V
ô

Ư
u




Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật, mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng

Vô Thường bước xuống nhân gian
Ưu Đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằn khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội Sala ... nguyện cầu !


Nhân sinh nếu chỉ như lần đầu gặp gỡ

- Bạch Lạc Mai



Có lẽ chúng ra thường xuyên sẽ hỏi bản thân, trên thế gian này rốt cuộc có thứ gì không thay đổi ? Đều nói sự vĩnh hằng thực sự là phong cảnh tự nhiên, thế nhưng vạn tượng gió mây trên nhân gian, trăm ngàn năm sau, chúng ta có thể còn khẳng định non xanh nước biếc chưa từng có bất cứ biến đổi nào hay không ?

Một đời của con người, đều từng có một đoạn hoặc vài đoạn buổi đầu gặp gỡ tốt đẹp, chỉ là tình cảm sâu sắc hơn nữa, cũng không ngăn nổi sự mài mòn của thời gian. Tình duyên cũng như một đời của cây cỏ, khô héo tươi tốt đều đã có số phận, bạn từng có hạnh phúc của hoa nở, thì sẽ phải chấp nhận sự lạnh lẽo của hoa tàn. Mùi vị của thế gian cũng tựa một chung trà, không có ai có thể nắm chắc có thể pha chung trà này có vị y như lúc đầu. Tất cả tình cảm đều không ngăn nổi sự đổi thay của năm tháng, nhìn thời gian trôi đi, chúng ta đều bó tay hết cách như thế.

Gánh nặng vì đâu ?

- Sưu tầm



Có câu chuyện như thế này:

『 Một người cảm thấy cuộc sống quá nặng nề, bèn đi tìm nhà triết học Plato cầu mong kiếm được con đường giải thoát. Plato chẳng nói chẳng rằng, chỉ đưa cho ông ta một cái sọt bảo ông đeo lên vai, đồng thời chỉ vào một con đường lổn nhổn đất đá và nói:

- Mỗi khi anh bước đi một bước thì nhặt một hòn đá cho vào sọt, xem thử cảm giác như thế nào.

Người này bắt đầu làm theo lời Plato, còn Plato thì bước nhanh đến đầu kia của con đường. Được một lúc, người kia đã đi đến con đường, Plato hỏi anh ta cảm thấy thế nào. Người kia nói:

- Tôi cảm thấy càng lúc càng nặng !

- Đây chính là nguyên nhân giải thích tại sao anh cảm thấy cuộc đời ngày càng nặng nề - Plato nói. Mỗi người khi đến thế giới này, đều đeo một cái sọt rỗng, mỗi một bước đi trên con đường đời, anh ta đều nhặt một thứ gì đó từ trong thế giới này để bỏ vào sọt, cho nên càng đi càng cảm thấy mệt mỏi.

Người kia hỏi:

- Có cách nào có thể giảm bớt gánh nặng này không ?

Plato hỏi ngược lại anh ta:

- Vậy anh có đồng ý vứt bỏ đi một trong các thứ như công việc, tình yêu, gia đình hay tình bạn không ?

Người kia nghe xong im lặng. Plato nói:

- Nếu thấy khó có thể vứt bỏ thì đừng nghĩ đó là gánh nặng nữa mà nên nghĩ đến niềm vui mà nó mang lại. Cái sọt của mỗi người trong chúng ta không những chứa đựng ân huệ mà ông trời đã ban cho, mà còn có trách nhiệm và nghĩa vụ. Khi anh cảm thấy nặng nề, có lẽ anh đừng vội buồn, có thể cái sọt của người khác còn to hơn, còn nặng hơn của anh nhiều. Nếu cứ nghĩ như thế, chẳng phải trong sọt của anh sẽ bớt nỗi buồn hay sao ?”

Người kia nghe xong chợt hiểu ra … gánh nặng vì đâu ! 』


Ta cứ trách cuộc đời hay méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm ?


Khoảnh khắc thiên thu

- Thích Tánh Tuệ



Khoảng cách là bao giữa Có-Không
Sống-Chết xưa sau một thể đồng
Trăng sáng đêm này, trăng thiên cổ
Hiện bóng nghìn thu trên bến sông

Xuân nay hoa nở màu xuân trước
Khoảnh khắc tương phùng với vạn niên
Ai nhọc mái chèo trôi ngược nước
Đâu biết “bờ kia” ở tại tiền

Một thoáng chớp mi trời đất rộng
Giáp mặt muôn trùng nơi phút giây
Áo ai qua núi bay lồng lộng
Buông tiếng cười khan thoát mộng ngày

Ngăn cách là bao giữa Khóc-Cười
Bến bờ Sinh-Tử thực trò chơi
“Ma ha Bát Nhã ba la mật”
Hạt cát mà ... thiên thu, khắp nơi

Bài học từ tách trà

- Sưu tầm



1.
Một cô gái đến tìm một nhà sư, cô hỏi:

- Thưa thầy, con muốn buông một vài thứ mà không thể, con mệt mỏi quá.

Nhà sư không nói gì, rót nước sôi nóng vào cốc trà cô đang cầm, nước chảy tràn ra tay, làm cô bị phỏng, cô buông tay làm vỡ cốc. Lúc này nhà sư mới từ tốn nói:

- Đau rồi tự khắc sẽ buông ! Vấn đề là, tại sao phải đợi tổn thương thật sâu rồi mới buông ?

2.
Một chàng trai đến tìm nhà sư, anh hỏi:

- Thưa thầy con muốn buông xuôi vài thứ nhưng con do dự quá, con mệt mỏi vô cùng.

Nhà sư đưa anh ta một cái tách và bảo anh cầm, đoạn ông rót đầy tách trà nóng vừa mới pha xong. Chàng trai nóng quá nhưng anh vẫn không buông tay mà chuyển từ tay này sang tay kia cho đến khi nguội đi rồi uống, và cảm nhận thấy rất ngon. Lúc này nhà sư từ tốn nói:

- Cứ đau là buông thì con đã bỏ lỡ những cái tốt đẹp sau đó rồi ! Vấn đề là tại sao cứ đau là phải buông trong khi còn có thể làm cho nó tốt đẹp lên.

TRONG CUỘC ĐỜI VỐN PHỨC TẠP NÀY, CHỈ CÓ TA MỚI BIẾT LÚC NÀO NÊN CẦM LÊN VÀ BỎ XUỐNG CHUYỆN CỦA CHÍNH MÌNH.

Từng giọt thanh lương

- Thích Tánh Tuệ



Xin như là giọt nước
Ngủ trên lá sen mềm
Mặt trời lên thức dậy
Rong chơi cùng gió êm

Xin như là giọt mưa
Rơi ướt hồn đá sỏi
Mầm yêu thương ngủ vùi
Vươn vai trong ngày mới

Xin như là giọt nắng
Thắp trong đôi mắt buồn
Sáng lên niềm hy vọng
Sau tháng ngày đau thương

Xin hóa thành giọt sương
Thăm đóa Quỳnh mới nở
Chúng ta đều Vô Thường
Thương đời nhau tạm bợ

Xin nguyện làm giọt nhớ
Lạc trong trái tim người
Nhắc ai đời mộng mị
Về đi, về đi thôi !

Xin là giọt thanh lương
Trên nhành dương của Mẹ
Một giọt ... khắp mười phương
Xoa dịu lòng nhân thế

Nguyện cho nghìn giọt lệ
Trôi xuôi vạn nỗi niềm
Mắt trong nhìn dâu bể
Vẫn rạng ngời, an nhiên

Chẳng phải từ bên ngoài mà được

- Sưu tầm



Có một vị cư sĩ đang tránh mưa dưới mái hiên, nhìn thấy một vị thiền sư đang cầm dù đi qua. Ngay khi ấy ông liền gọi to rằng:

- Thiền sư ! Ngài độ khắp chúng sinh thử xem nào ! Cho con xin đi nhờ một quãng đường được không ?

Thiền sư nói:

- Ta đang ở trong mưa, còn ông ở dưới mái hiên, mà dưới mái hiên thì không có mưa, vậy ông chẳng cần ta độ.

Vị cư sĩ lập tức chạy ra khỏi mái hiên, đứng ở trong mưa, nói rằng:

- Hiện tại con cũng ở trong mưa, con đáng được độ rồi nhé !

Thiền sư:

- Ta ở trong mưa, ông cũng trong mưa, ta chẳng bị ướt mưa, do vì có dù, ông bị mưa ướt, nhân vì không dù. Do đó, chẳng phải là ta có khả năng độ ai mà là do dù (Pháp) độ ta. Ông nếu muốn được độ, chẳng cần nhờ đến ta, xin mời hãy tự tìm dù tự che nhé !

Nói xong liền đi mất.

Lời bình:

Chính mình có dù, liền chẳng có thể bị mưa ướt. Nếu mình sống với Chân Như Phật tính, thì chẳng bị ma mê hoặc. Trời mưa chẳng mang dù, lại ỷ lại người khác có thể giúp mình. Bình thường chẳng tìm về tự tánh, tưởng người khác có thể đưa mình ra khỏi sinh tử sao ? Kho báu nhà mình chẳng đem ra dùng, mãi mong cầu người khác giúp, há được thỏa lòng mãn ý ư ?

Cây dù của mình tự che cho chính mình. Tự tánh, tự độ, tất cả việc phải cầu nơi chính mình. Thiền sư chẳng chấp nhận cho mượn cây dù, đây rõ ràng chính là lòng từ bi rộng lớn của thiền sư vậy. Hãy biết cách khai phá giá gia tài sẵn có của mình, vì chân hạnh phúc chẳng phải từ bên ngoài mà có được.

Danh ngôn (34)

- Manwater



Trong cuộc sống thực tế, tương đối nhiều hơn tuyệt đối. Vậy khi phán quyết ta nên dè dặt, tránh những thái độ tuyệt đối.

Ngọn nến không cháy

- Sưu tầm



Trong thành phố nọ có hai cha con sống với nhau rất vui vẻ, hạnh phúc. Một hôm, đứa bé gái chẳng may bị bệnh và ra đi mãi mãi. Người cha quá đau khổ, tuyệt vọng, quay lưng lại với tất cả mọi người. Ông chẳng thiết tha gì với cuộc sống nữa. Ông tự nhốt mình trong phòng và khóc mãi.

Một hôm, ngưòi cha ngủ thiếp đi và ông mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, ông gặp một đoàn người rước đèn. Tất cả ngọn đèn đều lung linh toả sáng, trừ ngọn đèn của đứa bé cuối. Đứa bé ấy cầm một ngọn nến không được thắp sáng. Nhìn kỹ hơn, ông nhận ra đứa bé ấy chính là đứa con gái bé bỏng của mình. Ông tiến lại gần và hỏi con rằng: “Tại sao nến của con lại không cháy ?”, bé gái đã đáp rằng: “Con đã cố lắm nhưng không được cha à ! Mỗi lần con thắp lên ngọn nến thì những giọt nước mắt của cha lại dập tắt hết ngọn nến của con …” Đến đó thì người cha choàng tỉnh. Từ đó, ông lấy lại thăng bằng, lại sống vui vẻ, giúp đỡ mọi người xung quanh bởi ông không muốn những giọt nước mắt của ông lại dập tắt ngọn nến hy vọng của con ông.

Nước mắt chỉ có thể xoa dịu phần nào chứ không thể làm tan biến hoàn toàn nỗi mất mát lớn lao. Hãy cứ khóc khi bạn cần, nhưng hãy đứng lên vững vàng bạn nhé ! Bởi ngoài kia, đâu đó, ở một nơi nào đó, người thân của bạn đang nhìn bạn mỉm cười. Đừng bao giờ để nước mắt che mờ con đường bạn đang bước đi ...

Thiên thu đẹp mãi nụ cười

- Thích Tánh Tuệ

Có một nụ cười ...
mãi rạng ngời không tắt
khi chiều về hoàng hôn rơi tím ngắt
hay lúc trời rực rỡ sắc ban mai

Nụ cười mãn khai ...
mãi hoài cùng năm tháng
mới hôm qua đời bỗng buồn vô hạn
chiêm ngưỡng nụ cười, lòng quang rạng sầu tư

Ôi ! Nụ cười Chân Như ...
bóng dáng Đại Từ vô lượng
xin cất lấy nụ cười vào sâu trong tâm tưởng
để thấy lòng ta luôn độ lượng quanh đời

Khi nhân loại biếng cười ...
vì nhiều khổ đau trầm thống
xin nguyện làm nụ cười nở trên môi đời sống
biên giới phai mờ, lòng rộng mở niềm thương



Chuyện hai người quét rác

- Đào Văn Bình



Vào sáng Chủ Nhật, có thể là do ngày nghỉ rảnh rỗi, một người đàn ông trung niên lúi húi quét dọn trước cửa nhà. Ông cầm chiếc chổi và đồ hốt rác quét sạch vỉa hè rồi quét dọc theo lề đường, cẩn thận gom tất cả đám cát, bao ni-lông, mẩu thuốc lá, ly giấy, lá khô và đủ thứ rác rưởi của xã hội văn minh vào thùng, đậy nắp cẩn thận, đặt ngay ngắn xuống lòng đường, để ngày mai xe rác của thành phố lấy đi. Hình như ông là người duy nhất ở khu phố này cầm chổi quét lòng đường và vỉa hè.

Thói thường đều cho rằng chuyện đường phố sạch dơ để thành phố lo. Hơi đâu “bao đồng” chuyện nhà nước ? Thế nhưng cứ mỗi lần qua khu Japan Town, ông lại cảm phục người Nhật về tinh thần tự trọng và yêu mến thành phố của họ. Lúc nào ông cũng thấy những ông, bà Nhật lúi húi quét dọn vỉa hè và lòng đường. Chính vì thế mà cả khu Japan Town lúc nào cũng sạch trơn. Chỉ cần bước qua ranh giới của Japan Town là một hình ảnh thật tương phản. Sự sạch sẽ, khang trang chỉ cách nhau một sợi chỉ. Có lần ông dừng xe lại hỏi thăm thì được các ông bà Nhật nói:

“Chúng tôi quan niệm rằng đường phố thuộc về người dân, không hoàn toàn thuộc về chính phủ. Do đó giữ gìn đường phố sạch sẽ cũng là trách nhiệm của người dân. Đồng ý là chúng tôi có đóng thuế để thành phố lo chuyện vệ sinh nhưng giờ đây thành phố có quá nhiều việc phải lo hoặc lo không xuể. Chúng tôi không ngồi đó than trời trách đất. Nếu muốn sở rác phục vụ tốt hơn thì chúng tôi lại phải đóng thêm thuế. Thôi thì chúng tôi chia sẻ trách nhiệm với nhà nước mà cũng là để giữ gìn đường phố của chính mình. Chẳng mất mát gì cả. Tới một thành phố khang trang sạch sẽ người ta cảm phục cả đất nước lẫn con người ở đó. Chúng tôi yêu khu phố của chúng tôi và cũng muốn khách vãng lai yêu mến nó.”

Chính vì cảm phục người Nhật mà tuần nào ông cũng làm công việc này mà chẳng than phiền chi cả. Khi nhận thấy vỉa hè và lòng đường đã khá sạch, ông toan thu dọn để bước vào nhà thì một thanh niên từ xa bước tới, miệng phì phèo điếu thuốc. Chỉ cần nhìn cách ăn mặc và đi đứng, người ta có thể nhận ra đây là một chàng thanh niên ngang tàng. Khi tới chỗ ông đang đứng, người thanh niên rít hơi cuối cùng rồi coi như không có ai, thản nhiên quăng mẩu thuốc lá xuống đường. Nhìn mẩu thuốc là nằm tênh hênh trên mặt vỉa hè sạch trơn, dường như nó có vẻ “phá hoại” và trêu ngươi, cho nên người đàn ông tức giận, lớn tiếng gọi người thanh niên:

- Này, yêu cầu quay lại nhặt tàn thuốc lá lên nghe !

Người thanh niên đã đi cách xa ông khoảng năm sáu bước, nghe gọi thế quay đầu lại nhìn với vẻ hết sức ngạc nhiên. Anh ta ngạc nhiên vì có thể cả trăm lần quăng mẩu thuốc lá như thế này mà chẳng ai phản ứng gì, nay có một “gã điên” làm chuyện không giống ai. Anh ta quay lại, sẵng giọng hỏi:

- Ông nói gì ?

- Yêu cầu cậu nhặt mẩu thuốc lá lên !

Mặt chàng thanh niên đỏ gay:

- Bộ đường phố này của ông hả ?

Người đàn ông trả lời ngay:

- Không phải của tôi nhưng tôi quét dọn sạch sẽ. Người tự trọng không bao giờ xả rác bừa bãi. Cậu hiểu điều đó không ? Tôi yêu cầu cậu nhặt lên !

Tự ái bị tổn thương, người thanh niên không cần phân biệt đúng sai, nói như gây sự:

- Không nhặt thì sao ?

Sự lớn tiếng qua lại giữa hai bên làm người trong nhà chạy ra, người qua lại trên hè phố tò mò đứng lại. Cuối cùng tất cả đều thấy đây không phải chuyện đại sự cho nên xúm vào can gián. Cuối cùng người thanh niên hậm hực bỏ đi còn người đàn ông đứng phân bua một hồi rồi bực bội bước vào nhà.

。。。

Ba ngày sau, tại một khu phố khác cách đó khoảng năm sáu con đường, người ta thấy một vị sư đang quét rác tại cổng một ngôi chùa. Hôm nay là Thứ Hai chùa vắng, Phật tử đi làm hết, sau hai ngày cuối tuần bận rộn với sinh hoạt và lễ lạc, rác đã thấy lai rai trên sân. Ngoài ra, còn lá trên cây rụng xuống cho nên thầy trụ trì ra công quét dọn, vừa vận động vừa làm sạch trong ngoài. Đối với người xuất gia, quét rác cũng là “công phu”. Sau khi cổng chùa đã sạch sẽ, sư toan đẩy thùng rác trở vào thì một chàng thanh niên tà tà bước tới. Đây chính là anh chàng đã gây sự với người đàn ông quét rác ba ngày trước.

Khi đi tới cổng chùa, có thể do vô tình, do quán tính, cố tật, hoặc đãng trí, sau khi mở bao thuốc lá, chàng ta rút ra một điếu, châm lửa. Thấy bao thuốc đã hết, chàng ta quăng cả chiếc bao trống không dưới chân bức tường cạnh cổng chùa rồi thản nhiên bước đi. Thế nhưng khi bước đi khoảng năm sáu thước, có thể do nhớ lại cuộc “đụng độ” với người đàn ông trước đây, chàng ta quay đầu lại xem sự thể như thế nào.

Trái với phỏng đoán của mình, vị sư bình thản bước tới chân bức tường, cúi xuống nhặt bao thuốc lá lên, quay lại thùng rác, mở một bao rác nhỏ, bỏ bao thuốc lá trống vào bên trong, cột trở lại, bỏ vào thùng rác rồi lặng lẽ đẩy thùng rác vào bên trong sân chùa, không hề quay nhìn chàng thanh niên … đang ngạc nhiên đứng đó.

。。。

Ngày hôm sau, chàng thanh niên tới thăm vị sư. Sau khi giới thiệu mình chính là người xả rác trước cổng chùa. Chàng ta kể lại chuyện “đụng độ” với người đàn ông rồi hỏi:

- Thưa thầy, tại sao cùng một chuyện mà thầy lại có lối cư xử nhẹ nhàng hơn người đàn ông kia ?

Sư hiền từ đáp:

- Người đàn ông đó là một công dân tốt. Một công dân tốt do làm tròn bổn phận của mình cho nên thường thẳng thắn nói lên cái sai của người khác để cùng nhau sửa chữa trong tinh thần ôn hòa. Tuy nhiên cách hành xử giữa một người thường và một người xuất gia có khác nhau. Người xuất gia không nói về cái lỗi của kẻ khác mà kham nhẫn để kẻ phạm lỗi giác ngộ mà tu sửa. Hai lối hành xử đó không cái nào hơn cái nào, “vạn pháp đều bình đẳng”, chỉ tùy duyên ứng xử mà thôi.

Một căn nhà, một ngôi chùa, một khu phố hoặc nơi làm việc cần phải sạch sẽ. Sự sạch sẽ làm trang nghiêm cuộc sống và thế giới. Ngay đầu óc chúng ta cũng cần sạch sẽ. Muốn sạch sẽ thì phải quét rác. Một chiếc máy điện tử muốn tốt cũng phải “đổ rác”. Đầu óc con người muốn thanh tịnh, sạch sẽ cũng phải “đổ rác” - đổ bớt rác rưởi của tâm hồn. Những ý nghĩ bất tịnh, tương tranh, thù hận, đố kỵ tỵ hiềm, những tư tưởng loại trừ, kỳ thị, ghét bỏ đều là rác rưởi của tâm hồn. “Quét rác” và “đổ rác” là việc làm thường xuyên của người nào muốn tâm hồn thanh tịnh. Từ thanh tịnh mà có thanh thản. Vì thanh thản cho nên không động tâm. Vì tâm không động cho nên ít gây đổ vỡ.

。。。

Ba ngày sau, chàng thanh niên tìm tới nhà người đàn ông, nói lời xin lỗi. Chàng học được một bài học nơi sư: “Thay vì xả rác xuống đường hoặc nơi công cộng thì nên xả bớt rác trong tâm hồn mình !”

Lời người kể chuyện:

Ngoài đức tính kham nhẫn, có thể sư đã đạt tới mức “vô phân biệt”. Sư cứ thấy rác thì quét mà không hề phân biệt rác từ cây đổ xuống, Phật tử xả ra, nam hay nữ, lạ hay quen … cho nên rác của chàng thanh niên cũng thế thôi. Chính vì “vô phân biệt” cho nên sư không động tâm. Không động tâm cho nên sư đã quét rác trong trạng thái “vô tâm”. Mà vô tâm thì an lành.

Như một dòng sông

- Quang Minh



Trang đời cười vỡ mộng
Hoa lá một chiều say
Đất trời nghiêng đổ bóng
Chim hót gió lung lay

Dòng sông đi đi mãi
Tưới tẩm ruộng đồng khoai
Còn chi bận tháng ngày
Theo tiếng gió mây bay

Pháp Hoa trang ngồi tụng
Tiếng mõ vang bên tai
Chuổi hạt quên ngày tháng
Bình minh thở ban mai

Lất phất mưa bay bay
Rừng núi trơ tháng ngày
Mây tan nào có mất
Lất phất mưa bay bay

Có ai ở đời mãi đâu mà … “giận với hờn”

- Bùi Hiền
- Lược ghi bài giảng: “Những cái vui trong đạo Phật” của HT. Thích Thanh Từ



Hỷ xả là cái đức rất cần thiết và quý báu cho cuộc sống hiện tại của chúng ta. Muốn được vui, muốn được tươi đẹp, sống lâu thì chúng ta phải tu hạnh hỷ xả. Người nào ôm lòng phiền hận thì đau khổ.

Nếu chúng ta có tài vật dư giả nên vui vẻ xả, giúp cho những người bần cùng đói rách. Của cải do mồ hôi nước mắt mình tạo, mình cảm thấy đủ hay dư thì vui xả cho những người nghèo thiếu hay những người ít ỏi hơn. Đó là hỷ xả tài vật bên ngoài. Tuy vậy cũng hơi khó làm, vì có nhiều người, kẻ khác thấy họ dư mà bản thân họ lại thấy thiếu. Có một đồng muốn hai đồng, có hai đồng muốn mười đồng, có mười đồng muốn ba mươi đồng, muốn cho đến ngày tắt thở mà vẫn thấy chưa đủ. Như vậy làm sao xả được ? Cho nên muốn hỷ xả chúng ta phải học Phật.

Phật dạy ít muốn, biết đủ. Chúng ta biết đủ thì mới xả được, không biết đủ thì không thể nào xả được. Người không biết đủ giống như cái túi không đáy, bỏ vào bao nhiêu tuột hết bấy nhiêu, bỏ bao nhiêu cũng không đầy, do cái bệnh không biết đủ, như vậy làm sao mà xả ? Ví dụ mỗi ngày buổi trưa chúng ta ăn ba chén cơm là đủ no, dù có đồ ăn ngon, chúng ta cũng ăn ba chén, phần dư thì giúp cho người, hoặc cho vật. Dù đấy là phần dư của mình, nhưng cũng là một lối xả. Chớ nên ăn ba chén vừa no, thấy đồ ăn ngon, ăn thêm nữa, như vậy là phí phạm, vì lượng thức ăn chừng đó là đủ, ăn thêm là dư.

Đó là nói về cái ăn, còn bao nhiêu cái khác. Chẳng hạn như cái mặc, chúng ta có ba bộ đồ đủ để mặc, thêm bộ thứ tư là dư rồi nhưng có bộ thứ tư thấy chưa đủ, mua thêm bộ thứ năm cũng thấy chưa đủ nữa. Như vậy chừng nào mới đủ để xả ? Không biết đủ thì không bao giờ xả được. Muốn xả phải biết đủ, biết đủ mới xả được, của dư đem giúp người không một chút luyến tiếc. Đó là tâm hỷ xả, vui vẻ giúp người chớ không bị bắt buộc.

Hỷ xả tài vật tuy khó nhưng dễ hơn hỷ xả cố chấp phiền muộn ở tâm. Khi có người làm phiền mình thì gương mặt buồn hoặc nhăn nhó. Muốn hết phiền phải tập xả, xả này là tha thứ, là bỏ qua. Phiền ở đây là phiền não và sân hận. Hai thứ đó chất chứa trong lòng, mình phải buông xả nó đi. Người nào ôm lòng phiền hận thì đau khổ, đau khổ từ hiện tại cho đến mai kia, chớ không phải đau khổ trong hiện tại thôi. Vì vậy, khi biết mình đang ôm lòng phiền hận người này kẻ khác thì phải vui vẻ bỏ, nghĩa là bao nhiêu cái phiền muộn đang chứa chấp trong lòng phải hỷ xả hết. Muốn xả của cải chúng ta phải biết đủ. Muốn bỏ phiền hận phải làm sao ?

Muốn bỏ phiền hận trong lòng, chúng ta phải thấy cuộc đời là vô thường, cái chết đang kề cận, ôm phiền hận làm gì. Do nghĩ cái chết sắp đến nên chúng ta buông xả được phiền hận. Phiền hận chỉ làm khổ mình, khổ người, không lợi cho ai cả. Quán xét như vậy chúng ta buông hết, không buồn giận ai, lo tu cho tâm an ổn. Chúng ta thấy cuộc đời như ảo mộng, ngày nay có mặt đây, ngày mai đã mất rồi. Sống trong tạm bợ mong manh, mình tạm bợ, người tạm bợ … Vậy tại sao không thương nhau, nâng đỡ nhau ?

Nếu chúng ta biết mình là người bị kêu án tử hình và những người xung quanh cũng bị kêu án tử hình thì đâu có buồn giận nhau. Trong cuộc sống hằng ngày khi lẫn lộn chung chạ nhau, có dẫm lên nhau hay có làm phiền toái nhau cũng bỏ qua. Phải nghĩ đến cái chết, chớ để tâm buồn giận. Nghĩ đến cái chết, chúng ta mới thấy cuộc đời là tạm bợ, sống không có cái gì bảo đảm. Vậy buồn giận nhau để làm gì ? Hãy buông xả hết những gì chứa chấp trong lòng. Có ai ở đời mãi đâu mà giận với hờn.

Chúng ta đã học Phật, vậy có tập được hạnh buông xả chưa ? Đi chùa cúng Phật có còn giận hờn bạn bè anh em không ? Nếu ai còn phiền giận thì ngay bây giờ hãy nguyện đức Phật chứng minh xả hết, cho lòng trống rỗng không còn vướng bận việc gì. Dù có buồn giận ai từ mười năm hay hai-ba mươi năm, ngày nay dứt khoát phải xả. Phiền hận là rắn độc, dại gì chúng ta chứa rắn độc trong nhà. Nếu chứa rắn độc trong nhà thì sớm muộn gì cũng bị nó cắn. Thế nên khi biết phiền não là rắn độc thì phải xả ngay, đuổi ra khỏi nhà, không dung chứa nó. Biết như vậy là tu đó. Phiền hận thì không vui, hết phiền hận, tâm hồn rỗng rang trống trải thì rất vui vẻ.

Muốn được vui vẻ, chúng ta phải tập hỷ xả những vật bên ngoài, hỷ xả những phiền hận trong lòng. Trong ngoài đều hỷ xả hết mới có cái vui chân thật. Sở dĩ Đức Phật Di Lặc cười hoài là vì Ngài hỷ xả, còn chúng ta buồn hoài là vì chúng ta cố chấp phiền hận. Cố chấp phiền hận là nguyên nhân của đau khổ, của bệnh tật, rất xấu xa đê hèn, dứt khoát phải xả bỏ. Mọi người ai cũng muốn mình là người vui tươi, ai cũng muốn mình là người sung sướng, nhưng tại sao lại chứa cái nhân đau khổ ? Có phải tự mình mâu thuẫn với mình không ? Khi nào giận ai, buồn ai là biết mình đang hại mình làm cho mình xấu xa, làm cho mình đau khổ, làm cho mình bệnh hoạn.

Tâm tịnh thì cõi tịnh

- Hạo Nhiên
- Theo Tinh Vân thiền thoại



Có một vị nam cư sĩ mỗi ngày thường hái hoa tươi trong vườn nhà mình đem đến chùa chí thành dâng cúng Phật. Một hôm, khi đem hoa đến điện Phật, chợt gặp Thiền sư Vô Đức từ pháp đường đi ra. Thiền sư hoan hỷ nói:

- Lành thay ! Lành thay ! Mỗi ngày anh đều đem hương hoa chí thành dâng cúng Phật, theo kinh nói, thường dùng hương hoa cúng dường, đời sau sẽ được phước báo thân tướng trang nghiêm.

Cư sĩ nghe nói, vui vẻ đáp:

- Đó là bổn phận con phải làm. Mỗi ngày khi đến chùa lễ Phật thì tâm con mát mẻ, giống như được tẩy rửa, nhưng khi về đến nhà thì lại phiền muộn. Bà nội trợ thường phiền hà ồn náo như cái chợ, con làm sao giữ gìn tâm mình cho thanh tịnh thuần khiết ?

Thiền sư Vô Đức hỏi:

- Ông thường dùng hoa tươi cúng Phật, hẳn có ít nhiều kiến thức về cắm hoa, bây giờ tôi hỏi ông, làm cách nào để giữ cho hoa được tươi lâu, tốt đẹp ?

Cư sĩ đáp:

- Muốn giữ gìn hoa được tươi lâu, mỗi ngày phải thay nước, và khi thay nước nên cắt bỏ một phần dưới cành hoa đi, vì phần cành nằm trong nước dễ bị thối rữa. Khi cành thối rữa thì khó hấp thu nước, làm cho hoa mau héo tàn.

Thiền sư Vô Đức nói:

- Giữ gìn cái tâm thanh tịnh thuần khiết cũng giống như thế. Hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta giống như nước trong bình, còn chúng ta là hoa. Chỉ có thường xuyên lọc sạch thân tâm, sửa đổi tính tình và luôn luôn sám hối, sửa đổi khuyết điểm mới có thể tạo nên sự tươi mát, an nhiên.

Nghe xong, cư sĩ hoan hỷ làm lễ cảm tạ:

- Cám ơn thiền sư khai thị cho con ! Hy vọng sau này có cơ hội, con sẽ thân cận thiền sư, ở trong tự viện làm thiền giả, an hưởng chuông sớm mõ chiều, yên tâm tĩnh trí trong tiếng kệ lời kinh.

Thiền sư Vô Đức nói:

- Đâu cần đợi cơ hội đến ở trong tự viện, ông hít vô thở ra đó là kinh kệ, mạch đập đó là chuông mõ, thân thể là chùa chiền, hai tai là tỉnh giác thì ở đâu cũng yên tĩnh.

BÀI HỌC ĐẠO LÝ:

Nước trong bình tự nó không thể trở nên hôi thối nếu không cắm hoa vào. Hoàn cảnh sống của chúng ta cũng như thế, sẽ không rắc rối, phiền phức … nếu chẳng có những tâm niệm xấu ác hiện hành. Kinh Phật nói “Tâm tịnh thì cõi tịnh”, một khi tâm thanh tịnh thì ở đâu cũng là đạo tràng, trở thành Tịnh độ. Vì vậy, mấu chốt của việc tu tập là luôn tịnh hóa thân tâm của mình. Nhiều người nghĩ rằng, cuộc đời vốn đầy dẫy những nhiễm ô, tệ nạn, cám dỗ, nên khó giữ tâm trong sạch. Họ ước muốn có một hoàn cảnh sống tốt hơn để có thể tu tập, và hẹn một ngày nào đó có cơ hội sẽ vô chùa tu chẳng hạn. Nhưng họ đâu biết rằng, nếu đem tâm niệm bất thiện vào chùa thì cũng khó giữ được thanh tịnh chốn thiền môn.

Kinh Bát Đại Nhân Giác nói: “Tuy vi tục nhân, bất nhiễm thế lạc”, đó là nhân cách của người học Phật. Vẫn sống giữa cuộc đời, phải đối mặt với cơm ăn áo mặc, bon chen danh lợi, nói chung bị vây quanh bởi tiền tài, danh vọng, sắc dục … mà người con Phật vẫn nỗ lực để luôn giữ mình trong sạch, không bị thói đời chi phối, vẩn đục. Để làm được điều này, trước hết bản thân mỗi chúng ta phải “tự tịnh kỳ ý”, tức làm sạch tâm ý của mình. Một khi tâm ý đã thanh tịnh thì mình có thể “Nhẫn nhịn đời nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai xử. Tùy thuận thế gian nhưng không bị nhấn chìm trong dòng xoáy dơ bẩn của thế gian !”

Kinh Duy Ma nói: “Chúng sinh là Tịnh độ của Bồ Tát”. Chúng ta chưa phải là Bồ Tát nhưng nếu có thể giữ “tâm bình khí hòa”, biết lắng nghe và chia sẻ trong tinh thần hiểu biết - thương yêu, thì mỗi gia đình của chúng ta cũng sẽ biến thành một Tịnh độ nho nhỏ !


Thầm nhận

- Thích Tánh Tuệ



Bỗng nhiên ta gặp lại mình
Giữa dòng hư thực bồng bềnh nhân gian
Như bình minh gặp hôn hoàng
Như hoàng hôn chợt ... ngỡ ngàng bình minh

Trải qua mấy độ phiêu linh
Mỏi mòn ta đuổi cái hình bóng ta
Bây chừ, dừng lại, hiểu ra ...
Phật Âm trong tiếng Sơn Ca trước chùa

Nực cười dạo ấy a dua
Nhón chân cao để hơn thua sự đời
Đâu hay, kiếp sống tuyệt vời
Vi vu tiếng sáo bên trời, mặc nhiên

Chiều nay về lại non thiêng
Kết mây ngàn đóa Bạch Liên tặng người

Danh ngôn (33)

- . . . -



Người quân tử không ghen tỵ khi người hơn mình, và không kiêu căng khi mình hơn người.

Nhàm chán

- Minh Niệm



● Điều kiện môi trường

Do di truyền khác nhau và điều kiện lớn lên khác nhau nên mỗi cá thể sở hữu một bản năng khác nhau. Nói đúng hơn là có những bản năng đã được thuần phục cho thuận với nguyên tắc điều hợp của vũ trụ và sự tiến hóa của xã hội, nhưng cũng có những bản năng còn rất hoang sơ chỉ biết đi tìm những gì đem tới cảm xúc thỏa mãn cho chính bản thân mà không suy xét đến những cái giá rất đắc phải trả. Cho nên chân – thiện – mỹ là mục tiêu phấn đấu cao cả của con người, ai không tiếp xúc được ba chất liệu đó thì vẫn chưa thể hiện được chức năng thiêng liêng mà trời đất đã hiến tặng, và vẫn chưa đạt được giá trị hạnh phúc và bình an thật sự trong đời sống. Kẻ ấy vẫn chưa có phương hướng sống.

Khi một đứa bé không còn ưa thích món đồ chơi mới mua ngày hôm qua mà chính nó đã nài nỉ đòi có cho bằng được, thì ta biết đứa bé này có khuynh hướng mau chóng nhàm chán. Nhàm chán là thuộc tính của tất cả những ai đang sở hữu bản năng cảm xúc quá mạnh. Bản năng này sẽ thúc đẩy ta tìm kiếm những đối tượng có thể đem tới sự dễ chịu thoải mái cho các giác quan như “bắt mắt”, “êm tai”, “hợp khẩu vị” … mà lý trí không đủ sức can thiệp rằng ta chưa đủ khả năng để nắm bắt đối tượng đó, hoặc nếu ta nắm bắt được thì nó sẽ ảnh hưởng đến đời sống của ta và những người sống chung quanh ta ra sao. Chỉ khi nào cơn cảm xúc tàn rụi thì ta mới biết sự chọn lựa ấy là sai lầm đáng tiếc.

Đây là một tâm lý rất xấu đã hình thành ngay từ thuở nhỏ mà chúng ta ít được người lớn chỉ vẽ và lưu ý tới. Nếu ta sinh ra trong một gia đình nghéo khó, hoặc lớn lên trong bối cảnh xã hội có nền kinh tế lạc hậu, thì sự chọn lựa những thứ mà ta yêu thích sẽ bị giới hạn. Bản năng ấy có thể bị cô lập hóa đến mức xói mòn nếu điệu kiện không thể chọn lựa duy trì trong khoảng thời gian khá dài, đủ để bản năng hình thành một thói quen hay bản tính mới. Cái này cũng tùy, nhưng phần lớn những đứa bé không có điều kiện hưởng thụ từ nhỏ thì bản tính nhàm chán không có cơ hội phát triển. Ta hãy quan sát một đứa bé sở hữu hàng chục món đồ chơi đắt tiền, nhưng nó vẫn cứ đòi mua những món đồ chơi khác mà nó đã thấy của bạn bè hay quảng cáo trên ti vi. Gặp cha mẹ quá bận rộn, thay vì giải thích cho con hiểu đó là thói quen không tốt hay tìm cho con những sinh hoạt khác lành mạnh hơn, thì cha mẹ lại nuông chìu để cho con vui và cho mình khỏe.

Lớn lên nếu ta trở thành một thiếu nữ xinh đẹp hay một chàng thanh niên đa tài thì ta nghiễm nhiên được nhiều người ngưỡng mộ và yêu thích, ta lại có điều kiện được chọn lựa và mau chóng nhàm chán. Hễ dễ dàng chọn lựa là mau chóng đưa tới sự nhàm chán, đó là cấu trúc rất tự nhiên của tâm lý. Rồi khi ta kiếm được nhiều tiền, ta có quyền mua sắm mọi thứ trang phục, xe cộ, nhà cửa … theo ý mình, song chẳng mấy chốc ta lại muốn thay đổi kiểu dáng khác. Ta chỉ đơn giản phát biểu rằng ta không thích kiểu đó nữa, kiểu đó xưa rồi, kiểu đó không hợp với “gu” (gout) mới của những giới sành điệu, nhưng ta không hề biết rằng mình đang bị cảm xúc điều khiển, đang nuôi dưỡng thói quen nhàm chán mà nó là tiền đề cho những cuộc tình sớm vội tàn phai hay đổ vỡ trong tương lai.

● Từ nhàm chán đến phản bội

Khi ta nói nhàm chán nhau tức là ta cho rằng đối tượng kia đã có sự xuống cấp, không còn khả năng hấp dẫn hay tạo nên sự mến mộ trong ta nữa. Sự xuống cấp ấy có thể là hình thức bên ngoài hoặc là phẩm chất đạo đức bên trong. Nếu vì sự xuống cấp hình thức bên ngoài mà khiến ta trở nên nhàm chán tức là trước kia ta đến với nhau bằng cảm xúc thỏa mãn hơn là tình yêu đích thực. Khi ấy mỗi bên cố gắng đem tới sự mới lạ về hình thức để đáp ứng nhu cầu yêu thích của đối phương, dù có khi phải vắt kiệt năng lượng mới có thể tạo dựng được một hình ảnh ấn tượng, mục đích không gì hơn là khiến cho bên kia hệ lụy vào mình hơn, biến họ thành đối tượng sở hữu vững chắc của mình hơn.

Nhưng làm sao người kia đủ sức để tạo dựng những hình ảnh gợi cảm mới lạ mãi được. Tại vì họ còn bao nhiêu chuyện cần phải làm chứ đâu phải lúc nào cũng giành hết năng lực cho ta, vả lại, nhu cầu hưởng thụ của ta cứ tăng tốc mà năng lực trong người kia cứ suy giảm theo thời gian. Và khi người kia không còn đủ sức để cung cấp thức ăn cảm xúc cho ta nữa, ta sẽ lâm vào tình trạng đói khát và sự phản bội sẽ dễ dàng xảy ra. Ta trách người kia cũng đúng vì chính họ đã nuông chìu ta, đã tập cho ta thói quen yêu bằng cảm xúc thay vì đánh thức ta thăng hoa những giá trị tâm hồn. Nhưng lỗi ở nơi ta nhiều hơn, ta biết “mới chuộng cũ vong” là bản tính nằm trong máu thịt của mình, đáng lẽ ta phải tìm cách chế phục nó trước khi quyết định sống chung với người khác, thì ta lại biến đối tượng thương yêu trở thành kẻ phục tùng cho bản năng hưởng thụ quá lớn của mình.

Nếu vì sự xuống cấp về phẩm chất bên trong của người kia mà khiến ta trở nên nhàm chán thì chứng tỏ tình yêu của ta giành cho họ chưa đủ lớn. Lẽ dĩ nhiên là khi người kia không còn giữ được những cái hay cái đẹp trong tâm hồn mà ta đã từng ngưỡng mộ, trái lại họ còn tập tành theo những thói quen mới rất kỳ cục khiến ta vô cùng khó chịu và mệt mỏi, thì sự đổ vỡ hình ảnh đẹp là điều có thể xảy ra. Nhưng ta sẽ không dễ dàng nhàm chán và đi tới sự ruồng rẫy nếu lý trí trong ta đủ mạnh, kịp thời soi sáng cho ta giải quyết vấn đề theo chiều hướng khác. Bởi khi sự hiểu biết được thắp sáng, ta sẽ nhận ra sự xuống cấp của người kia chỉ là một hiện tượng nhất thời chứ không phải là toàn bộ con người của họ, hoặc có thể họ đang bị kẹt vào một nhận thức sai lầm nào đó nên khiến họ không muốn giữ gìn phong độ của mình nữa, hoặc do chính ta là thủ phạm đã khiến họ không còn niềm tin vào bản thân để có cảm hứng duy trì và phát huy những điểm sáng.

Ta đừng quên nguyên tắc của thương yêu là phải có sự hiến tặng và chia sớt. Ta phải có những năng lượng tích cực để hiến tặng cho người ta thương để họ được hay thêm và đẹp thêm khi gắn bó cuộc đời với ta. Mỗi khi người kia rơi vào tình cảnh khó khăn bế tắc, bị gục ngã giữa muôn trùng cám dỗ của cuộc đời, thì ta phải có khả năng đánh thức và đưa cánh tay tình thương đến để nâng đỡ hay chở che. Chứ mình nói mình thương người ta mà khi người ta bị xuống cấp, cần sự giúp đỡ của mình, thì mình lại than van là nhàm chán và muốn bỏ chạy. Cái đó chỉ là một sự đổi chác sòng phẳng chứ đâu phải là tình thương. Ta phải có trách nhiệm với bất cứ những gì ta đã gây ra. Ta đã đi vào cuộc đời của người ấy và đã góp phần đẩy tâm thức họ tới mức yếu kém như vậy thì ta không thể đổ thừa hay than trách gì cả. Thái độ đúng đắn nhất là mở lòng ra chấp nhận và giúp đỡ.

Nhưng có khi bên kia chẳng hề có một thay đổi nào, họ vẫn hay vẫn đẹp như họ trước đây, nhưng ta lại không hạnh phúc khi nhìn thấy họ nữa, ta nói ta nhàm chán mà không lý giải được tại sao. Có thể tâm thức ta đang bị khủng hoảng bởi những biến động của hoàn cảnh, hay do ta bị vướng kẹt vào thành kiến từ một việc làm sai trái gần đây của người kia mà ta không còn nhìn thấy họ như chính họ đang là, ta nhìn họ bằng một tâm thức khác mà ta cứ ngỡ là họ đang thay đổi. Cũng có thể do nhu yếu hưởng thụ trong ta đang tăng tốc, ta tiếp xúc thế giới bên ngoài và ngưỡng mộ những nhân vật mà ta cho là chuẩn mực rồi ta muốn người thương của mình phải được như vậy, nếu người thương của ta không làm được thì ta cho rằng ta đang tiến bộ còn họ thì đang bị tụt lùi. Cũng có thể ta vẫn còn thấy cái hay cái đẹp của người ấy, nhưng họ lại không phục tùng ta, trái lại họ có vẻ khinh thường ta nên cuối cùng ta cũng trở nên nhàm chán họ.

● Mới chuộng cũ vong

Thái độ nhàm chán thường xuất phát từ sự ích kỷ của ta, ta chỉ muốn người kia phải như thế này hoặc như thế nọ để phục vụ cho cảm xúc thỏa mãn của ta thôi, chứ ta không nghĩ gì đến cuộc đời của họ. Chính vì vậy mà người có bản tính mau chóng nhàm chán thì rất sợ gánh phần trách nhiệm, họ luôn bận tâm để tìm tòi khám phá cái mới chứ không sẵn sàng chi tiêu năng lượng để đền bù cho những thứ mà họ muốn từ bỏ. Nhưng đạo đức không cho phép họ làm như vậy. Làm người mà chỉ biết rút tỉa năng lượng của kẻ khác thì còn kém xa loài ong lấy mật hoa mà không hề làm cho hoa tổn thương. Họ không xứng đáng tiếp tục nhận lãnh năng lượng tình thương và che chở của đất trời. Họ chắc chắn sẽ không có những tháng ngày bình yên và sẽ bị đào thải dù sớm hay muộn.

Ý thức được mình đang sở hữu một bản năng bình thường hóa cảm xúc rất lớn, ta hãy quyết tâm quay về chăm sóc lại tâm hồn mình, dừng bớt cuộc rong ruỗi đi tìm những đối tượng hấp dẫn ở bên ngoài. Ta hãy thường xuyên tập ngồi xuống thật yên cho tâm tư lắng đọng mà không tiếp tục dùng nó để thăng hoa những cảm xúc không cần thiết. Từ khi thức dậy cho đến khi lên giường ngủ, lúc nào nhận biết tâm mình đang lang thang đi tìm những cảm giác mới lạ thì ta hãy nhìn vào tình trạng tâm thức lúc ấy bằng một thái độ không thành kiến và nở một nụ cười thật tươi để xác nhận là ta và cảm xúc vừa có cuộc chạm trán. Khả năng phát hiện này sẽ giúp cho ta nhạy bén hơn khi nhìn ra tâm của mình trong những lần sau và góp phần làm cho cảm xúc bị suy yếu.

Nếu khi “mới chuộng” mà ta không đủ sức để ngăn chặn thì ta hãy quan sát lại tâm mình khi “cũ vong”. “Mới chuộng” và “Cũ vong” là hai tâm thức khác nhau. Một cái quá hưng phấn muốn có cho bằng được, còn một cái quá nhàm chán muốn bỏ cho bằng được. Ta thấy có nhiều người để cho cảm xúc này tràn lắp ra lời nói và hành động, khiến ta có cảm tưởng như họ đang bơi đuối sức trong một dòng nước đang chảy xiết. Cảm xúc cũng giống như dòng nước, mức độ mãnh liệt của nó có thể khiến người ta vượt núi băng đèo để tìm đến nhau, nhưng cũng sẵn sàng dùng tới những thủ đoạn kinh rợn nhất để tiêu diệt nhau. Cho nên thiết lập được thói quen quan sát và buông bỏ bớt thái độ nhàm chán sẽ giúp ta không dễ trở thành kẻ bội bạc, dù có khi ta không vượt thắng nó nhưng ít ra ta cũng có cơ hội hiểu rõ hơn guồng máy hoạt động của cơ chế cảm xúc trong ta.

Ta có thể tháo gỡ cơ chế ấy ra từng mảnh vụn từ những cảm xúc yêu thích và chống đối nhỏ nhặt vẫn thường xảy ra trong đời sống. Mỗi khi ta muốn thay đổi cách ăn mặc, giọng nói, thể hình, xe cộ, chỗ ở, sở thích đến cả quan hệ bạn bè, thì ta nên tự hỏi có phải mình đang muốn tạo dựng thêm cảm giác mới lạ cho chính mình và những đối tượng kia không, có phải vì ta không đủ niềm tin phẩm chất bên trong có giá trị đích thực nên ta chú trọng tới hình thức bên ngoài không ? Điều đó chẳng tội vạ gì nhưng đó là lý do mà ta trở thành nạn nhân của kẻ không giữ được lập trường, hay dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Lẽ dĩ nhiên đời sống là phải luôn khám phá sáng tạo, nhưng nó phải được thực hiện trên một tâm thức vững vàng, một lý trí kiên định và một tinh thần trách nhiệm thì ta mới đủ bản lĩnh đi về phía mặt trời sáng tỏ mà không bị tan chảy như những giọt sương.

Cảm xúc cũng vô thường
Nắng bừng vỡ giọt sương
Mời lên tâm tỉnh thức
Càng nhìn lại càng thương

Chuỗi thời gian

- Quang Minh



Thời gian hạt chuỗi đi qua
Mấy ai xâu kết thành tòa kim cang
Đất trời đã vẽ ngàn trang
Mùa xuân tươi thắm vẻ vang thanh bình
Bao đời say đắm sắc thinh
Đùa vui theo mộng nặng tình bể sâu
Xuân xanh mấy chốc bạc đầu
Hoa vàng tỉnh mộng hết sầu vương tơ

Nhìn lại

- Minh Niệm



Có một ông lão mù ngồi xin ăn lặng lẽ bên vệ đường. Phố xá đông đúc người qua lại nhưng ai nấy cũng vội vàng nên chẳng mấy ai để ý đến ông lão, mặc dù bên cạnh ông lão có để một tấm biển lớn “Xin mở lòng từ bi, tôi đã bị mù” (Have compassion, I am blind). Mãi đến xế trưa, bỗng có một anh chàng thương gia trẻ ăn mặc sang trọng tiến gần lại, ông lão nghe bước chân sát cạnh mình liền đưa bàn tay sờ lên đôi giày của anh ta và lòng mừng rỡ vì nghĩ hôm nay chắc mình sẽ không bị đói. Nhưng anh chàng thương gia không móc tiền cho ông lão mà anh ta lại lấy viết ra ghi cái gì đó phía sau tấm biển giấy.

Ông lão thất vọng vì anh chàng cũng vô tình quay gót như bao người khác, nhưng không bao lâu thì bỗng dưng chiếc lon của ông lão lại vang lên những tiếng rang rảng của những đồng xu và cả những tờ giấy bạc của những người qua đường. Ông lão sờ lên chiếc lon đầy ắp tiền, lòng vừa mừng khôn xiết và cũng không kềm chế nổi sự ngạc nhiên. Vài giờ sau anh chàng thương gia trẻ kia quay lại kiểm tra, ông lão sờ lên đôi giày sang trọng thì biết là người dừng lại ban nãy nên ông gạn hỏi ngay, anh đã viết gì trên tấm biển kia. Anh chàng vỗ vai ông lão nói rằng anh ta cũng viết với nội dung như vậy nhưng từ ngữ có khác đi đôi chút, rồi anh ta vui vẻ bước đi. Câu ấy là “Hôm nay là một ngày nắng đẹp, nhưng tôi không nhìn thấy được !” (Today is a beautiful day, but I can not see it !)

Câu viết đơn giản ấy như một tiếng chuông vang lên nhắc nhở mọi người hãy dừng lại để ý thức có một thực tại rất mầu nhiệm đang xảy ra, đó là một ngày nắng đẹp. Nếu ai đã sống trong những ngày tháng mùa đông âm u lạnh giá thì chắc chắn sẽ rất yêu quý một ngày nắng đẹp như thế. Nhưng ta vì có nhiều thứ phải lo toan và nắm bắt quá nên ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội với sự sống. Thì đây, một tấm biển của một ông lão mù đã làm cho ta không chỉ ý thức về một ngày nắng đẹp đang lên, mà còn nhắc nhở rằng ta đang có một đôi mắt sáng. Đó là một thứ tài sản vô giá mà biết bao người không có được. Một đôi mắt có thể nhìn thấy trời xanh mây trắng, có thể thấy muôn màu muôn vẻ trên thế gian này. Còn gì khổ cho bằng ta không thể nhìn thấy được chính mình và cả người thương của mình. Nhưng nhiều khi vì tham vọng mà ta cứ lầm lũi lao tới phía trước, không nhận biết được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta thì ta đâu khác gì một kẻ mù.

Dường như đã từ lâu rồi ta đánh mất thói quen nhìn lại mình. Ta cứ lo đuổi bắt những đối tượng bên ngoài hay trong xa vời vì ta tin tưởng rằng hạnh phúc của mình nằm ở nơi đó. Nhiều lần thất vọng khi phát hiện ra chúng chỉ là những cảm xúc sung sướng trong nhất thời chứ không phải là hạnh phúc chân thật, nhưng ta vẫn cố chấp lao tới tìm kiếm cho bằng được, vì chung quanh ta ai cũng làm như vậy, ta không thể thua sút. Nhưng có một đôi mắt sáng chẳng phải là một điều kiện hạnh phúc hay sao ? Ta sẽ làm gì với tất cả những tài sản và danh vọng mà ta giành lấy được khi ta không còn nhìn thấy chúng được nữa. Mà ta đâu chỉ có mỗi đôi mắt là quý giá, hãy nhìn kỹ lại hình hài của mình từ trên đầu xuống dưới bàn chân, ta sẽ thấy tất cả những gì mình đang có đều là điều kiện căn bản của hạnh phúc cả, không có nó ta sẽ không cảm nhận được thứ hạnh phúc nào nữa.

Nếu đã xác nhận nó là hạnh phúc thì tại sao ta không trân quý giữ gìn, lại bỏ bê và thậm chí còn đày ải nó đến kiệt sức để đạt được những thứ hạnh phúc khác. Đó có phải là hành động khôn ngoan không ? “Hôm nay là một ngày nắng đẹp” là một câu xác định, phải đứng ngay trên đất của thực tại, không còn chạy lăng xăng, phải dừng lại thực sự để tiếp xúc thì ta mới phát biểu được như thế. Cho nên muốn nhìn lại thì điều kiện tiên quyết là phải dừng lại, không dừng lại thì sẽ không nhìn thấy gì cả, hoặc sẽ thấy rất mù mờ và có thể sẽ sai lệch. Dừng lại để tiếp nhận giá trị sâu sắc bên trong, thay vì lao tới để nắm bắt những cái cạn cợt bên ngoài, đó đâu phải là thái độ sống của một người thiếu thực tế. Nếu đã thấy rõ ta không được gì từ bên ngoài, hãy tìm về nơi chính ta đi, ta vốn có sẵn một kho tàng hạnh phúc to tát kìa. Mà nhiều khi ta không nắm được cái bên ngoài chính vì ta không có khả năng nắm cái bên trong, nói cách khác, nắm được bên trong thì mới có hy vọng nắm được bên ngoài. Song, người sống được với chính mình thì lại hay khước từ nắm cái bên ngoài, xem nó không quan trọng, đôi khi cho đó là xa xỉ hay vô ích nữa.

Vậy để nhìn lại những gì mình đang có thì ta buộc phải dừng lại, không thể dừng lại tất cả thì dừng lại bớt, phải có thái độ buông bỏ bớt những điều kiện hấp dẫn lôi kéo bên ngoài, phải thu gọn lại những đòi hỏi từ nơi đối tượng khác, dồn năng lượng về phía mình để trở về tiếp quản lại gia tài thân tâm mình. Có thể nó đang xuống cấp trầm trọng, nhưng ta đừng nao núng, cũng đừng phiền trách hay áp đặt nó. Lỗi thường xảy ra là ta bỏ bê chúng cho đã, rồi khi quay về ta lại tỏ thái độ không chấp nhận, lại muốn nó phải như thế này thế kia. Chấp nhận là điều kiện cần phải có trong tiến trình chăm sóc thân tâm. Đó là lỗi của ta, là kết quả của quá trình sống thiếu tỉnh thức của ta, ta không chấp nhận là ta quá tham lam. Cái gì tốt đẹp ta cũng đều muốn cả mà không chịu chăm sóc giữ gìn.

Trở về thân tâm phải có thái độ nhẹ nhàng hòa nhã thì ta mới có thể hiểu được tình trạng thật của nó. Ta hãy để ý lại bước chân của mình khi bước lên cầu thang, khi đi vào công ty hay dạo trên phố, thay vì cứ ngó dáo dác chung quanh hoặc suy nghĩ lung tung đến chuyện khác. Đi cũng là một sự sống, cũng là một điều kiện của hạnh phúc, cũng là một phần của cái tôi. Một ngày kia khi mình không thể sử dụng đôi chân được nữa thì có thể tương lai sự nghiệp của mình cũng sẽ sụp đổ theo, vậy nên, mình hãy đi cho đàng hoàng tử tế. Mình phải đối xử tử tế với chính mình trước thì mới hy vọng đối xử tử tế với người khác một cách thật lòng. Ta hãy cảm nhận bước chân của mình đi, hãy bước đi với tư cách của một kẻ tự do hạnh phúc nhất trên đời, và hãy nở nụ cười hạnh phúc vì mình còn làm được điều đó. Đi trong tỉnh thức, như thế bước chân ta sẽ trở nên mềm mại và đĩnh đạc hơn, năng lượng bình yên trong ta sẽ thoát ra và sẽ ôm lấy mặt đất vốn đã bị rạn nứt quá nhiều vì những bước chân căng thẳng, mưu toan và đầy thù hận của con người.

Ta hãy tập thêm cho mình thói quen nhìn như đang nhìn, đóng cánh cửa như đang đóng cánh cửa, đưa tay bưng chén trà như đưa tay bưng chén trà, nở nụ cười như đang nở nụ cười, mở lời nói như đang mở lời nói … chứ không mang theo bất cứ một ý niệm nào, dù là thái độ yêu thích hay ghét bỏ. Loại bỏ bớt những thái độ không cần thiết trong mỗi động thái cử chỉ ở mọi lúc mọi nơi thì đó là một thái độ quay về đúng đắn. Thái độ ấy sẽ giúp ta có một kỹ năng nhạy bén và vững vàng để đi vào lĩnh vực tâm hồn, một khu vườn kỳ bí mà không phải ai cũng đủ khả năng khám phá được sự thật của nó. Ta phải nhìn lại một cách thành công từ những cái thô thiển nhất thì ta mới hy vọng tiếp xúc được những cái tinh tế nhất. Nếu ta không ý thức được bước chân, giọng nói hay hơi thở một cách thuần thục thì ta đừng trông mong nhìn thấu nổi những tâm lý phức tạp như buồn tủi, cô đơn, tuyệt vọng của mình. Điều này phải cần đến một quá trình trải nghiệm, sự thông minh đành phải nhường chỗ cho lòng kiên nhẫn và cả sự từ tốn với chính mình.

Cảm xúc (emotions) là một phần của tâm, nó là những chuỗi phản ứng yêu thích cái này ghét bỏ cái kia cứ tuôn chảy bất tận trong tâm như một dòng thác đổ. Ta có bao giờ để ý đến phản ứng khó chịu khi đi ngoài trời tuyết lạnh hay thích thú khi bưng uống chén trà nóng không ? Hay ta cứ mãi bận lòng chống đối cái lạnh hay mân mê cái ấm mà bỏ qua một sự thật quan trọng là dòng cảm xúc đang chi phối mình. Chính nó quyết định cho thái độ sống của mình chứ không phải đối tượng bên ngoài. Nếu mình kịp thời nhận ra cảm xúc ấy là phi lý, thời tiết mùa đông thì phải lạnh, mình phải chấp nhận sự thật đó như một lẽ đương nhiên, rồi tìm cách để bảo vệ cơ thể chứ mình không khó chịu hay ghét bỏ nó. Buông bỏ được thái độ chống đối đó thì ta sẽ đi dưới tuyết một cách rất an nhiên, có khi ta sẽ cảm thấy tuyết rất đẹp và là một phần tất yếu của sự sống nữa.

Uống chén trà ấm cũng vậy, nếu mình thấy được sự yêu thích đang diễn ra trong tâm và sắp mở lời tấm tắc ngợi khen thì hãy dừng lại và buông bỏ thái độ ấy. Đừng dễ dãi để cho hạt giống yêu thích bị kích hoạt như thế, nếu không, sau này với những đối tượng lớn hơn và có tính chất trả giá đắt hơn thì ta sẽ không cưỡng lại nổi. Uống trà với một tâm hồn tinh khiết, cảm nhận hương vị của nó một cách trọn vẹn mà không nhận xét hay phê phán thì ta sẽ đạt tới đỉnh cao của sự thưởng thức. Đành rằng yêu ghét là bản năng tự vệ tự nhiên của con người, không ai có quyền ngăn cấm ta yêu ghét cả, nhưng ta nên xét lại tất cả những phản ứng tự vệ ấy đều hợp lý và cần thiết hết chăng, hay chúng chỉ là sự nông nổi nhất thời của cái tôi ích kỷ và thiếu hiểu biết. Người sống từng trải thường nhận ra được chân lý sống là càng bớt yêu thích và ghét bỏ thì sẽ càng nắm được hạnh phúc, vì hạnh phúc có từ nơi tâm hồn bình yên, dừng lại mọi lao xao tranh đấu bên ngoài.

Phần lớn cảm xúc bắt nguồn từ tâm tưởng (perceptions) quá phong phú của ta. Tâm ta như một anh chàng họa sĩ tài ba, có khả năng vẽ vời đủ mọi cảnh tượng từ hấp dẫn đến rùng rợn và có khi phóng đại quá xa với thực tế. Người ta mới nhìn mình chăm chú là mình tưởng họ yêu thích mình, người ta mới nhắc nhở một câu là mình nghĩ họ căm ghét mình. Mình mới có tài sơ sơ mà tưởng là quá giỏi nên cứ muốn đội đá vá trời. Hoặc mình thật sự có tiềm năng nhưng vì thất bại đôi lần là mình không còn tin tưởng bản thân nữa, mình tưởng mình vô dụng và chắc ai cũng nghĩ mình như vậy. Đó là chứng bệnh hoang tưởng, một trong những hội chứng đáng báo động nhất của thời đại. Con người bây giờ đang dần đánh mất khả năng hiểu biết và tin tưởng chính mình nên họ sống mòn trong mộng tưởng. Đúng là không có trí tưởng tượng thì không có nền văn minh của nhân loại, nhưng một khi nó vượt qua mức kiểm soát của đạo đức thì sẽ trở thành đại họa. Biết bao cuộc tình gãy đổ, huynh đệ tương tàn, chiến tranh khốc liệt cũng vì mộng tưởng điên đảo của con người. Khi mộng tưởng vỡ tan thì sự ăn năn đã không còn kịp cứu rỗi.

Người sống tỉnh thức là phải luôn phát hiện kịp thời những hình ảnh đang được xây dựng trong tâm mình, đó là một quá trình được góp nhặt từ những dữ kiện mà chính ta trải nghiệm hoặc tích lũy từ kinh nghiệm của kẻ khác. Công trình xây dựng ấy có thể nhồi nặn ra một dự án hay một tương lai rất tốt đẹp và khả thi nếu nó được sự hỗ trợ chặt chẽ của tâm an định và tâm hiểu biết. Và nó sẽ trở thành thứ vọng tưởng làm não loạn tâm thần hay tiêu phá đến khánh tận năng lượng và trí tuệ sáng tạo của ta nếu nó được hình thành từ những tham vọng cuồng nhiệt mà bất chấp mọi hậu quả. Cả hai tiến trình ấy ta đều quan sát, tìm ra nguyên nhân gốc rễ và những điều kiện hợp tác để hình thành. Cần thiết thì ta hãy tháo gỡ guồng máy đó để trả tâm hồn ta trở về vị trí bình yên và nhẹ nhõm. Nên nhớ trong quá trình nhìn lại tâm tưởng, ta vẫn không mang theo thái độ chê trách, phẫn nộ hay áp đặt. Hãy để yên đó và im lặng quan sát, từ khi nó hình thành đến tan rã.

Ngoài ra ta còn phải có trách nhiệm nhìn lại những tâm hành (mental formations) của mình. Từ những tâm hành tốt như là nhường nhịn, chấp nhận, tha thứ, thương yêu đến những tâm hành xấu như là ích kỷ, giận hờn, kỳ thị, thù hận, ta đều luôn nhận diện ra mặt mũi của chúng khi chúng phát hiện lên trên bề mặt ý thức. Với sự quan sát tinh tế, ta còn có thể phát hiện ra nguyên nhân nào khiến những hạt giống ấy từ trong chiều sâu tâm thức trồi đầu ra, có thể do ta bất cẩn để cho hoàn cảnh tưới tẩm hay do những phiền não khác trong tâm kích hoạt vào chúng, biến chúng thành những tâm hành, rồi tạo nên những hành động mà ta phải chịu trách nhiệm. Dù lý do nào, ta cũng nhận diện và quan sát với tâm bình thản. Nếu không phải đối phó trình diễn với ai, ta nên để cho chúng phát hiện hết mức để ta nhìn thấy rõ chân tướng thì ta mới có cơ hội đào xới chúng tận gốc. Dùng ý chí để can thiệp chỉ nên là trường hợp bất đắc dĩ thôi, dùng nhiều quá thì ta chỉ trấn áp được trong nhất thời nhưng tương lai nó sẽ trở lại mà ta bất giác vì cứ ngỡ mình đã chiến thắng.

Nếu lúc nào ta cũng nhìn lại cảm xúc, tâm tưởng và tâm hành của mình thì ta sẽ không còn lo sợ của những loại vi khuẩn độc hại tàn phá tâm ta mà ta không hay biết. Ta sẽ không còn thốt lên những câu nói “Tôi cũng hiểu tại sao tôi lại làm như vậy !”, hay “Tôi muốn mở lòng ra chấp nhận nhưng tôi làm không được !” Chìa khóa làm chủ bản thân bắt đầu từ chỗ đó. Khi làm chủ được bản thân mình thì ta sẽ dễ dàng làm chủ cuộc đời mình. Một điều kỳ diệu là khi ta trở về làm mới thân tâm mình, lấy bớt những chất độc vốn đã tích tụ từ lối sống thiếu tỉnh thức vừa qua thì ta sẽ nhìn lên mọi đối tượng bằng một con mắt khác. Ta sẽ nhìn thấy cánh rừng mùa thu tuyệt đẹp chứ không phải là sự tàn tạ, ta sẽ thấy nụ cười bé thơ dễ thương như thiên thần chứ không phải phiền toái, ta sẽ thấy người thương của ta là mầu nhiệm chứ không phải là oan trái. Đó mới là cái nhìn đúng đắn.

Sự thật là tâm ta như thế nào thì ta sẽ dệt lên đối tượng như thế ấy. Trong quá khứ, vì không biết rõ sự thật này nên ta cứ đổ thừa hoàn cảnh và gắng sức thay đổi chúng, và ta đã thay đổi không biết bao lần rồi mà rốt cuộc khổ đau vẫn chưa hề thuyên giảm. Vậy khi ta đã tạo được thói quen quan sát thân tâm mình một cách thường trực và nhạy bén thì bấy giờ ta nên nhìn lại những đối tượng mà trước đây ta đã từng ghét bỏ hay muốn loại trừ. Dưới ánh sáng mới của tâm thức, những thành kiến trong ta đã rơi rụng, ta sẽ nhìn họ với lăng kính nhận diện đơn thuần (mere recognition), nhìn như họ đang là chứ không phải như chính tâm trạng hay cảm xúc ta đang là, thì chắc chắn ta sẽ thấy rõ được nguyên nhân sâu xa nào khiến họ trở nên như vậy. Chừng hiểu ra được gốc rễ nguồn cơn, ta sẽ cảm thông và chấp nhận dễ dàng, đôi khi ta còn rất biết ơn họ đã giúp ta có những bài thực tập gian nan mà cũng thật giá trị. Thế mới nói, một nhận thức đúng đắn có thể tái thiết lập nền hòa bình ngay lập tức. Tất cả đều do tâm mà ra.

Cho nên làm gì thì làm, ta cũng đừng bao giờ quên nhìn lại mình như một bổn phận không thể thiếu giữa một cá thể đối với một cá thể, hay một cá thể đối với đoàn thể hoặc đại thể. Như lời nhắc nhở của thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ vào thời nhà Trần nước ta: “Phản quang tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Nhìn lại mình là bổn phận của mỗi người, vì nó có thể làm cho mình có bình an và hạnh phúc chân thật, mọi sự tranh đấu chỉ đem lại sự thỏa mãn nhất thời, đuổi theo nó để nắm bắt thì chẳng được gì đâu !

Tâm ý đã mệt nhoài
Thương ghét mãi chưa nguôi
Dừng nói năng phân biệt
Tôi tìm về chính tôi

Thắp sáng tâm đăng

- Thích Tánh Tuệ



Hãy thắp sáng tâm mình
Một ngọn đèn tỉnh thức
Ngàn bóng tối vô minh
Cũng cúi đầu, phủ phục

Hãy vượt qua tham dục
Bằng chánh niệm, tuệ tri
Ấy là từng bước đi
Có sen vàng đỡ gót

Thời gian trôi thấm thoát
Hãy tinh tấn hôm nay
Đời vô thường đổi thay
Nên sống đầy Tuệ Giác

Biết ai còn luân lạc
Xin gửi một niềm thương
Dìu dắt đến con đường
Phật quang ngời soi sáng

Cùng nhau về Giác ngạn
Sen nở ngát trời quê
“Ga tê ... và Ga tê …” (*)
Bồ đề tâm bất thối

Gặp nhau nơi nguồn cội
Cười đẹp nụ chân thường
Một niệm thấu mười phương
Khắp trời Như Lai hiện

Hãy cùng nhau thệ nguyện
Trở về từng phút giây
Chánh Niệm, rời mộng say
Đạo là đây bất biến

(*) Gate, Gate paragate parasamgate bodhi svaha
- Vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, hoàn toàn vượt qua, đến bờ Giác ngộ -


Hư hư thực thực

- Trích: “Nếu em an lành, đó là ngày nắng” | Bạch Lạc Mai |



Đi suốt chặng đường, mỗi một mùa đều có sứt mẻ tan vỡ, mỗi một câu chuyện đều có nỗi đau thương sâu kín. Tình cảm hư hư thực thực, thời gian tỏ tỏ mờ mờ, làm cho bản thân tỉnh táo - thanh tịnh - thực sự không dễ dàng. Cái bạn muốn chưa chắc đã thuộc về mình, cái bạn có được chưa chắc đã là cái bạn mong chờ. Gặp gỡ một người, chỉ cần khoảnh khắc. Yêu một người, luôn là cả một đời. Bèo nước gặp nhau rồi lập tức quay người không hẳn là sai lầm. Khắc cốt ghi tâm, yêu nhau đến thiên hoang địa lão, cũng chưa chắc đã là hoàn mỹ.

Sức mạnh của lời nói

- Sưu tầm



Câu chuyện về hai chú ếch:

Một bầy ếch đi dạo trong rừng và có hai con bị rơi xuống một cái hố sâu. Tất cả các con ếch còn lại trong bầy đều bu quanh miệng hố để kéo chúng lên. Nhưng khi thấy cái hố quá sâu, cả bầy liền nói với hai con ếch rằng chúng chỉ còn nước chết mà thôi.

Hai con ếch bỏ ngoài tai những lời bình luận đó và cố hết sức nhảy lên khỏi hố. Những con ếch kia lại nói với chúng đừng nên phí sức, rằng chúng chỉ còn nước chết. Sau cùng, một con ếch phía dưới nghe theo những gì cả bầy đã nói, nó bỏ cuộc và ngã lăn ra chết trong sự tuyệt vọng.

Con ếch còn lại tiếp tục cố gắng nhảy. Một lần nữa cả bầy xúm lại và thét lên khuyên nó hãy thôi. Nó càng nhảy mạnh hơn nữa. Cuối cùng nó nhảy được lên bờ. Cả bầy vây quanh và hỏi nó: “Anh không nghe tụi tôi nói gì hay sao ?”. Thì ra con ếch này bị nặng tai. Nó tưởng cả bầy ếch đã động viên nó suốt khoảng thời gian vừa qua.


Mỗi lời nói đều ẩn chứa một sức mạnh vô hình. Có một sức mạnh sống và chết nơi miệng lưỡi chúng ta. Một lời động viên khích lệ có thể trở thành động lực giúp cho những người đang trong cơn đang bế tắc lấy lại tinh thần, vực người ấy dậy và giúp anh ta vượt qua khó khăn. Nhưng, cũng có những lời nói có thể giết chết một người trong cơn tuyệt vọng. Do đó, hãy cẩn thận với những gì chúng ta nói ra. Đừng hủy diệt tinh thần của một người đang trong hoàn cảnh khốn khó bởi những lời nói tiêu cực. Quý báu thay là những ai dành thì giờ để động viên và khích lệ người khác. Cuộc sống của chúng ta và mọi người xung quanh trở nên như thế nào, tùy thuộc vào chính thái độ và những lời nói của chúng ta.

Qua câu chuyện ngụ ngôn trên muốn nhắc nhở chúng ta điều gì thì đã rõ. Nhưng trong đối nhân xử thế hàng ngày liệu chúng ta đã áp dụng được mấy phần ? Thỉnh thoảng đâu đó trong cuộc sống, ta vẫn thường chứng kiến nhiều trường hợp tự kết liễu đời mình vì tuyệt vọng trong tình yêu, vì không có lối thoát trong cuộc sống. Vẫn biết Ta Bà là cõi khổ đau, phiền não, nhưng biết nương tựa nhau, biết giúp nhau vượt qua khó khăn, để cùng hướng đến điều tốt đẹp thì cuộc sống này ý nghĩa biết bao.

Đa phần các bạn trẻ đều được tư vấn những điều hay lẽ phải, những kinh nghiệm sống của cha ông đúc kết từ nhiều ngàn năm, những phương cách hóa giải nhiều ngang trái trong cuộc sống và điều căn bản nhất chính là các bạn ấy phải hiểu rõ vấn đề mình đang đối diện để nỗ lực tìm hướng đi, phấn đấu làm thay đổi cuộc đời mình. Một lời động viên đúng lúc có thể cứu được một sinh mạng, và cũng từ một lời nói vô tình, có thể sẽ cướp đi mạng sống của một sinh linh. Đó là điều cần chúng ta suy nghĩ về hậu quả của một tiếng nói. Chúng ta hãy cùng nhau dang rộng vòng tay nhân ái, góp thêm lời yêu thương, lời động viên tích cực để đem lại cuộc sống An Lạc cho mọi người và cho thế hệ con cháu mai sau.

Lời khuyên:

- ĐỪNG vì những lời nói của người khác mà từ bỏ NỖ LỰC của bản thân. Rất nhiều khi THÀNH CÔNG chỉ cách bạn có một chút, một chút xíu CỐ GẮNG nữa mà thôi.

- Hãy CẨN THẬN với những gì chúng ta nói. Một chút quan tâm, một chút chia sẻ, thế giới của bạn sẽ tốt đẹp và hạnh phúc hơn.

Tôi thấy Phật

- Thích Tánh Tuệ



Tôi thấy Phật ngự trong từng tia nắng
Khi vườn tâm yên ắng những buồn lo
Ai có biết Phật chưa từng đi vắng
Vì u mê, đường đến Phật quanh co

Tôi thấy Phật trong tôi từng hơi thở
Khi tâm hồn rộng mở lối yêu thương
Dừng lặng nhé, bình yên, không xáo động
Cọng cỏ khô cũng thấy đẹp như thường

Tiếng của Phật có nơi lời chim hót
Giọt Cam Lồ thánh thót giữa sương mai
Đừng kiếm Phật ở chín tầng cao vót
Bước chân ta tỉnh thức hiện Liên đài

Tôi thấy Phật ngự trong làn gió mát
Mắt Phật cười xanh ngát cõi hồn nhiên
Khi sực tỉnh buông ưu phiền, oán giận
Tôi gặp Người nơi lẽ sống tùy duyên

Tôi thấy Phật qua nụ cười em bé
Nơi bàn tay, trong đôi mắt Mẹ già
Tôi biết Phật trú giữa lòng nhân thế
Lúc tim này độ lượng, sống bao la ...

Danh ngôn (32)

- Carlonie Franklin



Những giây phút tăm tối nhất của cuộc đời có thể đang mang theo bên trong nó hạt giống của ngày mai xán lạn.

Những con sói trong tâm hồn

- Quốc Dũng
- Theo Inspiretoday



Một cậu bé đến gặp ông mình để kể cho ông nghe về nỗi bực tức của mình khi bị bạn cùng lớp chơi xấu.

Sau khi nghe xong câu chuyện, người ông liền nói: “Để ông kể cho cháu nghe chuyện này. Đôi lúc, ông cũng cảm thấy rất ghét những người như vậy, nhưng rồi ông không buồn vì những gì họ làm. Bởi vì sự thù hận, bực bội chỉ làm cho cháu mệt mỏi chứ không làm đau kẻ thù của cháu. Điều đó cũng giống hệt như cháu uống thuốc độc nhưng lại đi cầu nguyện cho kẻ thù của mình chết. Ông đã phải đấu tranh với những cảm xúc như thế này nhiều lần rồi !”

Ngừng một lúc, ông lại nói tiếp: “Cũng giống như có hai con sói bên trong ông, một con thì rất hiền và chẳng bao giờ làm hại ai. Nó sống hòa hợp với tất cả mọi thứ xung quanh và nó không bao giờ tấn công ai cả, bởi vì sự tấn công đã không được dự tính sẵn. Nó chỉ đánh nhau khi điều đó là đáng để làm và làm theo một cách rất khôn ngoan, đúng đắn.”

Người ông từ tốn nói tiếp: “Nhưng con sói còn lại thì không như thế ! Nó lúc nào cũng giận dữ. Một việc thật nhỏ nhặt cũng có thể khiến nó nổi giận. Nó đánh nhau với tất cả mọi người, mọi vật bất kể lúc nào, mà không hề có lý do. Nó không nghĩ rằng đó là do sự tức giận và thù hận của nó quá lớn. Thật khó để hai con sói này cùng sống trong ông. Cả hai con đều cùng muốn chiếm lĩnh tâm hồn ông.”

Cậu bé nhìn chăm chú vào mắt người ông rồi hỏi:

- Ông ơi ! Vậy con sói nào thắng hả ông ?

Người ông nói một cách nghiêm nghị:

- Đó là con sói mà cháu vẫn hằng nuôi dưỡng !

Túy sinh

- Thích Tánh Tuệ



Lang thang sáu nẻo luân trầm
Cỏ cây thấy cũng lặng thầm xót thương
Niềm vui chưa trọn đã buồn
Nụ cười chưa tắt, lệ tuôn ướt đời

Nắng, mưa … tóc đã bạc rồi
Vẫn chênh vênh, vẫn chơ vơ dạ sầu
Đâu nhìn ra thuở ban đầu
Đâu tìm ra mối chỉ nào vướng chân

Ngày qua tháng lại phong trần
Theo dòng thinh sắc ... ân cần hủ hê
Dùng dằng ... một cảnh hai quê
Nửa lên yên ngựa, nửa mê cung đàn

Mở to mắt, vẫn mơ màng
Từng chiều nốt chén tiễn hoàng hôn say
Mảnh hồn lớp lớp mây bay
Mộng trung đâu biết mặt mày thuở nao

Vấn vương vị ngọt chiêm bao
Mà đành cam chịu giam vào tử sinh
Vui qua, khổ tới lênh đênh
Đường xưa ai nhớ bước thênh thang về

Vẫn chờ ai, cội Bồ Đề
Nghìn năm bóng đổ bên lề nhân gian

Tái sanh

( Sưu tầm và Tổng hợp )



Phật dạy: “Ta thấy chúng sanh sau khi bỏ thân người, số sanh lên cõi thiên, sanh lại làm người như cặp sừng con bò, còn đọa lạc trong ác đạo nhiều như số lông con bò.”

● AI DẪN CHÚNG TA ĐI TÁI SANH ?

Tất cả chúng sanh, sanh tử tiếp nối không gián đoạn, cho nên Phật ở trên kinh thường nói, chúng sanh sáu cõi sanh tử bì lao, không có ngơi nghỉ. Thân thể này chết đi, thần thức này lại đi đầu thai. Đầu thai thế nào, ai làm chủ thể ? Nghiệp lực làm chủ thể, chúng ta phải hiểu được đạo lý này.

Không phải Thượng Đế làm chủ, cũng không phải vua Diêm La làm chủ, mà là nghiệp lực của chính bạn đang làm chủ bạn. Bạn tạo ra thiện nghiệp, tự nhiên liền đến cõi thiện. Bạn tạo ra ác nghiệp, cũng tự nhiên đi đến ác đạo. Vì sao vậy ?

Xem thấy tạo ác, bạn liền ưa thích, liền đi theo rồi. Đây cũng chính là trong “Dịch Kinh” đã nói: “nhân dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân”, ưa thích làm cái gì, họ luôn có những bạn bè cùng sở thích thường hay tụ hội với nhau. Ở thế gian này họ ưa thích đánh bài thì họ sẽ có một nhóm bạn bè đánh bài, ưa thích đánh bóng chuyền thì họ có một nhóm bạn bè đó. Từng loại từng loại, họ tự nhiên liền sẽ đi đến nơi đó. Chúng ta thì tuyệt đối sẽ không đi đến những nơi đó. Nơi sân bóng chuyền thì chúng ta tuyệt đối sẽ không đi đến. Vì sao vậy ?

Không có hứng thú, đến nơi đó lãng phí thời gian của chúng ta, chúng ta là ngoài nghề, không biết chút nào. Ở nơi nào có giảng Kinh thì chúng ta nhất định đi. Đây gọi là “nhân dĩ tụ loại”. Sau khi chết cũng là như vậy, chúng ta sẽ đi đến những nơi nào mà thường ngày chúng ta ưa thích. Phật thấy điều đó rõ ràng, vì Ngài có Phật nhãn.

● SỰ QUÝ GIÁ ĐƯỢC TÁI SANH LÀM NGƯỜI

Căn cứ cho sự thực hành như thế này là thân người quý giá. Bởi vì thân người rất khó được, ta chớ để mình buông theo sự thản nhiên lười biếng, mà phải dấn thân toàn bộ vào thực hành. Nếu khi thân người có đầy đủ khả năng này, bị thần chết và vô thường giựt mất, ta phải ra đi với hai bàn tay trắng, bấy giờ ta sẽ ra sao ?

Vì thân tướng làm người khó được và dễ mất, ta cần nỗ lực làm cho sự có được thân người trở thành ích dụng trong mọi lúc và mọi hoàn cảnh. Một thân làm người với đầy đủ tự do và cơ hội để học và thực hành Pháp là cực kỳ quý hiếm. Nó là dụng cụ, nhờ đó bạn sẽ đạt Giác Ngộ hay nếu không cẩn thận thì một tái sanh thấp kém. Nó có được là do những tích tập công đức và huệ quán, nhất là giữ giới cũng như cầu nguyện cho một tái sanh như vậy. Shantideva đã nói rằng, có được nó cũng hiếm hoi như một con rùa mù sống dưới đáy biển một trăm năm mới nổi lên mặt nước một lần để chui cổ vào một cái vòng vàng gió thổi dật dờ trên mặt biển. Trong thí dụ này, con rùa là chúng sanh, bị mù vì vô minh của họ, ở dưới đáy biển là những cõi thấp, nổi lên mặt nước là tái sanh, cái vòng vàng là tái sanh quý báu làm người và bị gió thổi dật dờ là những thăng trầm của nghiệp.

Tính theo con số thì một đời làm người là hiếm có. Kinh có nói rằng, số chúng sanh ở địa ngục thì nhiều như cát ở sa mạc ngạ quỷ, như bụi trong không khí, súc sanh thì như sao đêm và làm người thì như sao được thấy lúc ban ngày.

Nếu bạn xem có thể tính ra số người dân trong một nước, nhưng không thể đếm được số thú vật, côn trùng, vi trùng ở đó, bạn sẽ có được đánh giá về điều này. Hơn nữa, trong dân số thế giới, người có lòng tốt còn hiếm hơn, và trong đó, những người có tự do, cơ hội và khuynh hướng theo Pháp lại càng ít. Bởi thế, đã có được sự làm người rất quý giá, chớ hoang phí nó, vì đời người ngắn ngủi. Chớ như một chuyến đi biển tìm kho tàng mà trở về tay không. Chớ ngó ngàng đến lạc thú phù vân, hãy thực hành Pháp và đạt đến hạnh phúc tối hậu vĩnh cửu.

Trẻ em học được gì từ cuộc sống ?

- Sưu tầm



- If children live with criticism, they learn to condemn.
Những đứa trẻ sống giữa những người phê phán thì học lên án.

- If children live with hostility, they learn to fight.
Những đứa trẻ sống trong bầu không khí thù địch thì hay đánh nhau.

- If children live with fear, they learn to be apprehensive.
Những đứa trẻ sống trong sự hãi hùng thì học được thói sợ sệt.

- If children live with pity, they learn to feel sorry for themselves.
Những đứa trẻ sống trong cảnh đau xót thì học được sự đồng cảm.

- If children live with ridicule, they learn to feel shy.
Những đứa trẻ sống trong sự nhạo báng thì trở nên rụt rè.

- If children live with jealousy, they learn to feel envy.
Những đứa trẻ sống trong bầu không khí đố kỵ thì học được thế nào là tham vọng.

- If children live with encouragement, they learn confidence.
Những đứa trẻ sống giữa những nguồn động viên thì học được lòng tin.

- If children live with tolerance, they learn patience.
Những đứa trẻ sống trong bầu không khí khoan dung thì học được sự nhẫn nại.

- If children live with praise, they learn appreciation.
Những đứa trẻ sống trong sự khen ngợi thì học được sự cảm kích.

- If children live with acceptance, they learn to love.
Những đứa trẻ sống trong sự tán thưởng thì học được cách yêu thương.

- If children live with approval, they learn to like themselves.
Những đứa trẻ sống trong sự tán thành thì học được cách yêu chính bản thân chúng.

- If children live with recognition, they learn it is good to have a goal.
Những đứa trẻ sống trong niềm tự hào thì học được cách phấn đấu.

- If children live with sharing, they learn generosity.
Những đứa trẻ sống trong sự san sẻ thì học để trở nên hào hiệp.

- If children live with honesty, they learn truthfulness.
Những đứa trẻ sống trong sự chân thật thì học được tính thật thà.

- If children live with fairness, they learn justice.
Những đứa trẻ sống trong sự công minh thì hiểu về chân lý.

- If children live with kindness and consideration, they learn respect.
Những đứa trẻ sống trong sự tử tế và quan tâm thì học được sự tôn trọng.

- If children live with security, they learn to have faith in themselves.
Những đứa trẻ sống trong sự an toàn thì có được niềm tin vào mình.

- If children live with friendliness, they learn the world is a nice place in which to live.
Những đứa trẻ sống trong hạnh phúc thì học được rằng thế giới là nơi tốt đẹp để sống.

Nếu yêu là nghĩa sống

- Thích Tánh Tuệ



Hãy cứ yêu, nếu yêu là lẽ sống
Nhưng chớ nhầm dục vọng với tình yêu
Mây rủ gió bay qua trời cao rộng
Chẳng trói nhau nên tự tại rất nhiều

Nếu biết yêu, trái tim bừng lửa sáng
Xót thương người trong khổ nạn, gầy hao
Vì lắm lúc đời như dòng sông cạn
Có tình yêu, lai láng giọt mưa trào

Em hãy đến bên tôi đừng e ngại
Đóa sen hồng này ưu ái gửi trao
Đời du sĩ tôi chân trần, áo vải
Túi đong đầy nhật nguyệt với trăng sao

Em có biết, tình yêu mầu nhiệm lắm
Nếu bàn tay quen nắm, biết buông ra
Cứ thầm lặng, yêu đâu cần vội vã
Giữa muôn loài thấy lại bóng hình ta

Đừng đuổi bắt những cuộc tình dâu bể
Bao kiếp rồi suối lệ đã trùng dương
Ngồi yên nhé, cùng phát lời hải thệ
Thắp đèn tâm cho rạng nẻo Vô Thường

Hãy cứ sống, yêu với lòng biển rộng
Nắng mai ngời ... bừng giấc mộng, thênh thang

Đừng quên cảm ơn !

- Sưu tầm



Ở một thành phố nọ, có cậu bé 14 - 15 tuổi, vì lấy cắp một quyển sách của một hiệu sách, bị bảo vệ bắt quả tang. Bảo vệ quát mắng khiến cậu vô vùng xấu hổ. Những người khác cũng nhìn cậu với ánh mắt khinh bỉ. Bảo vệ cứ đòi cậu gọi bố mẹ hay thầy giáo nhà trường đến nhận người. Cậu bé sợ co dúm người, nét mặt xám ngoét. Lúc này, có một phụ nữ đứng tuổi rẽ đám đông vây xem, xông vào bênh vực cậu bé đang hoảng sợ:

- Đừng đối xử với trẻ em như thế. Tôi là mẹ của cháu !

Dưới con mắt khác thường của đám đông, người phụ nữ nộp tiền phạt cho cậu và dắt cậu ra khỏi hiệu sách, khe khẽ giục:

- Mau về nhà đi con, từ nay trở đi đừng bao giờ lấy trộm sách nữa !

Mấy năm đã trôi qua. Cậu bé luôn luôn nhớ ơn người phụ nữ đứng tuổi không quen biết, luôn luôn hối hận đã không nói trước mặt bà hai tiếng cám ơn. Nếu không có bà, đường đời cậu có thể sẽ rẽ sang một lối khác.

Sau khi thi đậu Đại Học, cậu sinh viên đã thề nhất định tìm ra bà. Nhưng biển người mênh mông biết tìm bà ở đâu ? Thế là hàng năm, lợi dụng kỳ nghỉ hè nghỉ đông, ngày nào cậu cũng đến gần hiệu sách chờ nửa tiếng đồng hồ, hy vọng tìm được người phụ nữ đứng tuổi. Việc làm này hết sức mong manh, nhưng mưa gió không cản trở được cậu, cậu vẫn luôn không nao núng. Bởi vì cậu không bao giờ quên khuôn mặt hiền từ của bà. Cứ thế, cậu sinh viên đứng chờ trong hai năm, cuối cùng đã tìm được bà, nói hai tiếng “CÁM ƠN” ôm ấp trong lòng bấy lâu nay ...

Có ai không phạm lầm sai ?
Cõi lòng độ lượng hay hơn giáo điều

Danh ngôn (31)

- Đông Nhạc Thánh Đế



Một ngày làm việc thiện mà phước chưa đến, thì họa cũng tự lánh xa rồi. Một ngày làm điều ác mà họa chưa tới thì phước cũng tự lánh xa rồi vậy.