thái Sơn sụp đổ ngay trước mắt mà sắc mặt không thay đổi, con nai có nhảy múa bên cạnh thì mắt vẫn không liếc).

- Văn nhân cũng nói: “Tĩnh quan vạn vật” (tạm dịch: Tĩnh lặng mà quan sát vạn vật).

Như vậy có thể thấy rõ tầm quan trọng của “tĩnh khí” trong các trường phái và lĩnh vực khác nhau. “Tĩnh khí” có thể khiến người tu luyện Phật gia đạt tới cảnh giới “tứ thiền bát định”. “Tĩnh khí” khiến cho người tu đạo gia, khai huệ khai ngộ, nhập tĩnh mà thành “kim đan đại đạo”. “Tĩnh khí” khiến cho người của bên nho gia đạt được “nhìn xa trông rộng”, hoàn thành tu thân, tề gia trị quốc, bình thiên hạ. “Tĩnh khí” khiến cho người bệnh đạt được thân thể khỏe mạnh, sống lâu. “Tĩnh khí” khiến người học quyền gia dưỡng thành cảnh giới tinh thần “thanh dục đại dũng”. “Tĩnh khí” khiến cho người điều binh có thể thắng địch mà không cần phải đánh. “Tĩnh khí” giúp văn nhân có được linh cảm sáng tác.

“Tĩnh” không chỉ là một loại du dưỡng, là một loại trí tuệ mà cũng là một loại sách lược. Đứng trước một việc, người có “tĩnh khí” gặp nguy mà không loạn sẽ tự có thể sản sinh ra trí huệ mà hóa giải khó khăn. Người “loạn khí” đứng trước một việc sẽ chẳng những không giải quyết được vấn đề mà còn làm hỏng việc. Con người thường vì những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống mà làm vướng bận tâm, thậm chí còn suy nghĩ không ngừng, bị cái tình và dục vọng kìm hãm, không thể dùng lý trí mà nắm giữ chính mình, không thể thấy rõ chân lý của sự vật. Chỉ khi có “tĩnh khí”, con người mới có thể làm chủ được bản thân mình, mới có thể chuyên chú mà suy nghĩ vấn đề, tiếp theo mới có thể có được trí tuệ, thay đổi thế giới khách quan. Thấu hiểu tầm quan trọng của “tĩnh khí”, Tăng Quốc Phiên (tướng quân, nhà nho Lỗi lạc của triều Mãn Thanh, Trung Quốc) đã ra sức khởi xướng “ngồi thiền”.

Xã hội hiện đại ngày nay, hầu như người trẻ tuổi thường bị ảnh hưởng bởi bạo lực, áp lực … khiến trong lòng luôn bất an. Thậm chí có người còn cho rằng, nói mấy lời tranh cãi, dùng mấy đường võ thuật thì đã có thể tự xưng mình là nam tử hán dũng cảm. Nhưng mà, bậc trí huệ đều cho rằng, gặp chuyện mà rút gươm thì đây là cái dũng của kẻ thất phu, không phải đại dũng. Từ xưa đến nay, các bậc thánh hiền đều là những người đại khí, càng là gặp chuyện “kinh thiên động địa” thì càng có thể “tĩnh tâm như nước”, bình tĩnh mà ứng phó mới giải quyết được việc.

“Tĩnh khí” không phải tự nhiên sinh ra mà phải trải qua quá trình tu luyện mới có được. Trong cuộc đời, đứng trước mỗi việc phải: “ít đi một chút xao động, nhiều lên một chút tĩnh khí” thì mọi việc mới thành và cuộc đời mới tốt đẹp.