V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Kính trọng

- Minh Niệm



1. Thương nhau phải kính nhau

Trong bất cứ liên hệ nào cũng cần có sự kính trọng. Bên này luôn thấy được giá trị của bên kia và bên kia luôn thấy được giá trị của bên này thì liên hệ đó sẽ giữ được thế cân đối và bền vững. Có những sự kính trọng bị miễn cưỡng trong những nguyên tắc ràng buộc như tuổi tác, vai vế, địa vị …Tuy nó có thể đem tới sự điều hợp trong chừng mực nào đó, nhưng lại không có tính chất nuôi dưỡng cho nhau. Một sự kính trọng phải xuất phát từ sự công nhận và nể phục của đối phương thì mới đích thực là sự kính trọng chân thành, nó có khả năng làm cho đôi bên có thêm niềm tin và dễ dàng gắn bó sâu sắc nếu muốn tiến xa hơn trong liên hệ tình cảm.

Cho nên càng kính trọng nhau thì càng dễ thương yêu nhau. Từ kính trọng đến thương yêu là khoảng cách rất ngắn. Mà sự thật khi bắt đầu có sự kính trọng là bắt đầu có cảm tình với nhau rồi. Cảm tình trong một giới hạn nhất định sẽ là sự khởi hành tốt đẹp cho bất kỳ mối quan hệ tình cảm nào. Và nếu duy trì được niềm kính trọng ấy trong suốt quá trình sống chung với nhau thì quan hệ đó sẽ nhẹ nhàng như mây, không phải nhọc nhằn vì phải gánh vác cho nhau quá nhiều. Vì nhờ kính trọng mà mỗi bên có ý thức giữ gìn phẩm chất của chính mình và không xâm lấn vào lãnh thổ đã qui định của đối phương. Ta không thể sống với một người không kính trọng mình, trong mắt của họ ta chẳng ra gì, trong trái tim họ ta chẳng có một chỗ đứng nào, họ đến với ta chỉ vì một sự lợi dụng hay một ràng buộc miễn cưỡng nào đó. Bởi lẽ kính trọng là nhu cầu rất lớn của con người.

Không được kính trọng ta rất dễ mất tự tin. Sống chung nhau mà cứ bị tưới tẩm mãi năng lượng thất kính nhau qua lời nói và hành động, thì sớm muộn gì ta cũng lạc mất phương hướng sống, không còn thiện chí muốn hoàn thiện mình, không thấy được cái hay cái đẹp của mình, thậm chí ta cũng không đủ sức để thu gọn những phản ứng tiêu cực bảo vệ cái tôi ích kỷ của mình, dễ dàng bị đồng hóa. Đây cũng là điều kiện rất con người. Cho nên khi thương yêu một người nào thì ta hãy luôn tự hỏi mình có đủ sự kính trọng đối với họ không ? Nếu không, thì ta sẽ khổ và sẽ làm cho người kia khổ.

Người xưa hay nói “kính nhi viễn chi”, ở cách xa nhau mới kính trọng nhau. Điều này cũng đúng, tại vì khi ở gần nhau thì ta rất dễ thấy những khuyết điểm của nhau rồi khinh thường nhau. Một phần do cái ước muốn được sống chung nhau đã được thỏa mãn, ta quá tin cuộc hội ngộ này sẽ bền vững mãi mãi, nên ta không còn cố gắng để giữ mãi hình ảnh đẹp trong mắt người kia nữa, trái lại ta tự làm xấu mình đi bằng những cách sống buông thả theo cảm tính của riêng mình mà không quan tâm tới cảm nhận của đối phương. Một phần do sự kính trọng không đủ lớn, nên chỉ vì một vài hành vi không dễ thương nhỏ nhặt hay trái ý là chạm tới lòng tự ái trong ta, làm ta mất ngay cái nhìn chân thật về những gì người kia đã có, về những gì mà ta đã từng công nhận và nể phục.

2. Xây dựng niềm kính trọng

Vậy nên muốn sống chung với nhau thì ta phải có những nghệ thuật để nuôi dưỡng và giữ gìn sự kính trọng nhau. Trước tiên ta phải biết rõ bên kia có kính trọng mình không ? Nếu thấy họ thương yêu hơn kính trọng thì ta hãy khoan quyết định sống chung, vì cái tình thương đó có thể là lòng thương hại hay chỉ là thứ cảm xúc hời hợt. Họ thương ta là vì họ có nhu cầu được thương chứ họ không chú trọng đến quyền lợi của ta. Tình thương đó tuy rất dễ mặn nồng nhưng lại thiếu tính keo sơn. Chỉ khi nào người kia kính trọng ta thì họ mới chịu trách nhiệm cho cuộc đời ta, họ sẽ biết nên làm gì và không nên làm gì để cho ta có hạnh phúc, vì hạnh phúc của bên này cũng chính là hạnh phúc của bên kia.

Khi tình yêu lên cao ta ít xét nét đến vấn đề kính trọng nhau, chỉ khi nào về sống chung nhau thì cái nhu cầu đó mới hiện ra một cách rõ ràng. Không phải khi yêu là ta không có nhu cầu được kính trọng, nhưng vì cái cảm xúc được yêu mạnh mẽ quá, nó lấn áp hết lý trí, ta thấy bên kia yêu quý mình, nhớ thương mình, si mê mình, thì ta đã thỏa mãn rồi. Đến khi trở thành người của nhau, thay vì tiếp tục phấn đấu để nuôi dưỡng tình yêu cho nhau, thì ta lại bắt đầu quay đi tìm những nhu yếu khác mà ta cho đó là quan trọng hơn, như tích góp tiền bạc hay củng cố địa vị trong xã hội, nên cái cảm xúc yêu đương ngày nào sẽ lắng dịu xuống và cái nhu cầu được kính trọng lại vọt lên cao.

Nhưng cũng thật trớ trêu, trong khi thương yêu ta đã lỡ đánh mất chính mình và đã để lại những hình ảnh rất tầm thường trong tâm trí người kia rồi, bởi niềm kính trọng thường dễ phập phều sau khi cơn bão tình đi ngang qua. Nói cách khác, trong tình yêu mà chất liệu si mê hay hệ lụy nhiều quá thì niềm kính trọng sẽ bị phá vỡ. Một khi niềm kính trọng bị phá vỡ thì càng thương yêu ta lại càng đuối sức, càng thấy tình yêu như cứ muốn nhảy ra khỏi tầm tay mình. Vì vậy trong liên hệ tình cảm, thì tiền bạc, quyền lực hay tài năng không thể tạo nên sự kính trọng chân thành, chỉ có khả năng làm chủ bản thân để cho đạo đức luôn tỏa sáng thì bên kia mới tình nguyện đi theo ta suốt đời. Nếu càng thương nhau mà càng thất kính nhau thì ta phải coi lại tình thương ấy, chắc chắn bản chất của nó không phải là tình thương chân thật, đó có thể là sự trá hình của sự hưởng thụ mà thôi.

Vậy ta phải làm gì để cho sự kính trọng luôn gắn liền với thương yêu ? Điều quan trọng nhất là ta phải biết kềm chế cảm xúc muốn được thương yêu của mình, phải biết tăng giảm một cách có ý thức, có trách nhiệm, không phải cứ dâng tặng hết tất cả là thành công đâu. Lẽ dĩ nhiên bên kia sẽ rất thích thú khi đón nhận tất cả những gì ta dâng tặng, nếu như họ cũng không có ý thức trách nhiệm trong mối liên hệ này. Nhưng sau khi ta đã cho họ hết rồi, ta không còn gì để họ rút tỉa nữa thì họ sẽ coi khinh và sẽ tìm cách đẩy ta ra thôi. Lỗi này ở nơi ta nhiều hơn, vì chính ta đã tập cho họ thói quen nghiện ngập cảm xúc, ta cứ tăng tốc cung cấp thức ăn cảm xúc mỗi ngày nên ta kiệt sức là phải. Bí quyết của tình cảm là luôn giữ tốc độ đều đặn và thỉnh thoảng tăng giảm một cách khôn ngoan.

Tăng giảm tốc độ tình cảm một cách khôn ngoan nghĩa là mình biết lúc nào thêm và lúc nào bớt một cách hợp lý. Khi người kia rơi vào tình cảnh khó khăn, tinh thần suy sụp và mất đi khả năng đứng vững trên đôi chân của mình thì lúc ấy ta sẵn sàng đưa cánh tay tới để chở che nâng đỡ. Còn khi người kia trở nên coi thường sự có mặt hay sự đóng góp của ta chỉ vì họ đang vướng kẹt vào một thứ đam mê nào đó, hay do thói quen bình thường hóa cảm xúc trong họ đang điều khiển, thì ta hãy thu gọn tình cảm của mình lại, tạo ra một khoảng cách cần thiết, xác định lại vị trí của mình một cách khéo léo và tinh tế đủ để bên kia thức tỉnh mà không bị hụt hẫng hay tổn thương.

3. Đừng vội yêu hết mình

Người trẻ bây giờ hay nói “yêu hết mình” để chứng tỏ tình yêu chân thật của họ, họ sẽ dâng trọn con người của họ cho bên kia. Đó là lời nói dối, nhiều khi chính họ cũng không biết mình đang nói dối. Vì trong chiều sâu trái tim họ vẫn muốn được thỏa mãn cảm xúc yêu đương hơn là vì cuộc đời của người kia. Họ có thể bỏ ra tất cả thời gian, năng lực, tiền bạc để chinh phục được đối tượng thương yêu, nhưng khi chiếm hữu được rồi thì họ lại mau chóng nhàm chán, coi thường và ruồng rẫy. Những kẻ yêu hết mình như vậy là những kẻ yêu bằng cảm xúc, yêu bằng con tim ham muốn nhiều hơn là chịu trách nhiệm, yêu như những cơn sốt chứ không phải là để thăng hoa giá trị tinh thần.

Ta nên nhớ tình yêu vốn là vô ngã (non-self), nó làm được từ vô số điều kiện khác nhau chứ không chỉ có cảm xúc yêu đương nồng cháy. Nếu suốt ngày ta cứ quấn vào nhau, không chịu tách rời nửa bước, thì sớm muộn gì tình yêu đó cũng bị lung lay và đổ vỡ. Vì càng quấn vào nhau thì càng tăng thêm cảm xúc thỏa mãn cho nhau, rồi nghiện ngập, rồi đòi hỏi. Nếu một bên không đủ đáp ứng thì bên còn lại sẽ kháng cự, sẽ bực tức, sẽ không chịu nổi và chán chường. Mà quấn vào nhau như vậy thì làm sao ta còn thời gian và năng lực để ít nhất giữ được sự cân đối của mình, ít nhất là giữ được những cái hay cái đẹp mà mình đang có. Huống chi trong tình yêu cũng cần tới khả năng sáng tạo và đột phá của đôi bên, nguồn sống cho bản thân còn không có thì làm sao có thể chia sẻ cho ai khác.

Như vậy, biết lúc nào cần trở về tiếp xúc với những giá trị mầu nhiệm trong đời sống, chăm sóc bản thân hay những mối quan hệ khác, để ta có thêm năng lượng tươi mát, vững chãi và thảnh thơi thì chính là ta đang nuôi dưỡng tình yêu đúng hướng. Đọc một trang sách hay, nấu một bữa ăn ngon, thân cận với những người có sức sống mạnh mẽ, bước ra ngoài tiếp xúc với thiên nhiên, ngắm những đứa bé nô đùa hồn nhiên, giúp đỡ những kẻ khó khăn bất hạnh, tham dự vào những sinh hoạt bổ ích của đoàn thể, ngồi yên để nhìn lại chính mình … đều là những chất liệu quý giá để cho cây tình yêu trổ hoa kết trái. Ta đừng dại khờ bắt người kia phải ngồi ở đó cho ta mãi thì họ sẽ mau chóng héo tàn, rồi tình yêu sẽ chết. Người kia sẽ thật sự khỏe nhẹ khi thấy ta tự biết lo cho bản thân mình, không bắt họ phải gánh vác quá nhiều. Họ sẽ biết ơn và kính trọng ta sâu sắc.

Ta phải luôn thấy rõ giới hạn của mình, có lúc ta cần đến nhau nhưng cũng có lúc ta cần trở về với chính mình. Trở về chính mình để sửa sang lại thân tâm, để ta luôn là nguồn năng lực dự trữ của người kia, để khi người kia cần đến thì ta có cái để hiến tặng. Muốn làm được điều này thì ta phải có đời sống bình an và hạnh phúc khá vững vàng trước khi sáp nhập với người khác, và trong khi chung sống với người khác ta cũng luôn nhớ nuôi dưỡng phẩm chất của riêng mình. Lúc nào thấy tổn thương vì bị thất kính, ta hãy mau chóng trở về chữa lành vết thương của mình trước, đừng khẩn trương truy cứu kẻ khác. Hãy tự hỏi ta đã làm gì khiến cho người kia không kính trọng ta nữa, coi chừng chính thái độ thương yêu bằng cảm xúc đã tố cáo sự yếu đuối và tính dựa dẫm trong ta.

Ta phải tập nói năng cho có chừng mực để người kia không dễ dàng phát hiện ra sơ hở của ta để ta có cơ hội hoàn thiện, và để họ luôn sẵn sàng chú ý lắng nghe mỗi khi ta mở lời. Bởi thói thường cái gì ít là quý, nhiều sẽ dễ đưa tới sự nhàm chán và coi nhẹ. Khi làm điều gì lợi ích cho kẻ khác, nhất là cho người ấy, ta hãy nên làm trong âm thầm lặng lẽ. Một khi phát hiện ra lòng nhiệt thành vô điều kiện của ta, thì niềm kính trọng chân thành trong họ sẽ phát sinh mạnh mẽ. Điều quan trọng nhất là phải luôn giữ được phong độ của mình, luôn giữ vững những điểm son mà người kia đã từng yêu quý và không ngừng chuyển hóa những yếu kém thường gây chướng ngại cho bên kia. Muốn có đủ sự tỉnh thức và thiện chí để làm như vậy, bắt buộc ta phải luôn có một năng lực mạnh mẽ dự trữ. Năng lực đó đến từ đời sống có luyện tập, đời sống tỉnh thức.

Kính trọng là nền tảng của đạo đức, là điều kiện không thể thiếu để thiết lập nền hòa bình của nhân loại. Vì khi kính trọng một người nào thì niềm kiêu hãnh tự hào trong ta sẽ suy yếu, ta thấy được sự tồn tại của mình có liên quan mật thiết đến sự có mặt của đối tượng kia, ta sẽ dùng sự tử tế và lòng chân thành để đối xử nhau mà không xâm hại. Cách đối xử đó là thuận theo nguyên tắc điều hợp của vũ trụ. Như vậy mỗi khi ta có thái độ khinh suất ai thì trước tiên ta hãy tự hỏi mình có đang kẹt vào một nhận thức sai lầm, một thành kiến, hay một nhu cầu nào đó mà không được thỏa mãn không ? Trường hợp biết được lỗi thuộc về người kia, thì ta cũng hãy tự nhắc mình đó chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thể rất tuyệt vời của họ. Ta đừng bao giờ quên, chỉ có hành vi xấu xa chứ không bao giờ có con người xấu xa. Mà từ xấu xa đến đáng khinh miệt là khoảng cách rất lớn, nó tùy thuộc vào sự hiểu biết và dung lượng trái tim của mỗi người.

Kìa đóa hoa thơm ngát
Đang nở nụ cười xinh
Nhìn nhau trong cẩn trọng
Đẹp thay những ân tình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét