- Thích Tuệ Minh
Thưa thầy, con đang niệm Chú Đại Bi, trước giờ thì con ăn chay mỗi khi niệm, để tích công đức và hồi hướng cho oan gia trái chủ đừng theo phá phách nữa. Nhưng mà mấy lúc gần đây, do công việc phải tiếp khách nên con không ăn chay được, như vậy mà con vẫn niệm Chú, có phải là tội lớn lắm không thầy ? Làm sao để giảm được tội này, mong thầy hoan hỷ giải nói cho con.
Phúc đáp:
Trước tiên tôi xin nhắc lại thêm một lần nữa rằng: ĂN CHAY, NIỆM PHẬT không phải đã là TU, và việc ăn chay, niệm Phật đó, KHÔNG CÓ LỢI ÍCH NÀO CHO NGƯỜI KHÁC ngoài bản thân ta cả.
Như vậy nếu nói một cách nôm na dễ hiểu thì ta nên hiểu đó là HÀNH ĐỘNG VÌ BẢN THÂN ta, chứ có phải vì ÔNG PHẬT, ÔNG THẦN, BÁ TÁNH nào đâu mà gọi là CÔNG ĐỨC. Nếu hiểu một cách tận tường thì có thể gọi đó là CÔNG HẠNH tu hành.
Ăn chay là để ươm mầm từ bi trong lòng mình được phát khởi, tức là từ tâm ý dẫn đến hành động ăn chay, đằng này lại hiểu một cách đảo lộn, ngược pháp rằng, TỪ ĂN CHAY SẼ ĐƯA ĐẾN Ý NIỆM TỪ BI, điều này hoàn toàn là ảo tưởng, là mê chấp, không thật.
Có rất nhiều người ăn chay, niệm Phật, tâm ý lại không hề có chuyển biến, họ vẫn bán buôn gian dối, sát sanh, hại vật, cho vay nặng lãi, bức hiếp người nghèo. Nhưng ngược lại, có những người ăn chay tâm ý, tuy khẩu thực còn ăn thịt cá nhưng lòng từ phát khởi, ý niệm nhân từ, họ không giết, không thích giết, không làm hại chúng sanh, nhân từ bác ái, độ lượng, bao dung, sẻ chia, thương mến.
Trong ngũ giới của cư sĩ tại gia không có giới luật ăn chay, cũng không có giới luật Niệm Phật (hay tụng kinh), mà chỉ có giới luật KHÔNG SÁT SANH.
Tất nhiên, như vừa nói, khi đã ăn chay thì có lẽ sẽ không sát sanh, nhưng không sát sanh không đồng nghĩa là ăn chay. Còn niệm Phật thì công đức là từ đâu mà có ? Niệm Phật tụng kinh thì là việc tốt rồi, nhưng niệm Phật cho ai nghe ? Tụng kinh cho ai nghe ? Cho chính bản thân mình nghe, mà ta làm một việc cho chính bản thân ta thì điều đó có gì là CÔNG ĐỨC !
Niệm Phật tụng kinh thì là tốt rồi đó, nhưng nếu ta hiểu rằng đó là công đức thì hoàn toàn sai trái. Thay vì ta dành hơi sức tụng niệm đến kiệt sức, hụt hơi lặp đi lặp lại ê ê a a câu từ nào đó, sao không dành công sức đó để an ủi một người bất hạnh, một lời nói sẻ chia với người lâm cảnh khốn cùng, một lời khuyên ích hữu cho người còn lầm lạc, một tiếng răn lũ trẻ đang chơi đùa nơi con nước lớn hiểm nguy, một cuốc điện hỏi thăm mẹ già, cha yếu … ?
Tất cả những điều tôi vừa kể đó mới chính là công đức thực thụ của một người tu hành, chứ không phải NIỆM PHẬT, TỤNG KINH, ĂN CHAY, LẠY PHẬT rồi gọi đó là CÔNG ĐỨC. Thậm chí khi đọc tụng Thần Chú Đại Bi cũng chỉ là CÔNG HẠNH (nếu có) cho chính bản thân ta, chứ có công đức gì mà kể đếm, mà HỒI HƯỚNG.
Lạ thay, những người mê chấp như thế tự cho mình đã là bậc thượng nhân, đọc được vài ba câu kinh, một vài bài chú, cố gắng kiềm chế cơn thèm khát ăn vài món rau thay món thịt cá hằng ngày, lại nghĩ rằng đó là CÔNG ĐỨC THÙ THẮNG LỚN LAO, xài không hết nên HỒI HƯỚNG (cái này hiểu như một dạng bố thí pháp). Nào là hồi hướng cho thân quyến quá cố, rồi đến hồi hướng cho oan gia trái chủ, hồi hướng cho cả BÁ TÁNH CHÚNG SANH nữa.
Mê chồng thêm mê, chấp dày thêm chấp, ngộ đâu chẳng thấy, chỉ thấy lạc lầm. Rốt cuộc lại thì để trả lời cho câu hỏi, tôi có thể nói ngắn gọn lại rằng:
ĂN CHAY HAY KHÔNG KHI TRÌ CHÚ CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ CÔNG ĐỨC, CÀNG KHÔNG PHẢI LÀ TỘI LỖI GÌ CẢ. Muốn có công đức thì hãy mang giáo lý học được mà hành trì cho đời sống hằng ngày, quán chiếu thân tâm, ý độ ngôn từ, ban pháp, thí pháp cho người hữu duyên, bố thí cúng dàng, phóng sanh, hành thiện, đắp đường xây cầu, dựng tượng in kinh … Chứ gõ mõ, tụng kinh chỉ là điều an trú với chính bản thân mình.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét